Tổng thống Rodrigo Duterte và Chủ tịch Tập Cận Bình duyệt đội danh dự tại Manila.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua tới Manila, bắt đầu chuyến thăm Philippines kéo dài 2 ngày. Đây là chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đầu tiên của một lãnh đạo Trung Quốc đếnPhilippinestrong vòng 13 năm qua và diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Rodrigo Duterte chủ trương tạm gác tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông để tập trung cải thiện quan hệ song phương, nhất là về kinh tế. Trong thông điệp gửi đến nước chủ nhà trước đó một ngày, Chủ tịch Tập cho biết hai nước đã chứng kiến "bước ngoặt” kể từ khi Tổng thống Duterte nhậm chức năm 2016 và so sánh mối quan hệ song phương hiện nay như "cầu vồng sau mưa”, theo Reuters.
Phát biểu ngay trước khi bước vào hội đàm với Tổng thống Duterte, Chủ tịch Tập cho rằng "lựa chọn đúng đắn duy nhất” cho Philippines lẫn Trung Quốc là "hợp tác và là láng giềng tốt của nhau”. Về phần mình, Tổng thống Duterte tuyên bố hai nước "sẵn sàng viết nên chương mới cho sự hợp tác và cởi mở”. Ông phát biểu thêm đây là thời điểm để hai bên "đánh giá những tiến bộ đã đạt được và thúc đẩy sâu sắc hơn quan hệ đối tác trên tinh thần hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và tôn trọng bình đẳng về chủ quyền”.
Cùng ngày, mạng tin Rappler dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Alfonso Cusi cho biết hai bên đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dầu khí, bao gồm cả các khu vực ở Biển Đông. Văn bản này không nêu chi tiết cụ thể về hợp tác nhưng người phát ngôn Văn phòng tổng thống Philippines Salvador Panelo tuyên bố bất kỳ thỏa thuận nào "cũng sẽ được kiểm soát kỹ lưỡng và không được trái với hiến pháp”. Trước đó, hàng loạt chuyên gia Philippines và quốc tế liên tục cảnh báo về những hệ lụy khó lường cho nước này lẫn tình hình khu vực xuất phát từ kế hoạch thăm dò, khai thác chung ở Biển Đông. Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez cho rằng không có gì bảo đảm Trung Quốc sẽ không gian lận trong hợp tác hay mượn cớ "bảo vệ dự án chung” để cử lực lượng an ninh áp sát Philippines. "Đây sẽ là ác mộng an ninh quốc gia với cái giá phải trả đắt hơn nhiều so với doanh thu từ khai thác chung”, ông Golez cảnh báo.
Về lý thuyết, bất kỳ thỏa thuận chia sẻ tài nguyên nào cũng phải tuân thủ hiến pháp Philippines và phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016 bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý "đường lưỡi bò” củaTrung Quốc. Vì thế, mọi hoạt động khai thác chung trong khu vực bị "đường lưỡi bò” liếm trúng sẽ vi phạm luật quốc tế và chỉ mang lại kết quả là giúp Bắc Kinh đạt được nhiều ý đồ trên biển, cũng như gây chia rẽ trong khu vực, khiến tình hình an ninh Biển Đông thêm phức tạp. Hôm qua, báo Inquirer dẫn lời phát ngôn viên Panelo tuyên bố phán quyết nói trên "tính đến thời điểm hiện tại là vô dụng vì thiếu cơ chế thi hành”. Tuy nhiên, theo ông, Tổng thống Duterte sẽ nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc "vào thời điểm thích hợp”.
Cũng trong ngày 20.11, Tổng thống Duterte và Chủ tịch Tập chứng kiến lễ ký kết 28 thỏa thuận khác về thương mại, hạ tầng, giáo dục... nhưng giá trị không được công bố. Cựu Phó chủ tịch hạ viện Lorenzo Erin Tanada yêu cầu chính quyền phải minh bạch hơn về những thỏa thuận ký với Trung Quốc. "Nếu họ nói sự thật và bảo vệ lợi ích của người dân thì có gì phải che giấu?”, ông Tanada nói với Inquirer.
Theo Báo Thanh Niên