Các quan chức từ hơn 70 thành phố trên toàn thế giới ngày 8-12 đã cam kết hợp tác chặt chẽ để giải quyết các làn sóng di cư, ủng hộ Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc trong khi ngày càng nhiều quốc gia rút khỏi hiệp định này.
Hàng rào ngăn người di cư ở biên giới Hungary, gần làng Horgos, Serbia. (Ảnh: Reuters).
Với kỷ lục 21,3 triệu người tị nạn toàn cầu, toàn bộ 193 thành viên LHQ, ngoại trừ Mỹ, đã nhất trí về Hiệp ước toàn cầu về Di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên để giải quyết vấn đề di cư tốt hơn.
Dự kiến, hiệp ước không mang tính bắt buộc này sẽ được thông qua vào đầu tuần tới tại thành phố Marrakesh của Ma-rốc. Tuy nhiên, các chính phủ cánh hữu tại châu Âu như: Áo, Hungary hay Ba Lan đã rút khỏi hiệp định này.
Nhằm ứng phó với tình trạng trên, các quan chức của hơn 70 thành phố đã họp tại Marrakesh để thảo luận các biện pháp hợp tác tốt hơn nhằm giải quyết vấn đề di cư như cung cấp chỗ ở hay việc làm,… nhờ đó có thể hạn chế làn sóng di cư tới châu Âu.
"Chúng tôi muốn tiếng nói của chúng tôi được các chính phủ lắng nghe. Các thành phố đang phải đối mặt với các thách thức”, Yvonna Aki-Sawyerr, Thị trưởng thành phố Freetown tại Sierra Leone, thuộc Tây Phi nói.
Trong khi đó, Thị trưởng thành phố Bristol của Anh, Marvin Rees, nói, hiệp ước của LHQ là cần thiết do chúng ta không thể phớt lờ các làn sóng di cư.
Buổi họp cũng có sự tham gia của các đại diện thành phố đến từ các quốc gia rút khỏi hiệp ước như Mỹ hay chỉ trích hiệp ước như Italy.
Hiệp ước toàn cầu về di cư của LHQ nhằm giải quyết các vấn đề như: bảo vệ người di cư, giúp họ hòa nhập tại các quốc gia mới và chuyển họ về quốc gia quê nhà. LHQ đã hoan nghênh đây là một hiệp ước mang tính lịch sử và toàn diện, có thể là cơ sở cho các chính sách trong tương lai.
Theo Nhân Dân