Thủ tướng Édouard Philippe phát biểu trước Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Môi trường, ngày 11-12.
Theo dự luật này, tuổi nghỉ hưu chính thức giữ ở mức 62 tuổi cho đến năm 2027, sau đó sẽ tăng lên 64 tuổi. Quá trình chuyển sang hệ thống hưu trí phổ quát duy nhất (hợp nhất 42 quỹ hưu trí khác nhau) sẽ chỉ áp dụng cho thế hệ sinh từ năm 1975 và sau đó. Như vậy, thế hệ sinh từ năm 2004, sẽ đủ 18 tuổi vào năm 2022, trực tiếp được áp dụng vào hệ thống hưu trí mới.
Thủ tướng Pháp cho biết, dự luật này có lợi cho phụ nữ vì sẽ nhận 100% lương trong thời gian nghỉ sinh con và trợ cấp hưu trí sẽ được tính từ con đầu, chứ không phải từ con thứ ba như hệ thống lương hưu hiện nay. Người lao động nặng nhọc, độc hại có thể nghỉ hưu sớm hơn hai năm, tức là ở tuổi 60. Mức lương tối thiểu sẽ là 1.000 euro và lương hưu sẽ được tính theo mức lương tối thiểu, khi đó người nghỉ hưu sẽ nhận được mức lương tối thiểu 85%.
Thủ tướng Pháp cũng khẳng định rằng, người giàu sẽ đóng góp nhiều hơn so với hiện nay và lương hưu của giáo viên sẽ không giảm. Trong mấy ngày qua, rất đông giáo viên đình công do lo ngại lương hưu sẽ thấp hơn so với cách áp dụng hiện nay, tính theo mức lương của sáu tháng cuối cùng trước khi nghỉ hưu.
Như vậy, dự thảo cải cách lương hưu vừa được công bố cho thấy, có một số nhượng bộ của Chính phủ Pháp sau các cuộc đình công rầm rộ kéo dài từ ngày 5-12. Tuy nhiên, các tổ chức công đoàn vẫn cho rằng, tất cả người lao động sẽ bị thiệt thòi từ cải cách lương hưu và chính phủ chưa có các biện pháp cụ thể, còn mập mờ để bảo đảm sự công bằng. Dự luật về hệ thống hưu trí phổ quát sẽ dẫn tới việc xóa bỏ 42 chế độ hưu trí khác, trong đó có cả chế độ đặc biệt cho một số ngành nghề lao động như ngành đường sắt, khai thác mỏ.
Thủ tướng Pháp khẳng định, chính phủ sẽ thực hiện từng bước việc cải cách nhưng quyết tâm xây dựng hệ thống lương hưu phổ quát dù có nhiều người phản đối. Ông nói: Đây là trọng tâm trong cương lĩnh tranh cử của Tổng thống và đã được người dân Pháp lựa chọn khi tranh cử năm 2017. Tôi hiểu rõ rằng, cuộc cải cách này rất phức tạp và chính phủ sẽ từng bước xây dựng một hệ thống lương hưu đơn giản, hiệu quả và công bằng hơn.
Kết quả cuộc điều tra do Viện thăm dò dư luận Ifop thực hiện cho thấy, 74% người dân Pháp ủng hộ việc hệ thống cải cách lương hưu, trong khi đó 64% không tin rằng chính phủ hiện nay có thể thực hiện được cải cách này. Dự luật này sẽ được trình lên Quốc hội vào cuối tháng 2 năm tới. Trong khi đó, có 54% ủng hộ đình công trong cuộc thăm dò của Viện nghiên cứu Elabe, thấp hơn 4% so với tuần trước.
Ngay sau khi Thủ tướng Pháp công bố những chi tiết quan trọng của dự luật, các tổ chức công đoàn Pháp chỉ trích gay gắt, đồng thời kêu gọi tiếp tục biểu tình phản đối. Đáng chủ ý là lời kêu gọi biểu tình của Công đoàn CFDT, lần đầu tiên kể từ năm 2010. Hôm nay và ngày 17-12, biểu tình sẽ đồng loạt diễn ra tại nhiều nơi, dự báo tình trạng đình trệ giao thông nghiêm trọng trong những ngày tới.