Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 17/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 2.178.149 trường hợp, trong đó có 145.329 người tử vong.
Đến nay, đại dịch COVID-19 đã tấn công 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 546.296 bệnh nhân COVID được điều trị khỏi bệnh, trong khi vẫn còn tới 57.060 người đang trong tình trạng nguy kịch và 1.481.923 đang được điều trị tích cực.
Mỹ tiếp tục là quốc gia dẫn đầu thế giới về tất cả các chỉ số ca nhiễm mới, ca tử vong mới trong ngày, cũng như về tổng số ca mắc bệnh và tổng số ca tử vong tính tới ngày 17/4. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp Mỹ ghi nhận số người thiệt mạng vì COVID-19 ở mức trên 1.000 người. Trong khi đó, châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt” căng thẳng dịch bệnh, dù vậy số người tử vong trong vòng 24h qua cũng ở mức trên 3.000 người.
Châu Mỹ có 721.642 ca mắc bệnh và 36.563 người tử vong
Trong vòng 24h qua, châu Mỹ chứng kiến dịch bệnh COVID-19 lây lan thêm 29.084 ca bệnh mới, 2.272 người tử vong, nâng tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong ở châu lục này lên lần lượt 721.642 và 36.563 trường hợp.
Tại Mỹ, với 675.527 ca nhiễm và 34.522 ca tử vong, Mỹ tiếp tục bỏ xa các nước khác trên thế giới. Trong vòng 24h qua, nước này đã ghi nhận thêm 2.079 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 và 27.524 bệnh nhân mới.
Thống đốc bang New York, Andrew Cuomo ngày 16/4 đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa tại tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất này đến ngày 15/5, mặc dù số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 được ghi nhận trong vòng 1 ngày qua ở mức thấp nhất trong 10 ngày liên tục. Ông Cuomo cho rằng, cần phải chứng kiến số ca nhiễm giảm nhiều nữa trước khi có thể nới lỏng lệnh phong tỏa tại bang này. Như vậy, 7 bang Đông Bắc Mỹ đã tuyên bố kéo dài lệnh phong tỏa tới ngày 15/5.
Thống đốc Cuomo cho hay, số ca tử vong tại bang New York trong ngày 16/4 là 606 trường hợp, ít hơn 146 ca so với 1 ngày trước đó, nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 12.192 người. Số người nhập viện trung bình trong 3 ngày qua đã giảm 2%.
Cho dù số ca nhiễm và tử vong ở Mỹ vẫn rất cao, nhưng Tổng thống Donald Trump cho rằng Mỹ đã vượt qua đỉnh dịch và quyết định công bố các kế hoạch đầu tiên về việc dỡ bỏ phong tỏa. Ông Trump rõ ràng đang đứng trước sức ép rất lớn phải ghi điểm đẹp về kinh tế khi cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần và nước Mỹ lại ghi nhận thêm 5,2 triệu người lao động rơi vào cảnh mất việc làm và xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước.
Số liệu của Chính phủ Mỹ công bố ngày 16/4 cho thấy nền kinh tế số 1 thế giới đã mất tổng cộng 22 triệu việc làm kể từ giữa tháng 3 vừa qua, do các biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19 khiến các công ty, cửa hiệu, nhà hàng phải đóng cửa. Con số mới này đã nâng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên 8,2%.
Liên quan đến sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, theo báo Wall Street Journal ngày 15/4, giới chức Mỹ cho rằng các hoạt động ra vào của các máy bay trên tàu này là nguyên nhân khiến các thủy thủ trên tàu sân bay nhiễm bệnh, chứ không liên quan tới chuyến thăm Đà Nẵng (Việt Nam) từ ngày 4 - 9/3 vừa qua. Cho đến nay, đã có hơn 600 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trên tàu USS Theodore Roosevelt, trong đó 1 thành viên đã tử vong, 5 người phải nhập viện và 1 người đang được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Hải quân trên đảo Guam. và 36.563 trường hợp.
Tại Canada, trang web của Chính phủ Canada cập nhật lúc 11h ngày 16/4 (giờ miền Đông ở Bắc Mỹ), nước này có 28.899 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 1.048 ca tử vong.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhận định phải mất nhiều tuần nữa trước khi biên giới giữa Canada và Mỹ có thể được mở cửa trở lại. Biên giới giữa Mỹ và Canada đã đóng đối với các hoạt động đi lại không cần thiết vào đêm ngày 20/3 (giờ địa phương) và theo kế hoạch ban đầu sẽ kéo dài đến ngày 20/4.
Nhà lãnh đạo Canada cho biết thêm chính phủ liên bang đang mở rộng chương trình cho vay dành cho các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Một trong những điều kiện để tham gia chương trình này là các doanh nghiệp có bảng lương năm 2019 dao động từ 20.000 CAD-1,5 triệu CAD (so với điều kiện được công bố trước đó là bảng lương của doanh nghiệp dao động từ 50.000 CAD-1 triệu CAD).
Tại Mexico, Cơ quan y tế dự báo đỉnh dịch sẽ diễn ra từ ngày 8-10/5 tới và có thể kết thúc chu kỳ đầu tiên của dịch, khi 95% các ca bệnh được xác định, vào ngày 25/6. Tính tới thời điểm sáng 17/4 theo giờ Việt Nam, Mexico ghi nhận 5.847 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 449 ca tử vong.
Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến ngày một phức tạp, Chính phủ Mexico đã quyết định kéo dài thời gian giãn cách xã hội thêm một tháng tới ngày 30/5.
Thứ trưởng Y tế Mexico Hugo Lopez-Gatell cho biết dịch bệnh COVID-19 phân bổ khác nhau. Do vậy, các địa phương bị ảnh hưởng nhẹ có thể nối lại các hoạt động bình thường vào ngày 17/5. Cơ quan chức năng tiếp tục kêu gọi người dân ở nhà, tránh ra đường không cần thiết; đồng thời khuyến cáo người dân tránh di chuyển tới các khu vực có tỉ lệ lây nhiễm cao như thủ đô Mexico City, bang Estado de Mexico và bang Puebla.
Trước đó, Chính phủ Mexico ngày 30/3 đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia, qua đó hàng loạt biện pháp đã được áp dụng, gồm đình chỉ lập tức các hoạt động không thiết yếu trong khu vực công và tư nhân cho đến ngày 30/4, không tổ chức các cuộc họp hoặc hội nghị gồm hơn 50 người và tuân thủ nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội.
Số liệu cập nhật của Bộ Y tế Cuba (Minsap) ngày 16/4 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 48 ca dương tính với virus SARS-Cov-2, nâng tổng số bệnh nhân lên thành 814 người, trong đó có 24 ca đã tử vong, tăng 3 ca so với ngày hôm trước. Cả 3 ca tử vong mới đều được ghi nhận tại thủ đô La Habana, địa phương bị tác động nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại Cuba.
Hiện đảo quốc Caribe đang chuẩn bị cho thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch với dự kiến sẽ rơi vào nửa đầu tháng 5. Cuba đang cho mua thêm các bộ xét nghiệm sinh học phân tử (Real time PCR) và các bộ xét nghiệm nhanh cho phép chẩn đoán bệnh ở những đối tượng khác nhau.
Châu Âu 1.014.238 ca mắc bệnh, 92.224 người tử vong
Trong vòng 24h qua, châu Âu là nơi ghi nhận dịch bệnh nghiêm trọng nhất thế giới với 43.481 ca bệnh mới, thêm 3.905 người tử vong, nâng tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong ở châu lục này lên lần lượt 1.014.238 và 92.224 trường hợp.
Tây Ban Nha đang là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới. Bộ Y tế nước này hết ngày 16/4 thông báo số ca tử vong do bệnh COVID-19 đã tăng lên thành 19.315 người. Trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha có thêm 551 bệnh nhân tử vong vì COVID-19, tăng so với mức 523 một ngày trước đó. Tây Ban Nha cũng ghi nhận thêm 5.183 ca mắc bệnh, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 184.948 ca.
Trong khi đó, tại nước láng giềng Italy, sau hơn 5 tuần lệnh phong tỏa được thực thi trên toàn quốc, đã có những dấu hiệu dịch bệnh đã qua điểm đỉnh và sắp kiểm soát được dịch bệnh. Số bệnh nhân trong các bệnh viện đã giảm dần và tỷ lệ nhiễm mới cũng giảm bớt.
Từ ngày 14/4, Italy đã thận trọng nới lỏng phong tỏa đối với một số lĩnh vực kinh tế, trong khi tái tổ chức các khu vực công cộng để bảo vệ tốt hơn, như tiếp tục yêu cầu giãn cách xã hội và đeo khẩu trang và găng tay ở nơi công cộng. Chính phủ dự kiến sẽ dỡ bỏ phong tỏa vào ngày 3/5 tới.
Tính đến thời điểm này, Italy có 168.941 ca mắc COVID-19, trong đó có 22.170 ca tử vong, đứng trên Pháp - quốc gia có lần lượt số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và ca tử vong là 165.027 và 17.920; Đức lần lượt là 136.569 và 4.052; Anh là 103.093 và 13.729.
Tại Anh, Nghị viện Anh ngày 16/4 đã phê chuẩn các kế hoạch cho phép Hạ viện họp trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử 700 năm tồn tại. Động thái chưa từng thấy nói trên là do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến phức tạp, khiến các cơ quan công sở, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vì lệnh phong tỏa. Ngoài ra, Chính phủ Anh dự kiến thông báo quyết định kéo dài yêu cầu giãn cách xã hội trong ngày 16/4.
Theo kế hoạch, Nghị viện Anh sẽ sử dụng ứng dụng dịch vụ họp trực tuyến Zoom để cho phép các nghị sĩ đặt câu hỏi chất vấn bộ trưởng về chính sách trong thời gian áp dụng phong tỏa. Các đề xuất mới sẽ cho phép 120 nghị sĩ đặt câu hỏi từ xa vào bất cứ thời điểm nào, và 50 nghị sĩ khác được phép ngồi tại nghị trường tham dự cuộc họp theo "các quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội".
Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết dù một số quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 đã ghi nhận những dấu hiệu lạc quan, nhưng số ca nhiễm mới vẫn đang tăng lên và sắp chạm mốc 1 triệu người chỉ riêng ở khu vực này.
Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của LB Nga cho biết, trong vòng 24 giờ tính đến hết ngày 16/4, số ca nhiễm mới tiếp tục tăng thêm 3.448 người, đưa tổng số ca mắc lên 27.938 ca trong khi có thêm 34 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 232 ca.
Trong khi đó, số người khỏi bệnh tăng lên 2.304 người sau khi có thêm 318 bệnh nhân hồi phục. Thủ đô Moskva tiếp tục là địa phương có nhiều người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhất với 1.370 ca, đưa tổng số ca nhiễm lên 16.146 ca với 113 người tử vong.
Trang mạng RBK của Nga dẫn 3 nguồn tin của Văn phòng Tổng thống và Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/4/2020 cho biết, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan nhanh tại nước này, Điện Kremlin đã quyết định không tổ chức cuộc diễu binh nhân Ngày Chiến thắng phát xít Đức trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva vào ngày 9/5 như truyền thống và lùi sự kiện này đến một thời điểm thích hợp.
Ông Kluge nhấn mạnh châu Âu vẫn đang là "tâm bão" của dịch bệnh khi số ca nhiễm trên toàn châu lục tiếp tục tăng. Trong vòng 10 ngày qua, số ca nhiễm ở châu Âu đã tăng gần gấp đôi, sắp chạm ngưỡng 1 triệu người. Điều này có nghĩa rằng châu Âu đang gánh 50% gánh nặng toàn cầu về dịch COVID-19 khi hơn 84.000 người ở châu lục này đã tử vong vì virus SARS-CoV-2.
Theo ông Kluge, dù một số nước đã bước vào giai đoạn có thể dần nới lỏng hạn chế nhưng chưa thể nhanh chóng quay trở lại trạng thái bình thường như trước. Ông hối thúc các quốc gia vẫn phải thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trước khi nới lỏng lệnh phong tỏa.
Châu Á tiếp tục xu thế giảm bệnh, chỉ ghi nhận 321 ca tử vong mới
Trong vòng 24h qua, châu Á tiếp tục chứng kiến xu thế bệnh dịch thuyên giảm ở hầu hết các quốc gia. Trên toàn châu lục ghi nhận thêm 11.451 ca bệnh mới và chỉ 321 người tử vong, nâng tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong ở châu Á này lên lần lượt 344.694 và 12.389 trường hợp. Mức độ thiệt hại này kém xa các nước châu Mỹ và châu Âu.
Trung Quốc hiện đứng thứ 7 trong danh sách các ổ dịch của thế giới. Giới chức y tế Trung Quốc cho biết Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 46 ca nhiễm mới trong ngày 15/4, trong đó có 34 ca là từ nước ngoài trở về.
Trong thông báo cập nhật ngày 16/4, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHS) của Trung Quốc nêu rõ trong tổng số các ca mắc mới, có 12 ca lây nhiễm trong cộng đồng, gồm 5 ca ở tỉnh Quảng Đông, 4 ca ở tỉnh Hắc Long Giang và 3 ca ở thủ đô Bắc Kinh. Trung Quốc đại lục không ghi nhận thêm ca tử vong do COVID-19 nào, nên tổng số ca tử vong hiện vẫn là 3.342 người. Ngoài ra, có thêm 76 bệnh nhân đã hồi phục trong ngày 15/4.
Tính đến ngày 17/4, tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục là 82.341 ca, trong đó có 1.107 ca vẫn đang được điều trị và 77.892 người đã được xuất viện. Ước tính 8.484 người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân hiện đang được theo dõi y tế.
Thống kê của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy, tính tới 10h (giờ địa phương) ngày 16/4/2020, Hàn Quốc đã xác nhận thêm 22 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trên cả nước tăng lên thành 10.613 người.
Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Hàn Quốc duy trì được số ca nhiễm mới dưới ngưỡng 30 người.
Ngày 16/4, một quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết Thủ tướng nước này Shinzo Abe đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong nỗ lực nhằm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, chính quyền các tỉnh, thành sẽ có quyền yêu cầu các trường học và nhiều doanh nghiệp đóng cửa cho đến hết kỳ nghỉ Tuần lễ vàng, tức là ngày 6/5 tới. Đây là lần đầu tiên tình trạng khẩn cấp toàn quốc về dịch bệnh được ban bố ở Nhật Bản.
Tính tới 23:59’ ngày 16/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có tổng cộng 24.105 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.475 trường hợp mắc bệnh mới.
Virus SARS-CoV-2 cũng đã khiến 1.003 người dân ở khu vực thiệt mạng, tăng 44 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 6.413 trường hợp.
Trong vòng 24h qua, Singapore tiếp tục có số ca mắc COVID-19 mới nhiều nhất khu vực trong ngày thứ 3 liên tiếp (728 người), trong khi Indonesia tiếp tục là nước có số ca tử vong trong ngày nhiều nhất với 27 ca mới.
Tại ASEAN, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thailand là "Top 5” nước chứng kiến tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn hẳn nhóm 6 nước còn lại gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Brunei và Timor Leste.
Singapore là quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất trong vòng 24h qua. Bộ Y tế Singapore ngày 16/4 đã xác nhận thêm 728 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - mức kỷ lục về số lượng ca bệnh mới trong một ngày ở Singapore, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này lên 4.427 người.
Trước tình dịch đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho rằng một loại vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 an toàn và hiệu quả có thể là công cụ duy nhất đưa thế giới trở lại bình thường, cứu sống hàng triệu người và hàng nghìn tỷ USD thiệt hại kinh tế.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với các đại diện của 50 quốc gia châu Phi là thành viên LHQ, ông Guterres kêu gọi thế giới nhanh chóng phát triển một loại vaccine phòng COVID-19 mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận, cũng như đem lại "lợi ích chung toàn cầu” và giúp thế giới kiểm soát đại dịch. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cách tiếp cận hài hòa và phối hợp hiệu quả để đẩy nhanh tối đa tốc độ cũng như quy mô cần thiết cho việc triển khai một vaccine phòng COVID-19 vào cuối năm 2020.
Cuộc chạy đua trên toàn cầu nhằm tìm ra một loại vaccine hiệu quả để chống lại virus SARS-CoV-2 lại được tiếp sức thêm khi Quỹ từ thiện của vợ chồng tỷ phú Bill Gates vừa công bố một loạt biện pháp mới, trong đó có khoản tài trợ bổ sung trị giá 150 triệu USD cho nỗ lực quốc tế ứng phó dịch COVID-19.