Tối ngày 10-3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết các nước EU sẽ phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 hiện đang ảnh hưởng rất nặng nề tới nhiều nước, nhất là Italy, Pháp, Đức và Tây Ban Nha. Cùng lúc, EU sẽ tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu, chữa bệnh và ổn định tình hình phát triển kinh tế.


Các nước EU tăng cường phối hợp chặn đà lây lan và hậu quả của dịch Covid-19

Tổng thống Emmanuel Macron thăm trung tâm cấp cứu ở bệnh viện Necker, Paris. (Ảnh: Le Parisien-AFP)

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị trực tuyến với lãnh đạo EU, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết sẽ có một tổ chức chung của khu vực EU lo cung cấp thiết bị y tế trong đó có khẩu trang và máy hô hấp nhân tạo phục vụ công tác chữa trị bệnh nhân. Hoạt động nghiên cứu cũng sẽ được hỗ trợ và đã có 100 triệu euro giải ngân cho một chương trình nghiên cứu đặc biệt phòng chống dịch bệnh mới này.

Tổng thống E. Macron nói: Các nước EU sẽ đầu tư cho hoạt động điều trị và nghiên cứu vaccine phòng Covid-19. Các công ty dược và phòng thí nghiệm sẽ được hỗ trợ tài chính để đẩy nhanh các hoạt động thử nghiệm.

Bordeaux: Bệnh viện Đại học Y ở Bordeaux chuẩn bị khu tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus corona. (Ảnh: Le Parisien)

Đề cập đến lệnh hạn chế đi lại của Áo và đóng cửa biên giới của Slovenia với Italy, nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, Tổng thống Pháp nói: Tôi cho rằng quyết định như vậy là không phù hợp. Pháp chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn sự lây lan "quyết liệt" như ở Trung Quốc và Italy, nhưng cũng không loại trừ khả năng như vậy. Ông E. Macron nói: Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp thích hợp. Hôm nay Pháp chưa cần phải đưa ra quyết định phong tỏa như vậy nhưng nếu ngày mai, ngày kia có lý do để làm như vậy, chúng tôi sẽ triển khai.

Theo ông E. Macron, việc áp dụng các biện pháp chưa cần thiết khi khủng hoảng dịch bệnh ở Pháp chưa tới ngưỡng cao nhất có thể "phản tác dụng". Vì vậy, biện pháp ngăn chặn sự lây lan ở các khu vực bị ảnh hưởng sẽ hiệu quả hơn.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng cho biết EU sẽ sử dụng tất cả các công cụ có sẵn để hỗ trợ các nền kinh tế trong khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Cụ thể là sự hỗ trợ của nhà nước cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, linh hoạt trong việc áp dụng thỏa thuận về tăng trưởng và ổn định. EU sẽ thành lập một quỹ đầu tư đặc biệt dành cho các hệ thống y tế, doanh nghiệp nhỏ, thị trường lao động và các lĩnh vực dễ bị tổn thương trong nền kinh tế EU. Quỹ này có thể đạt tới 25 tỷ euro rất nhanh và ngay trong tuần này Ủy ban châu Âu sẽ đề nghị Hội đồng và Nghị viện EU giải ngân 7,5 tỷ euro.

Thông tin cập nhật từ các nước vào cuối ngay 10-3 cho thấy bốn nước EU gồm Italy, Pháp, Tây Ban Nha và Đức tiếp tục có số nhiễm virus corona mới tiếp tục tăng nhanh. Nhiều nhất là ở Italy, có tới 977 ca nhiễm mới và 168 người tử vong trong 24 giờ qua, tiếp đó là Tây Ban Nha (459 ca nhiễm, 5 người tử vong), Pháp (tăng 372 so với 286 ngày 9-3, 3 người tử vong, 12 người khỏi bệnh) và Đức (234 ca mới). Thụy Sĩ cũng có số người nhiễm mới ở mức cao, 123 ca và có người đầu tiên tử vong.

Trước đó trong chuyến thăm trung tâm cấp cứu ở bệnh viện Necker (Paris) sáng 10-3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định rằng chính phủ đã triển khai các biện pháp cần thiết để ứng phó bệnh dịch. Nhiều vùng và tỉnh ở Pháp có người nhiễm virus corona nhưng tình hình rất khác nhau vì vậy công tác chống dịch bệnh ở những nơi có người nhiễm được thực hiện phù hợp với tình hình cụ thể.

Tổng thống Pháp cho biết, thực tế nước Pháp không còn ở giai đoạn 2 mà ở ngưỡng cửa của giai đoạn giai đoạn 3, tức là mức báo động cao nhất về bệnh dịch virus corona (Covid-19). Chính phủ đã xem xét mọi biện pháp để xử lý theo tình huống cụ thể. Tổng thống Pháp nói: Tôi cho rằng chúng ta không nên tập trung vào việc xem xét khi nào chuyển sang giai đoạn cao nhất khi mà mọi thứ sẽ thay đổi. Tất cả phải sẵn sàng, sáng suốt để thích ứng theo tình hình. Chính phủ đang chuẩn bị với tất cả lực lượng và biện pháp để ứng phó bệnh dịch. Điều quan trọng là cần có sự sáng suốt và bình tĩnh để có thể khống chế bệnh dịch.

Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester được xác nhận nhiễm virus corona ào ngày 9-3. Tiếp đó Chánh văn phòng Tổng thống cũng tự cách ly ở nhà vì đã tiếp xúc gần với một người nhiễm. Ngay sau đó, các biện pháp bảo vệ Tổng thống trước nguy cơ của bệnh dịch đã được tăng cường cùng với các biện pháp "rào cản phòng dịch bệnh" được áp dụng với toàn bộ thành viên Chính phủ và nhân viên của Phủ Tổng thống.

Trong buổi họp báo về tình hình bệnh dịch ở Pháp trong tối 10-3, Cục trưởng Y tế Pháp Jérôme Salomon cho biết hiện còn 86 trường hợp nhiễm virus corona đang trong tình trạng nguy kịch. Thách thức hiện nay là chưa có thuốc điều trị và vác-xin phòng ngừa. Đây là một loại virus mới, có các triệu chứng như dịch cúm ở Pháp nhưng chưa có phương pháp điều trị. Bệnh dịch này có thể gây ra các tổn thương nghiêm trọng đối với những người chưa nhiều tuổi và không có bệnh lý.

Tại Pháp, khoảng 300 nghìn học sinh ở những khu vực có dịch bệnh lây lan rộng được nghỉ học, còn 12 triệu học sinh trên toàn nước Pháp vẫn đi học bình thường. Nhiều phụ huynh và giáo viên đã bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ lây nhiễm ở các cơ sở giáo dục. Tờ Liberation (Giải phóng) trích lời một giáo viên tiếng Pháp tại một trường đại học ở TP Lyon cho rằng lứa tuổi học sinh ít khi bị nhiễm bệnh nặng nhưng có thể truyền virus. Nếu bị nhiễm virus corona, triệu chứng nhiễm có thể như bị cảm lạnh, rồi lây nhiễm cho người khác ở trường, sau đó lan sang rộng các gia đình.

Tâm lý lo lắng cũng gia tăng đối phụ huynh học sinh ở vùng Thủ đô Paris. Tối 10-3, Cơ quan y tế vùng cho biết số ca nhiễm đăng tăng từ 300 lên 440 sau một ngày. Một số lớp học trong vùng đã đóng cửa vì có học sinh nhiễm bệnh.

Kể từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 ở châu Âu, các nước thành viên có cách xử lý riêng tùy theo tình hình ở mỗi nước. Tốc độ lân lan của dịch bệnh đã buộc chính phủ Italy phải áp dụng các biện pháp kiểm soát quyết liệt nhất trên toàn quốc. Diễn biến của Covid-19 cũng cho thấy sự phối hợp thiếu đồng bộ của các nước thành viên trong khu vực EU. Chính vì vậy cuộc họp trực tuyến của lãnh đạo 27 nước EU tối 10-3 là thông điệp về quyết tâm chấm dứt tình trạng nguy hiểm do bệnh dịch có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, phối hợp kịp thời để khống chế bệnh dịch và tránh nguy cơ suy thoái cho khu vực.


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Liên minh châu Âu họp khẩn vì Covid-19

Lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu họp khẩn qua video để bàn phương án đối phó dịch Covid-19 đang lây lan trong khu vực.

Tân Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin công bố danh sách Nội các

Tân Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã công bố danh sách Nội các mới, trong đó không có Phó Thủ tướng mà thay vào đó là 4 vị bộ trưởng cao cấp trợ giúp ông xử lý công việc.

Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới tới 6h sáng 9/3: 109.838 ca nhiễm bệnh, 3.805 người chết

Tính tới 6h ngày 9/3, có 109.838 người đã nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) và 3.805 người tử vong trên toàn thế giới. Pháp và Đức đêu có số ca nhiễm đã vượt 1.000 người, số ca tử vong tại Italy cao kỷ lục, trong khi Mỹ có 512 ca nhiễm và 21 người tử vong.

Italy phong tỏa một phần các vùng tâm dịch

Ngày 8/3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã ký sắc lệnh hạn chế ra vào khu vực tâm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, gồm toàn bộ vùng Lombardia, 14 tỉnh thuộc Veneto, Emilia Romagna, Piemonte và Marche. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 8/3 - 3/4.

Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới tới 6h ngày 8/3: Gần 106.000 ca nhiễm bệnh, 3.569 người chế

Tính tới 6h ngày 8/3, có gần 106.000 người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) và 3.569 người tử vong trên toàn thế giới. Một số quốc gia như Paraguay và Maldives ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên.

3.570 người tử vong do Covid-19, nhiều quốc gia tăng nhanh ca mắc và chết

Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết tính đến 7g30 ngày 8/3 số ca mắc Covid-19 trên thế giới là 105.828 tại 91 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Trung Quốc đại lục có 80.651 ca.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục