Truyền thông Nhật Bản đưa tin về thông điệp của Triều Tiên. (Ảnh: NHK).


Phát biểu tại một Hội thảo về giải trừ vũ khí do Liên hợp quốc bảo trợ ngày 26/6, ông Ju Yong-chol – một nhà ngoại giao của Triều Tiên tại Geneva cho rằng, Nhật Bản nên tỏ ra "kiềm chế” trước việc can thiệp vào tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vì Tokyo không phải là một bên tham gia ký kết Tuyên bố Panmunjom giữa hai miền Triều Tiên và cũng không phải là một bên tham gia Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Singapore.

Tuyên bố trên được đại diện ngoại giao Triều Tiên đưa ra sau khi phái đoàn Nhật Bản tại Geneva kêu gọi Triều Tiên tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận trong Hội nghị thượng đỉnh với Mỹ cũng như các cam kết về phi hạt nhân hóa đã được Bình Nhưỡng đưa ra tại sự kiện này. Bên cạnh đó, phái đoàn Nhật Bản cũng nhấn mạnh sẽ tăng cường hợp tác với Hàn Quốc và Mỹ trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo này, ngoài Nhật Bản, các nước gồm Áo, Australia, Argentina và một số nước khác đã một lần nữa kêu gọi Triều Tiên tăng cường các nỗ lực phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, ông Ju Yong-chol đã nhắc lại việc Triều Tiên từng tiến hành Hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc và Mỹ, đồng thời bác bỏ những lời kêu gọi trên vì cho rằng, việc gây sức ép không cần thiết lên Triều Tiên là điều "không thể chấp nhận được”.

Trước đó, phát biểu trong một chương trình truyền hình ngày 16/6, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố Tokyo sẵn sàng trang trải chi phí cho hoạt động giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đối với tiến trình phi hạt nhân hóa tại Triều Tiên, nếu như vấn đề các công dân Nhật Bản bị bắt cóc tại Triều Tiên được giải quyết trước.

Đáp lại thông điệp trên của Thủ tướng Abe, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã kêu gọi Nhật Bản cần "bù đắp” cho quá khứ đô hộ của mình tại Triều Tiên vào nửa đầu thế kỷ 20 nếu như muốn ghi nhận vai trò trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo này./.

Theo Báo Đảng Cộng sản Việt Nam