Nếu Ấn Độ thực hiện thành công cuộc đổ bộ lần này, Ấn Độ sẽ trở thành nước thứ tư trên thế giới vươn tới Mặt Trăng sau Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chúc mừng ISRO nhân sự kiện ý nghĩa này.
Chandrayaan-2 đã đi vào quỹ đạo trong một thao tác chèn phức tạp mất 29 phút. Sau đó nó sẽ tiếp tục bay quanh Mặt Trăng trong một quỹ đạo kín hơn cho đến khi đạt khoảng cách khoảng 100 km từ bề mặt của Mặt Trăng.
Sau đó, tàu đổ bộ sẽ tách khỏi quỹ đạo và được hãm bằng nhiên liệu tên lửa khi nó cố gắng hạ cánh xuống Mặt Trăng trên một bề mặt tương đối bằng phẳng giữa hai miệng hố ở vùng cực nam vào ngày 7-9 - một khu vực chưa có tàu vũ trụ nào đổ bộ trước đó.
Nhiệm vụ của Chandrayaan đang đi đúng hướng mặc dù việc khởi động bị trì hoãn một tuần.
Trong một cuộc họp báo, Chủ tịch ISRO, Tiến sĩ K. Sivan cho hay tỷ lệ thành công của việc hạ cánh trên Mặt Trăng chỉ là 37%. Do đó, việc tàu đổ bộ bán tự động sử dụng trí thông minh nhân tạo để tự đáp xuống Mặt Trăng, sau khi kết hợp điểm hạ cánh với hình ảnh được tải sẵn của khu vực, sẽ là một niềm hạnh phúc khó tả.
Một máy thám hiểm sẽ nghiên cứu các miệng hố Mặt Trăng bị che khuất vĩnh viễn được cho là có chứa 100 triệu tấn nước. Tàu vũ trụ Chandrayaan-1 đã xác nhận được nguồn nước này vào năm 2008.
Các nhà khoa học tin trằng các mỏ nước và khoáng sản có thể biến Mặt Trăng là điểm dừng chân tốt cho các cuộc du hành vũ trụ trong tương lai.
Theo Tiến sĩ Sivan, NASA Artemis sẽ sử dụng dữ liệu từ Chandrayaan-2 để đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2024, chuẩn bị cho các nhiệm vụ của con người lên sao Hỏa.
Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên có một tàu vũ trụ hạ cánh tại một địa điểm ở cực nam của Mặt Trăng.
Tiến sĩ Sivan cho hay, chương trình Chandrayaan-2 có giá trị khoảng 140 triệu USD, là chương trình được Ấn Độ ưu tiên nhất. Một phần do sự phức tạp kỹ thuật của việc hạ cánh trên bề mặt Mặt Trăng.
Tàu vũ trụ Chandrayaan-2 nặng 3,8 tấn được phát triển hoàn toàn bởi đội ngũ nhà khoa học của ISRO.