Thế giới ghi nhận gần 5,5 triệu người nhiễm nCoV, trong đó hơn 346.000 người chết, với Nam Mỹ là tâm dịch Covid-19 mới.


Công nhân mặc đồ bảo hộ chôn cất nạn nhân Covid-19 tại một nghĩa trang ở ngoại ô Sao Paulo, Brazil hôm 20/5. Ảnh: AFP.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 5.491.193 ca nhiễm và 346.326 ca tử vong, tăng lần lượt 94.223 và 2.744 trường hợp so với hôm qua, trong đó 2.298.806 người đã bình phục.

Tổng ca nhiễm và tử vong ở Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, là 1.684.860 và 99.268, tăng lần lượt 18.616 và 607 trường hợp. Đây là mức tăng ca tử vong hàng ngày giảm đáng kể tại Mỹ. New York, bang chịu thiệt hại nặng nề nhất do Covid-19 ở Mỹ, chỉ ghi nhận thêm 109 ca tử vong, tăng so với 84 ca hôm qua.

Tất cả 50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa ở các cấp độ khác nhau. Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 22/5 ban hành lệnh cho phép tụ tập tối đa 10 người ở bất kỳ bang nào, miễn họ duy trì hướng dẫn cách biệt cộng đồng. Từ tuần này, Mỹ sẽ cấm toàn bộ công dân không phải Mỹ nhập cảnh từ Brazil, vùng dịch lớn nhất Nam Mỹ.

Brazil ghi nhận thêm 15.813 ca nhiễm và 653 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 363.211 và 22.666, tiếp tục là vùng dịch thứ hai thế giới. Giới chuyên gia cho rằng ca nhiễm thực tế có thể cao hơn 15 lần số liệu được công bố do năng lực xét nghiệm hạn chế tại quốc gia Nam Mỹ này và dịch bệnh ở Brazil phải đến tháng 6 mới đạt đỉnh.

Đất nước 210 triệu dân được đánh giá phản ứng rời rạc với dịch bệnh khi Tổng thống Jair Bolsonaro nhiều lần so sánh Covid-19 với "cúm nhỏ" và phản đối các biện pháp hạn chế do chính quyền bang áp đặt. Tuần này, Bộ Y tế Brazil ra chỉ dẫn khuyến nghị các bác sĩ sử dụng thuốc chống sốt rét để điều trị người nhiễm nCoV, kể cả những ca có triệu chứng nhẹ.

Ca nhiễm và tử vong do nCoV tại Nga là 344.481 và 3.541, tăng lần lượt 8.599 và 153 trong 24 giờ qua. Moskva, nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất do Covid-19 ở Nga, được cho là sẽ chứng kiến ca tử vong tăng nhanh trong tháng này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/5 tuyên bố dịch bệnh ở Nga đã ổn định, tạo môi trường thuận lợi để nới lỏng hạn chế, nhưng ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết duy trì năng lực của bệnh viện trong trường hợp xuất hiện làn sóng lây nhiễm mới.

Tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Nga chỉ khoảng 1%, thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia khác, khiến phương Tây nghi ngờ Nga che giấu số người chết. Quan chức Nga bác bỏ cáo buộc này, nói rằng ca tử vong thấp phản ánh các biện pháp phòng ngừa hiệu quả và xét nghiệm rộng rãi.

Tình hình dịch bệnh tại châu Âu có nhiều cải thiện khi phần lớn các nước đã qua đỉnh dịch. Tây Ban Nha báo cáo thêm 482 ca nhiễm và 74 ca tử vong, tăng nhẹ so với hôm qua,nâng tổng số lên lần lượt 282.852 và 28.752. Chính phủ nước này bắt đầu dỡ lệnh phong tỏa được đánh giá là nghiêm ngặt nhất châu Âu từ hồi đầu tháng, tuy nhiên, Madrid và Barcelona vẫn duy trì các lệnh hạn chế do chưa kiểm soát được dịch bệnh.

Thủ tướng Pedro Sanchez hôm 23/5 tuyên bố Tây Ban Nha sẽ cho phép du khách nước ngoài nhập cảnh từ 1/7 và khởi động lại giải bóng đá hàng đầu La Liga vào ngày 8/6.

Anh ghi nhận 259.559 ca nhiễm và 36.793 ca tử vong, tăng lần lượt 2.405 và 118, giảm nhẹ so với hôm qua. Giới chức Anh thông báo kể từ 8/6 sẽ cách ly những người nhập cảnh vào nước này trong hai tuần. Những người vi phạm yêu cầu cách ly có thể bị phạt tới hơn 1.200 USD.

Nữ hoàng Anh Elizabeth đầu tuần này xác nhận Anh hủy điều tra dân số năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh. Anh cũng khuyến khích người dân quay trở lại làm việc nếu công việc của họ không thể làm từ xa, như ngành sản xuất hoặc xây dựng.

Người dân được tập thể dục ngoài trời không giới hạn, có thể tham gia các môn thể thao nhiều người như đánh golf, tennis và câu cá, miễn là những người đi cùng đều là thành viên trong một gia đình.

Italy ghi nhận thêm 531 ca nhiễm và 50 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 229.858 và 32.785.

Chính phủ Italy dự kiến cho phép tự do đi lại từ ngày 3/6, mở cửa trở lại toàn bộ sân bay, biên giới với các nước láng giềng và gỡ quy định cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh.

Ca nhiễm và tử vong do nCoV tại Pháp hiện là 182.584 và 28.367, tăng lần lượt 115 và 35 so với một ngày trước đó. Pháp nới phong tỏa từ ngày 11/5, song giới chức y tế tiếp tục khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đến thăm nhà nhau và khử trùng các bề mặt như tay nắm cửa.

Đức ghi nhận thêm 342 ca nhiễm và 5 ca tử vong vì nCoV, nâng số người nhiễm và chết do đại dịch ở quốc gia này lên 180.328 và 8.371. 16 bang của Đức từng bước dỡ lệnh hạn chế ở các mức độ khác nhau từ 20/4. Đức nới lỏng kiểm soát biên giới với một số nước láng giềng hôm 16/5 và đặt mục tiêu khôi phục tự do đi lại ở châu Âu từ giữa tháng 6.

Peru là vùng dịch lớn thứ hai tại Mỹ Latinh, sau Brazil, với 119.959 ca nhiễm và 3.456 ca tử vong, tăng lần lượt 4.205 và 83 trường hợp. Hệ thống y tế của Peru trên bờ vực sụp đổ với các bệnh viện công phải đối mặt tình trạng thiếu thiết bị nghiêm trọng. Dịch bệnh cũng khiến nền kinh tế Peru bị tê liệt.

Peru áp lệnh phong tỏa từ ngày 16/3, là một trong những nước áp lệnh phong tỏa sớm nhất Mỹ Latinh. Tổng thống Martín Vizcarra tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và huy động cảnh sát, quân đội thực thi kiểm dịch nghiêm ngặt.

Tuy nhiên sau hai tháng, dịch bệnh ở Peru ngày càng trầm trọng hơn. Giới quan sát nhận định dù các biện pháp đưa ra nghiêm ngặt, ý thức tuân thủ của người dân lại rất thấp.

Chile và Mexico là hai vùng dịch lớn tiếp theo ở Nam Mỹ. Chile ghi nhận 69.102 ca nhiễm và 718 ca tử vong, trong khi Mexico ghi nhận 65.856 ca nhiễm và 7.179 ca tử vong.

Trong khi tỷ lệ tử vong ở Chile thấp, tỷ lệ tử vong tại Mexico cao hơn nhiều do bệnh nhân mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, tăng huyết áp và béo phì.

Tại Trung Đông, Iran báo cáo thêm 2.180 ca nhiễm và 58 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 135.701 và 7.417. Dù ca nhiễm và tử vong tiếp tục tăng, Tổng thống Hassan Rouhani hôm 20/5 nói Iran "gần như đã kiềm chế được dịch" và phần lớn các ca tử vong nằm trong độ tuổi từ 70 trở lên.

Arab Saudi ghi nhận thêm 2.399 ca nhiễm và 11 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 72.560 và 390. Arab Saudi phong tỏa toàn quốc trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr từ 23/5 đến 27/5 để ngăn virus lây lan.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo thêm 781ca nhiễm và một ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 29.485 và 245. UAE từ cuối tháng trước đã nới lỏng các hạn chế được áp đặt kể từ giữa tháng 3. Thành phố Dubai cho phép các trung tâm thương mại, nhà hàng và quán cà phê mở cửa trở lại nhưng phải tuân thủ quy định phòng dịch.

Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 138.536 ca nhiễm và 4.024 ca tử vong, tăng lần lượt 7.113 và 156. Ấn Độ cho phép nối lại các chuyến bay nội địa từ ngày 25/5 sau hai tháng ngừng hoạt động. Một số chuyến tàu liên bang đã hoạt động trở lại một tuần trước.

Tại Đông Nam Á, Singapore vẫn là vùng dịch lớn nhất khu vực với 31.616 ca nhiễm, tăng 548, trong đó 23 người chết. Ca nhiễm ở Singapore chủ yếu là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá. Singapore sẽ cho phép hành khách quá cảnh ở sân bay Changi kể từ 2/6.

Indonesia xếp thứ hai với 22.271 ca nhiễm và 1.372 người chết, tăng lần lượt 526 và 21. Nhân viên y tế nước này vẫn phàn nàn về quy trình chậm trễ dù một tháng đã trôi qua sau khi Tổng thống Joko Widodo hứa tăng tốc xét nghiệm.

Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.

Theo Vnexpress.net

Các tin khác


Sản xuất và mua bán ma túy tổng hợp tại khu vực Đông - Nam Á vẫn ở mức kỷ lục

"Trong khi cả thế giới đang tập trung đối phó với đại dịch Covid-19 thì tất cả các chỉ số liên quan đến sản xuất và mua bán ma túy tổng hợp và hóa chất bất hợp pháp trong khu vực Đông - Nam Á vẫn đứng ở mức kỷ lục.” 

Những thách thức COVID-19 đặt ra cho ''Lục địa Đen''

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu phi, ông Matshidiso Moeti cảnh báo về tác động tiềm tàng của đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 đối với sinh kế và kinh tế hộ gia đình, làm trầm trọng thêm nạn đói và suy dinh dưỡng ở châu lục này.

Có khả năng bầu cử Tổng thống năm 2020 bị trì hoãn

Cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Jared Kushner vừa đề cập tới khả năng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể sẽ không diễn ra theo kế hoạch vào tháng 11 tới do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Kinh tế Nga chìm trong khủng hoảng do đại dịch COVID-19

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga có thể giảm 5,5% trong năm 2020 do dịch bệnh COVID-19. Đây là mức suy thoái lớn nhất của nền kinh tế Nga kể từ năm 2009.

G20 cam kết sớm dỡ bỏ các quy định hạn chế xuất khẩu

Bộ trưởng Thương mại Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 14/5 đã cam kết đảm bảo rằng bất kỳ quy định hạn chế xuất khẩu nào đối với các nguồn lực then chốt vốn được áp dụng để đấu tranh chống đại dịch COVID-19 đều sẽ được dỡ bỏ một cách sớm nhất có thể.

Dịch COVID-19: Châu Á lo ngại về khả năng làn sóng lây nhiễm thứ 2

Việc phát hiện các ca nhiễm mới làm tăng quan ngại về nguy cơ tái bùng phát lây nhiễm trong cộng đồng ở Đặc khu Hong Kong, Đông Bắc Trung Quốc và Hàn Quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục