Ngày 12-3, tình hình dịch Covid-19 tại Italy tiếp tục diễn biến phức tạp khi số ca tử vong tại nước này vượt 1.000 trường hợp. Trong khi đó, Thủ tướng Anh quyết định đưa nước này sang giai đoạn thứ hai trong kế hoạch ứng phó với dịch Covid-19.


Italy có hơn 1.000 ca tử vong, Anh chuyển sang giai đoạn chống dịch mới

Quảng trường nổi tiếng trước Cung điện Hoàng gia Tây Ban Nha tại Madrid trong mùa dịch Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Số ca mắc và tử vong tại Italy tiếp tục tăng mạnh

Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy ngày 12-3 cho biết, Italy đã ghi nhận thêm 189 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số người chết vì Covid-19 tại nước này lên 1.016. Tổng số ca nhiễm của nước này đã tăng từ 12.462 lên 15.113.

2.651 ca bệnh mới là mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Italy vào ngày 21-2 vừa qua. Trong những người đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2, 1.258 người đã hoàn toàn bình phục. Khoảng 1.153 người bệnh đang được chăm sóc chuyên sâu.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp tại Italy, nhiều quốc gia đã tạm ngừng hoạt động giao thông vận tải với Italy, khiến giới chức của "đất nước hình chiếc ủng” phải hủy hàng nghìn chuyến bay và đóng cửa một số sân bay. Sau khi phát hiện các hoạt động kiểm tra tài xế xe tải gây ra tình trạng ùn tắc tại đèo Brenner, một tuyến đường quan trọng trong khu vực núi Alps, chính quyền Rome đã đề nghị Áo dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát "phi lý” tại đường biên giới chung vào đêm 12-3. Liên đoàn Công nghiệp Italy (Confindustria) ra thông cáo cho rằng: "Việc ngăn cản các phương tiện chở hàng hóa của Italy tới Bắc Âu đang gây thiệt hại khôn lường cho hàng xuất khẩu của chúng tôi và cho thương mại của châu Âu”.

Anh chuyển sang "giai đoạn trì hoãn” sự lây lan của Covid-19

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua đã chỉ đạo tăng cường các nỗ lực của nước này trong việc ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, Anh sẽ chuyển từ "giai đoạn ngăn chặn” sang "giai đoạn trì hoãn”, cho phép giới chức "quốc đảo sương mù” lựa chọn các biện pháp nghiêm ngặt hơn để làm chậm sự lây lan của dịch bệnh.

Kế hoạch ứng phó với sự bùng phát dịch bệnh của Anh có ba giai đoạn chính, gồm: ngăn chặn, trì hoãn và giảm thiểu. Khi triển khai giai đoạn trì hoãn, Chính phủ Anh có thể cân nhắc các biện pháp như đóng cửa trường học, cho người lao động làm việc tại nhà, hạn chế các hoạt động tụ tập đông người...

"Bây giờ chúng ta đang bước vào giai đoạn mới. Đây không chỉ là một nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch bệnh nhiều nhất có thể mà còn trì hoãn sự lây lan của nó”, ông Johnson phát biểu sau cuộc họp của ủy ban khẩn cấp Cobra của chính phủ. Ông Johnson khuyến cáo những người có triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2 nên tự cách ly ít nhất một tuần. Thủ tướng Anh cho biết, ông sẽ không ra lệnh đóng cửa trường học vào lúc này, tuy nhiên khuyến cáo dành cho các trường học có thể thay đổi khi virus lan rộng.

Tối cùng ngày, Anh và Liên hiệp châu Âu (EU) ra thông cáo chung cho biết vòng hai của cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại hậu Brexit dự kiến diễn ra tại thủ đô London của Anh vào tuần tới đã bị hủy do lo ngại về diễn biến của dịch Covid-19. Tuyên bố chung nêu rõ: "Trước những diễn biến mới nhất liên quan đến Covid-19, các nhà đàm phán thỏa thuận thương mại Anh và EU đi đến quyết định sẽ không tổ chức vòng đàm phán vào tuần tới tại London như dự kiến ban đầu". Thay vì đàm phán trực tiếp tại London, các bên "đang tìm các cách thức khác để tiếp tục công việc đàm phán, có thể tính đến hình thức hội nghị trực tuyến".

Số ca bệnh tại Anh đã tăng 29% trong 24 giờ qua, nâng tổng số người bệnh tại Anh là 590. Có 10 người đã tử vong tại nước này kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Tây Ban Nha tiến hành biện pháp hạn chế đầu tiên

Sau khi có đến 3.059 ca nhiễm và 86 ca tử vong (tính đến ngày 12-3), Tây Ban Nha đã cách ly bốn thị trấn và công bố nhiều biện pháp để đối mặt với những thách thức kinh tế do dịch Covid-19 gây ra.

Giới chức nước này đã bắt đầu phong tỏa bốn thị trấn chung quanh ngôi làng Igualada, cách TP Barcelona 49 km về phía bắc. Đường vào các thị trấn Igualada, Vilanova del Cami, Santa Margarida de Montbui và Odena bị phong tỏa từ 23 giờ GMT ngày 12-3 và khoảng 70 nghìn người dân sẽ chịu ảnh hưởng của lệnh phong tỏa này. Đây là biện pháp hạn chế đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Tây Ban Nha.

Tây Ban Nha cũng ra lệnh cấm các chuyến bay đến từ Italy và đưa ra cảnh báo đối với người dân di chuyển trong nước và nước ngoài. Các trường học, trường đại học trên toàn quóc sẽ đóng cửa ít nhất hai tuần.

Tại thủ đô Madrid, nơi ghi nhận gần 1.400 ca bệnh, giới chức y tế cho biết sẽ kiểm soát các bệnh viện tư và chuyển một số khách sạn thành trung tâm y tế trước khi số ca nhiễm tăng mạnh.

Trước tình trạng lượng hiến máu sụt giảm trong những ngày gần đây, giới chức y tế Madrid đã kêu gọi người dân tích cực hiến máu. Các bệnh viện tại thủ đô Madrid dự báo có thể không còn giường bệnh trong các đơn vị chăm sóc chuyên sâu.

Để tháo gỡ khó khó khăn trong tình hình dịch bệnh lây lan, Chính phủ Tây Ban Nha cam kết sẽ chuyển tiền trực tiếp cho cơ quan y tế trung ương và vùng, kiểm soát giá bán dược phẩm và thiết bị y tế cũng như hỗ trợ tài chính cho ngành du lịch.


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Ít nhất 47 người thiệt mạng vì mưa lũ ở miền bắc Afghanistan

Ngày 19/5, thông tin từ giới chức Afghanistan cho biết, đã có ít nhất 47 người thiệt mạng vì mưa lớn và lũ lụt ở miền bắc Afghanistan trong những ngày qua.

IEA cảnh báo nguy cơ thiếu hụt khoáng sản

IEA đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khoáng sản thiết yếu cho chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh do đầu tư không đủ mạnh.

Các quốc gia Arab kêu gọi công nhận Nhà nước Palestine

Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) ở thủ đô Manama của Bahrain với sự tham dự của Tổng Thư ký AL Ahmed Aboul-Gheit và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, lãnh đạo các quốc gia Arab kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để thiết lập nền độc lập của người Palestine.

Liên hợp quốc nâng dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024

Ngày 16/5 (giờ New York), Liên hợp quốc (LHQ) đã công bố Báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới, trong đó đưa ra đánh giá lạc quan thận trọng về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2024.

Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ nạn đói ở Dải Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths ngày 16/5 cho biết người dân ở Dải Gaza đang đối diện với nạn đói khi các nguồn lương thực cạn kiệt, đồng thời cho rằng chiến dịch của Israel ở thành phố Rafah gây ra nhiều khó khăn cho việc lập kế hoạch và phân phối hàng cứu trợ.

Nỗi lo thời tiết nắng nóng làm gián đoạn việc học tập của trẻ em châu Á

Tháng 4 vừa qua, nhiều quốc gia ở châu Á đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục khiến chính phủ quyết định đóng cửa trường học. Điều này đã cho thấy rõ tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu đe dọa việc học tập của hàng triệu trẻ em tại châu lục này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục