"Tuyên bố chính trị” do Hà Lan dẫn đầu là một phần của nỗ lực trong suốt một năm qua của chính phủ nước này nhằm kêu gọi các nước thành viên EU ủng hộ những biện pháp hạn chế phát thải. Nhìn chung, theo chính sách của EU, những cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm cần phải chi trả cho việc thu dọn và quản lý môi trường. Trong khu vực EU, nhiên liệu phục vụ ngành hàng không không bị đánh thuế và vé các chuyến bay xuyên biên giới trong khối này không bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Tuyên bố chung nêu rõ: "Vận tải hàng không kết nối con người trên toàn thế giới và đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, ngành hàng không cũng có tác động đáng kể đến môi trường: nó gây ra khoảng 2,5% phát thải CO2 toàn cầu và nhiều ảnh hưởng tiêu cực như tiếng ồn và ô nhiễm không khí”.
Theo tuyên bố này, so với hầu hết các phương tiện giao thông khác, hàng không không bị đánh thuế thích đáng. Vận tải hàng không được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và các chuyến bay quốc tế không phải chịu thuế giá trị gia tăng...
"Chúng tôi tin rằng, tăng cường phối hợp trong định giá những ảnh hưởng tiêu cực của ngành hàng không có thể bảo đảm rằng những cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm sẽ trả mức giá hợp lý hơn cho việc sử dụng dịch vụ vận tải hàng không”, tuyên bố chung nhấn mạnh.
Theo đó, chín nước này kêu gọi Ủy ban châu Âu tổ chức tranh luận về việc áp thuế hàng không, thí dụ: hình thức thuế hàng không hoặc các chính sách thuế khác...
Đến nay, Đức đã áp thuế hàng không để bảo vệ môi trường. Tháng 7 vừa qua, Pháp tuyên bố đánh thuế các chuyến bay cất cánh từ sân bay của nước này. Thụy Điển cũng công bố thuế hàng không vào năm 2018.
Một số quốc gia thành viên EU, đặc biệt là các nước ở khu vực Đông Âu và Trung Âu, không ủng hộ sáng kiến nêu trên của Hà Lan. Theo Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Nadia Calvino, quốc gia có ngành du lịch đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế này không sẵn lòng ủng hộ EU áp thuế hàng không.
Ngành hàng không châu Âu cũng phản đối bất cứ hình thức áp thuế hàng không nào của EU. Ngành hàng không châu Âu khẳng định kế hoạch mới nhằm "đền bù phát thải” của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế dự kiến bắt đầu được áp dụng từ năm 2021 và giúp giảm đáng kể lượng phát thải carbon từ các hoạt động di chuyển bằng đường hàng không quốc tế.
Dự kiến, đầu năm 2020, Ủy ban châu Âu sẽ đề xuất rà soát Chỉ thị thuế năng lượng của EU. Luật này được mong đợi sẽ trình bày chi tiết các biện pháp trong lĩnh vực hàng không cũng như cách đánh thuế hàm lượng carbon của các loại nhiên liệu và hoạt động sản xuất điện.
Giảm ít nhất 50% phát thải carbon vào năm 2030 là mục tiêu đầy tham vọng và cũng là một phần trong chương trình nghị sự của Ủy ban châu Âu nhiệm kỳ mới.