Liên quan mật thiết tới lợi ích của các cường quốc, Trung Ðông năm 2019 tiếp tục là khu vực địa - chính trị chiến lược thu hút sự quan tâm của thế giới. Các cuộc khủng hoảng chung quanh vấn đề hạt nhân I-ran, cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Xy-ri tiếp tục cuốn các nước lớn vào cuộc tranh giành ảnh hưởng, trong khi những nỗ lực quốc tế nhằm "tháo ngòi căng thẳng” ở Trung Ðông tiếp tục được thúc đẩy.



Tàu chở dầu ở vùng Vịnh bị tiến công tháng 6-2019.

Vùng Vịnh "nổi sóng”

Sự đối đầu giữa I-ran và Mỹ liên tiếp leo thang, có lúc lên tới đỉnh điểm, đẩy vùng Vịnh tới "miệng hố chiến tranh”. Mỹ đã điều tàu chiến và tàu sân bay tới vùng Vịnh nhằm răn đe Tê-hê-ran sau khi Oa-sinh-tơn và đồng minh cáo buộc I-ran đứng sau các vụ tiến công tàu chở dầu ở vùng Vịnh và hai cơ sở lọc dầu của Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Aramco của A-rập Xê-út. Mỹ và đồng minh luôn coi I-ran là "mối đe dọa” đối với an ninh ở vùng Vịnh sau khi Tê-hê-ran đưa ra hàng loạt biện pháp cứng rắn nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ. Oa-sinh-tơn đã chuẩn bị sẵn sàng mọi "kịch bản” để đối phó Tê-hê-ran, kể cả khả năng phát động một cuộc chiến tranh "nóng”.

Thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) I-ran ký với các cường quốc nhóm P5+1 bên bờ vực đổ vỡ, sau khi I-ran rút dần khỏi các cam kết trong thỏa thuận nhằm đáp trả biện pháp trừng phạt của Mỹ. Việc Mỹ rút khỏi JCPOA từ năm 2018 và áp đặt lại các biện pháp trừng phạt đối với Tê-hê-ran đã bị đáp trả bằng việc I-ran từng bước phá vỡ mức hạn chế trong thỏa thuận ký với các cường quốc về hoạt động hạt nhân. Quốc gia Hồi giáo đã thể hiện cách ứng xử kiểu "vỏ quýt dày, móng tay nhọn” với Mỹ trong vấn đề này. Bất chấp cảnh báo từ Mỹ và các đồng minh phương Tây, I-ran đã tăng giới hạn làm giàu u-ra-ni vượt mức 3,67% và lượng dự trữ u-ra-ni làm giàu thấp vượt ngưỡng 300 kg. Nước này bắt đầu làm giàu u-ra-ni tại cơ sở ngầm Pho-đâu, đồng thời cho biết kho dự trữ u-ra-ni đã được làm giàu của Tê-hê-ran đang tiếp tục tăng thêm. Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni thậm chí cảnh báo, nếu xuất khẩu dầu mỏ của I-ran bị cắt giảm xuống mức 0, các vùng biển quốc tế sẽ không còn được bảo đảm an ninh như trước. Tuyên bố này đồng nghĩa nếu xảy ra căng thẳng trong khu vực, eo biển Hoóc-mút, tuyến đường vận chuyển dầu mỏ chiến lược ở vùng Vịnh và là cửa ngõ quan trọng của ngành dầu mỏ thế giới, có thể bị Tê-hê-ran phong tỏa.

Trước sự cứng rắn của I-ran, Mỹ đã đưa ra lập luận và thông tin nhằm chứng minh cái gọi là "mối đe dọa từ Tê-hê-ran”. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, mặc dù chịu sức ép trừng phạt trong nhiều thập kỷ, I-ran vẫn thành công trong việc phát triển tên lửa và hiện sở hữu kho vũ khí tên lửa lớn hơn ở bất kỳ quốc gia Trung Ðông nào khác. Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ, I-ran có một chương trình phát triển tên lửa quy mô lớn và độ tinh vi của tên lửa tiếp tục gia tăng, bất chấp các nỗ lực kéo dài hàng chục năm nhằm kiềm chế sự tiến bộ của chương trình này. Tuy nhiên, những cáo buộc của Mỹ đã bị Tê-hê-ran bác bỏ. Quốc gia Hồi giáo khẳng định chương trình hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình, các thành tựu công nghệ ứng dụng trong sản xuất vũ khí là để nâng cao khả năng tự vệ chính đáng của mình.

Ðể đối phó I-ran, Mỹ thành lập liên minh hải quân mang tên Xây dựng An ninh biển (IMSC) do Oa-sinh-tơn đứng đầu tại vùng Vịnh, nhằm bảo vệ các tàu thương mại đi qua khu vực này. Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), A-rập Xê-út, Anh, Ô-xtrây-li-a, An-ba-ni và Ba-ren đã gia nhập liên minh, Ca-ta và Cô-oét cũng tuyên bố sẽ gia nhập, trong khi Pháp, Ðức, Nhật Bản, Na Uy, Hàn Quốc, I-rắc đã từ chối lời mời của Mỹ, do lo ngại về những tác động tiêu cực đối với thỏa thuận hạt nhân I-ran. Trong khi đó, I-ran bác bỏ mọi cáo buộc dính líu các vụ tiến công bí hiểm ở vùng Vịnh, đồng thời đề xuất về tăng cường an ninh vùng Vịnh mà không cần sự can dự của các nước ngoài khu vực. I-ran cáo buộc Oa-sinh-tơn sử dụng các nước khác như công cụ để hợp pháp hóa các chính sách đơn phương của Mỹ ở vùng Vịnh, cho rằng liên minh hải quân do Mỹ đứng đầu tại vùng Vịnh chỉ gây "mất an ninh toàn cầu”.

Nhằm "hạ nhiệt” căng thẳng giữa I-ran và Mỹ, các nước Liên hiệp châu Âu (EU) tham gia JCPOA đã nỗ lực níu giữ thỏa thuận hạt nhân I-ran vốn mong manh. Anh, Pháp và Ðức có kế hoạch chi 15 tỷ USD để tài trợ cho Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) với I-ran, một cơ chế tài chính nhằm giúp Tê-hê-ran "né” các lệnh trừng phạt của Mỹ. Phần Lan, Bỉ, Ðan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Thụy Ðiển mới đây cũng thông báo gia nhập cơ chế INSTEX. Tuy nhiên, I-ran chỉ trích các nước EU không thực thi đầy đủ cam kết theo thỏa thuận hạt nhân, gây thiệt hại cho nền kinh tế I-ran.

Nỗ lực hạ nhiệt "điểm nóng” Xy-ri

Cuộc khủng hoảng Xy-ri tiếp tục chứng kiến những diễn biến phức tạp và khó lường. Trong khi những nỗ lực quốc tế đang được thúc đẩy nhằm tìm giải pháp chính trị ở Xy-ri, thì trên thực địa chiến trường Xy-ri lại xuất hiện những động thái mới làm "tăng nhiệt” điểm nóng. Không giải quyết được những bất đồng với Mỹ về vấn đề người Cuốc, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành chiến dịch quân sự nhằm lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Cuốc (YPG) ở miền bắc Xy-ri, sau khi Mỹ rút quân khỏi khu vực này. Sự việc đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ, tới gần với Nga hơn khi An-ca-ra và Mát-xcơ-va đạt thỏa thuận Xô-tri về việc đưa lực lượng người Cuốc rút khỏi khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ lùi vào sâu trong lãnh thổ Xy-ri 30 km. Thỏa thuận này được coi là "cái bắt tay” ngoạn mục giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, giúp Nga tăng cường vai trò trong việc dẫn dắt tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng, trong bối cảnh vai trò của Mỹ ngày càng mờ nhạt. Với thỏa thuận Xô-tri, lực lượng quân cảnh Nga đã tiến hành các cuộc tuần tra chung với lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Xy-ri.

Quyết định rút quân đường đột của Tổng thống Mỹ Ð.Trăm khiến nhiều đồng minh của Oa-sinh-tơn lo ngại sẽ tạo lỗ hổng an ninh để IS trỗi dậy ở Xy-ri. Hiện, ước tính có khoảng 10 nghìn tù nhân IS cùng gia đình của họ đang bị giam giữ tại các trại gần khu vực đông bắc quốc gia Trung Ðông. Mỹ đã gây sức ép đòi các nước châu Âu nhận lại tay súng IS từng tham chiến ở Trung Ðông, song các nước châu Âu vẫn do dự và muốn thoái thác trách nhiệm khi họ cho rằng việc cho phép các tay súng IS hồi hương chẳng khác nào "ôm bom hẹn giờ”. Trong khi đó, chịu sức ép của chính nội bộ Mỹ và từ các đồng minh, Oa-sinh-tơn dường như đã có hành động "sửa sai” khi quyết định đưa một số binh sĩ trở lại khu vực đông bắc Xy-ri, với lý do "bảo vệ các mỏ dầu trước nguy cơ bị IS tiến công”.

Sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Xy-ri vẫn là vấn đề gây tranh cãi khi Oa-sinh-tơn khẳng định tiếp tục "sát cánh” với các đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố, trong khi cả Nga và Xy-ri đều phản đối và cho rằng, việc Mỹ duy trì binh sĩ ở Xy-ri chỉ khiến cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Ðông này thêm phức tạp. Tổng thống Xy-ri B.Át-xát khẳng định, cuộc xung đột tại Xy-ri là cuộc chiến tranh ủy nhiệm, với việc Mỹ hậu thuẫn lực lượng đối lập ở Xy-ri nhằm lật đổ chính quyền Ða-mát hiện nay. Nga cũng đã đưa ra những thông tin tình báo nhằm chứng tỏ một trong những mục tiêu của Mỹ ở Xy-ri là kiểm soát nguồn dầu mỏ ở quốc gia Trung Ðông này.

Diễn biến trên chính trường Xy-ri có những thay đổi, sau khi trên thực địa, lực lượng quân đội chính phủ Xy-ri giành quyền kiểm soát hơn 90% lãnh thổ quốc gia. Ðiều này tạo lợi thế cho chính quyền Xy-ri trên bàn đàm phán với phe đối lập. Dưới nỗ lực thúc đẩy cơ chế đối thoại A-xta-na của "bộ ba” gồm Nga, I-ran, Thổ Nhĩ Kỳ, cùng vai trò trung gian của Liên hợp quốc, các phe phái ở Xy-ri đã nhất trí thành lập một ủy ban có nhiệm vụ sửa đổi Hiến pháp nước này, một bước tiến tích cực trong việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Xy-ri.

Còn nhiều thách thức, song các nỗ lực quốc tế nhằm tháo gỡ bế tắc trong các cuộc khủng hoảng ở Trung Ðông tiếp tục được xúc tiến. Chấm dứt xung đột, hạ nhiệt căng thẳng, thiết lập nền hòa bình, ổn định ở Trung Ðông vẫn là cái đích quan trọng mà các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế nỗ lực hướng tới bấy lâu nay.


Theo Nhandan

Các tin khác


57 người thiệt mạng trong vụ chìm tàu ngoài khơi Mauritanian

Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết, 57 người đã thiệt mạng sau khi tàu chở 150 người di cư từ Gambia bị chìm ngoài khơi bờ biển Mauritania vào ngày 4-12.

Mỹ cân nhắc điều thêm 14.000 binh sĩ tới Trung Đông

Ngày 4/12, tờ Wall Street Journal dẫn nguồn từ các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét mở rộng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Trung Đông, bao gồm việc triển khai thêm hàng chục tàu chiến, các vũ khí hạng nặng và khoảng 14.000 binh sỹ, nhằm đối phó với mối đe dọa Iran.

Bị Mỹ cấm đoán, Huawei bắt tay Nga phát triển hệ sinh thái AI

Mối quan hệ với Thung lũng Silicon và các trường đại học Mỹ đổ vỡ, "người khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei lập tức bắt tay với một đối tác gần gũi hơn vốn đang nóng lòng biến các nghiên cứu thành tiền.

Trung Quốc nỗ lực xây dựng môi trường Internet lành mạnh

Là quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc hiện có hơn 800 triệu người dùng Internet với hàng triệu giao dịch trên mạng mỗi ngày. Do vậy, việc quản trị không gian mạng bằng pháp luật được nhà nước Trung Quốc hết sức coi trọng.

Malaysia khởi động Năm APEC 2020, hiện thực hóa Mục tiêu Bogor

Thủ tướng Mahathir Mohamad khẳng định Malaysia sẽ nỗ lực để tổ chức thành công Năm APEC 2020, trong đó chú trọng đẩy mạnh chương trình nghị sự về thương mại, đầu tư theo hướng toàn diện, bền vững. 

Nga, Ukraine đạt thỏa thuận trung chuyển dầu mỏ có hiệu lực 10 năm

Ngày 3-12, tập đoàn vận chuyển dầu khí Ukrtransnafta của Ukraine thông báo tập đoàn này và tập đoàn Transneft của Nga đã đạt được thỏa thuận có hiệu lực trong vòng 10 năm về việc cung cấp dịch vụ trung chuyển dầu mỏ qua lãnh thổ Ukraine.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục