|
Tết nhảy là Tết quan trọng nhất đối với đồng bào Dao. Tết nhảy vừa để tưởng nhớ tổ tiên, vừa cầu may mắn cho xóm làng, dòng họ. Những ngày cuối năm, cùng cán bộ văn hóa xã Bắc Phong (Cao Phong), chúng tôi trở thành khách mời ăn Tết nhảy của bản Dao Tiến Lâm. Tết nhảy được tổ chức tại gia đình anh Triệu Tiến Long. Dù đã bước sang tuổi 42 nhưng đây mới là lần thứ hai gia đình anh Long tổ chức Tết nhảy. Bởi theo phong tục của người Dao, Tết nhảy chỉ được tổ chức tại nhà con cả. Để làm Tết nhảy phải chuẩn bị đầy đủ rượu, thịt để thết đãi cả họ, cả làng nên không phải năm nào cũng làm được nhưng cũng không quá 12 năm. Mặc dù Tết nhảy chỉ là nghi lễ của một gia đình nhưng được cả bản, cả làng tham gia náo nức như nghi lễ chung của cả cộng đồng. Chính vì vậy, dù chỉ đến ăn Tết của một nhà nhưng chúng tôi có thể gặp gỡ ở đây cả bản người Dao, từ những già làng cho đến những em nhỏ mới lớn. Theo lời kể của các cụ cao niên bản Dao Tiến Lâm, Tết nhảy được bắt nguồn từ truyền thuyết kể về cuộc di cư của tổ tiên đồng bào Dao. Trong một cuộc vượt biển tìm đường sống của con cháu 12 họ Dao, sau nhiều tháng lênh đênh trên biển mà chẳng tới bờ, bất ngờ đoàn thuyền của họ Dao gặp bão, bị sóng to, gió lớn như nhấn chìm thuyền, tính mạng của các họ Dao bị đe dọa. Trong cơn nguy cấp, các họ Dao khấn cầu xin thần Bàn Vương và tổ tiên vượt qua cơn hoạn nạn, vào đất liền an toàn và hứa sẽ làm Tết nhảy để tạ ơn. Lời cầu linh ứng, từ đó về sau các họ người Dao tổ chức Tết nhảy để tạ ơn tổ tiên nhưng tùy lời hứa của từng họ mà chu kỳ tổ chức Tết nhảy của các họ khác nhau. ông Bàn Sinh Tỉnh, một trong những cụ cao niên trong bản cho biết, theo phong tục trước đây, Tết nhảy diễn ra 3 ngày, 3 đêm. Trong những ngày đó, người Dao chỉ làm lễ, nhảy múa và ăn uống linh đình. Gia đình phải làm cơm đãi cả bản. Hiện nay, đời sống nhiều thay đổi, Tết nhảy được tổ chức gọn nhẹ hơn nhưng vẫn phải đầy đủ các nghi lễ và công việc tổ chức vẫn được cả bản cùng chung tay, góp sức. Bởi ý nghĩa của Tết nhảy là thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên Bàn Vương đã cứu mạng ngoài biển khơi năm xưa, luyện âm binh để bảo vệ cuộc sống gia đình, dòng tộc và cầu xin tổ tiên phù hộ, che chở cho mọi thành viên trong gia tộc, trong làng, trong bản được khỏe mạnh, may mắn và làm ăn phát đạt. Chính vì vậy, người Dao tổ chức Tết nhảy bằng tất cả tấm lòng và càng đông người tham gia thì càng được phúc, được lộc. Tết nhảy gồm 3 phần chính là khai lễ, chính lễ và lễ tiễn đưa. Phần khai lễ, đúng vào ngày giờ đã định, thầy cúng thực hiện nghi lễ mở và treo các bộ tranh thiêng của người Dao là bộ tam thanh, hành sư lên xung quanh tường nhà. Sau khi bày biện các lễ vật thờ cúng, thầy cúng bắt đầu điệu múa và khấn mời, dẫn đường các thần linh, Bàn Vương, gia tiên về dự lễ. Đến phần chính lễ, các nhân vật thể hiện các điệu múa và hát tung cờ, phất cờ để mời các binh tướng về dự. Tiếp đến là điệu múa Dao hay còn gọi là múa ra binh, vào tướng với những động tác nhảy, quay, nhún, bật tung người trong tiếng trống, tiếng thanh la trầm hùng. Rồi đến điệu múa phát nương, múa cờ, múa kiếm, múa chuông và múa bắt rùa. Múa bắt rùa là điệu múa quan trọng nhất trong lễ Tết nhảy bởi đối với người Dao, rùa là loài động vật linh thiêng, được tôn thờ để dâng cúng Bàn Vương và các thánh thần, tổ tiên. Nghi thức múa rùa được thực hiện trước đèn thờ cúng Bàn Vương. Dưới sự dẫn dắt của thầy cúng, thanh niên trai tráng trong họ, diễn tả các động tác tìm rùa, bắt rùa, trói rùa khiêng về nhà cúng Bàn Vương. Trong khi múa, mỗi người cầm một đồ vật nào đó để tạo ra âm thanh theo mỗi điệu nhảy. Chân phải bước, chân trái khụy gối và hai tay cầm nhạc cụ gõ vào nhau hòa lẫn với tiếng trống, chiêng, thanh la, não bạt. Cứ thế, mỗi người nhảy múa hàng trăm lượt và động tác như uyển chuyển hơn trong men say rượu Tết, làm cho người xem có cảm giác như mình được sống trong một thế giới khác, thế giới của đất trời, thiên nhiên giao hòa, quá khứ và hiện tại đan xen. Kết thúc Tết nhảy là lúc tiếng tù và vang lên, tất cả lại cùng ăn thịt, uống rượu và chúc gia chủ một năm mới tốt lành. Hiện nay, dù cuộc sống của đồng bào Dao Tiến Lâm đã có nhiều thay đổi. Tết nhảy vì thế cũng có nhiều đổi mới, không còn rượu, thịt tràn lan, không còn những vụ gây rối sau những cuộc Tết nhảy thâu đêm, suốt sáng vì men rượu. Tết nhảy đã thực sự đi vào tiềm thức người Dao như một nét văn hóa đặc sắc, như lời già Phùng Sinh Hải, Trưởng bản bên âm, già làng có uy tín ở bản nói: Tết nhảy là nghi lễ thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ tổ tiên và cũng là nghi lễ cầu phúc, cầu may, diệt trừ bất hạnh, rủi ro của năm cũ, cầu xin trời đất, tổ tiên phù hộ cho gia đình, dòng họ, làng, bản một năm mới dồi dào sức khỏe, mưa thuận, gió hòa. Phương Linh |