Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ do Nhật Bản triển khai có thể được sử dụng để đối phó Triều Tiên.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường niên tại thủ đô Moscow ngày 15/1, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết hệ thống radar và đánh chặn đặt trên mặt đất Aegis do Mỹ sản xuất và được Nhật Bản triển khai trên lãnh thổ nước này hồi tháng trước có thể được sử dụng để phục vụ cho hành động tấn công quân sự. Theo ông Lavrov, được thiết kế với hai mục đích sử dụng, hệ thống Aegis có thể gắn thêm các vũ khí và có thể nhắm tới Triều Tiên.
Nhà ngoại giao Nga cũng bày tỏ sự nghi hoặc về việc Nhật Bản là nước chịu trách nhiệm vận hành hệ thống Aegis. Ngoại trưởng Lavrov để ngỏ khả năng Mỹ cũng đóng vai trò vận hành và kiểm soát hệ thống này, đồng thời cho biết việc Tokyo triển khai hệ thống khiến quan hệ song phương Nga - Nhật trở nên căng thẳng.
Theo Ngoại trưởng Nga, Mỹ và các đồng minh đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, "từ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu cho tới các lệnh trừng phạt đơn phương, hoặc sử dụng các đặc quyền ngoại giao theo luật của Mỹ, hay giải quyết bất kỳ vấn đề quốc tế nào theo kịch bản của họ”. Ông Lavrov nhấn mạnh chính những lời đe dọa từ Mỹ đã làm tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và các khu vực khác trên thế giới ngày càng diễn biến xấu đi.
Cũng trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Lavrov tiếp tục chỉ trích chính sách của Mỹ nhằm kiềm chế Triều Tiên, đồng thời cảnh báo Washington đang đùa cợt với thảm họa. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cho rằng Mỹ có thể đối mặt với "hậu quả thảm khốc” nếu nước này tìm cách giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng các biện pháp quân sự.
"Mỹ gần như công khai tuyên bố về khả năng chắc chắn sẽ sử dụng giải pháp quân sự”, ông Lavrov cho biết.
Cuộc họp về Triều Tiên vắng mặt Nga - Trung
Liên quan tới cuộc họp của Mỹ và các nước đồng minh dự kiến diễn ra ở thành phố Vancouver, Canada trong ngày hôm nay 16/1 để thảo luận về vấn đề Triều Tiên, Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố Nga phản đối cuộc họp này.
"Họ triệu tập các quốc gia từng chiến đấu dưới ngọn cờ của Liên Hợp Quốc để đối phó với Triều Tiên trong cuộc chiến tranh 1950 - 1953. Chúng tôi hỏi họ tại sao tổ chức họp, họ nói đây là hành động quan trọng để thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế nhằm chống lại chương trình tên lửa đạn đạo bất hợp pháp và nguy hiểm của Triều Tiên. Nhưng họ không mời chúng tôi (Nga) và Trung Quốc”, ông Lavrov nói.
Ông Lavrov cho biết cuộc họp của Mỹ và các đồng minh về Triều Tiên "rõ ràng không có ý nghĩa gì đối với Nga” vì Moscow chỉ có thể tham gia sau khi bộ trưởng các nước trên nhóm họp xong. Theo Ngoại trưởng Nga, những thông tin cho rằng Moscow đã được tham vấn trước khi hội nghị Vancouver diễn ra là "những lời nói dối trắng trợn”.
"Chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi xem những nỗ lực của các nước và cuộc họp này là gây tai hại”, Ngoại trưởng Nga nói.
Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, cũng phản đối chương trình cuộc họp của các nước ở Vancouver. Hiện chưa rõ các nước có mời đại diện của Bắc Kinh tham gia dự họp hay không.
Theo Dân Trí
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố, nước này có thể quay lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đạt được năm 2015.
Sáng 7-1, tại thủ đô Phnom Penh, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền đã tổ chức mít-tinh kỷ niệm 39 năm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng Khmer Đỏ (7-1-1979 - 7-1-2018), với sự tham gia của hàng chục nghìn người thuộc mọi tầng lớp nhân dân.