Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ J.Mattis tới Pakistan.
Diễn ra vào thời điểm chính quyền Tổng thống Mỹ D.Trump không ngừng kêu gọi Chính quyền Islamabad giải quyết triệt để các nhóm khủng bố đang hoạt động tại vùng biên giới giữa Pakistan và Afghanistan, chuyến thăm của người đứng đầu Lầu năm góc được dư luận hai nước và khu vực quan tâm.
Bộ trưởng J.Mattis nêu rõ, ông mong muốn đàm phán với các nhà lãnh đạo Pakistan để giải quyết các thách thức đang tồn tại giữa hai nước và tìm lập trường chung giữa hai bên trong cuộc chiến chống khủng bố. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh lời kêu gọi của Tổng thống D.Trump về việc Islamabad cần hành động nhiều hơn để đối phó cái gọi là "thiên đường trú ẩn” cho chủ nghĩa khủng bố.
Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Pakistan cho biết, trong các cuộc gặp, Bộ trưởng J.Mattis thông báo cho ban lãnh đạo Pakistan về mục đích chuyến thăm của ông nhằm tìm nền tảng chung để tạo mối quan hệ tích cực, nhất quán và lâu dài với quốc gia Nam Á này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ghi nhận những hy sinh trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan của Pakistan, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác sâu sắc hơn vì mục tiêu chung là loại bỏ khủng bố khỏi khu vực.
Về phần mình, Thủ tướng Kh.Abbasi nhấn mạnh việc cần có sự can dự sâu rộng để tăng cường quan hệ đối tác và thúc đẩy hợp tác giữa hai nước; nhất trí rằng cả Pakistan và Mỹ có những lợi ích chung trong bảo đảm hòa bình và an ninh ở Afghanistanvì sự ổn định lâu dài của khu vực. Thủ tướng Pakistan cũng đánh giá cao quyết tâm của Washington không cho phép sử dụng lãnh thổ của nước láng giềng Afghanistan để chống Pakistan, khẳng định, không nước nào được hưởng lợi nhiều hơn Pakistan từ hòa bình và ổn định ở Afghanistan, cho rằng hai nước cần tiến về phía trước để giải quyết các vấn đề hiện tại.
Kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan vào năm 2001, một số nhóm nổi dậy tại Pakistan đã vượt biên giới nước này tổ chức nhiều cuộc tiến công vào các lực lượng Mỹ, Afghanistan và đồng minh. Sau đó, các nhóm này trở về những nơi trú ẩn tại Pakistan. Mối quan hệ giữa Pakistan và Mỹ trở nên xấu đi trông thấy kể từ tháng 8-2017, khi Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố chiến lược mới tại Afghanistanvà Nam Á, trong đó hạ thấp vai trò của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố.
Chính quyền Washington hối thúc đồng minh lâu năm phải có nhiều hành động hơn trong vấn đề chống quân nổi dậy, những kẻ bị cho là lợi dụng các căn cứ tại khu vực bộ lạc của nước này để tiến công binh sĩ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đồn trú ở Afghanistan. Những lời lẽ cứng rắn của phía Mỹ về Pakistan khiến quốc gia Nam Á không hài lòng, làm dấy lên các cuộc biểu tình chống Mỹ tại đây. Pakistan luôn bác bỏ việc hỗ trợ các lực lượng đồng minh của Taliban, khẳng định chỉ duy trì liên lạc với các nhóm nổi dậy nhằm đưa các lực lượng này vào bàn đàm phán hòa bình.
Chuyến thăm Pakistan đầu tiên của ông J.Mattis với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng đã nhắc lại lòng tin trong chính sách của Mỹ, đòi hỏi Islamabad cần hành động nhiều hơn để đối phó những mạng lưới vũ trang đang hoạt động trên lãnh thổ. Giới lãnh đạo Pakistan nhiều lần khẳng định, sẽ không thỏa hiệp về chủ quyền quốc gia và quan hệ tương lai với Mỹ sẽ được ứng xử dựa trên cơ sở lòng tự trọng và bình đẳng.
Trong tuyên bố về chính sách sau chuyến thăm Islamabad của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ R.Tillerson tháng 10 năm ngoái, Pakistan cũng thẳng thắn gửi Washington thông điệp rằng, Pakistan không cần viện trợ quân sự cũng như hỗ trợ kinh tế, mà cần sự ghi nhận và tôn trọng của đồng minh. Tất cả các thể chế nhà nước, trong đó có Quốc hội, các cơ quan hành pháp và lực lượng vũ trang của Pakistan sẽ bảo vệ lợi ích của đất nước và không bao giờ thỏa hiệp về lợi ích của mình. Pakistan cũng sẽ không đầu hàng trong tất cả các vấn đề liên quan lợi ích quốc gia và nước này sẽ không lùi bước trước bất kỳ sức ép nào của Mỹ.
Dù chưa loại bỏ sự nghi kỵ lẫn nhau để tiến tới cải thiện quan hệ giữa hai nước, song Pakistan vẫn là đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố và cực đoan ở khu vực. Chính vì vậy, trong chiến lược mới đối với Nam Á, Chính quyền Washington vẫn đề cao vai trò quan trọng của Pakistan đối với ổn định và hòa bình ở khu vực. Tần suất thăm Pakistan dày đặc của giới chức Washington thời gian gần đây đã khẳng định điều đó.
Theo Báo Nhân Dân
Ngày 14.1, Reuters đưa tin các thành viên lưu vong của đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) bị giải thể vừa lập phong trào Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRM) để yêu cầu thả Chủ tịch CNRP Kem Sokha và kêu gọi tổ chức bầu cử công bằng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố, nước này có thể quay lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đạt được năm 2015.