Việc phát hiện các ca nhiễm mới làm tăng quan ngại về nguy cơ tái bùng phát lây nhiễm trong cộng đồng ở Đặc khu Hong Kong, Đông Bắc Trung Quốc và Hàn Quốc.


Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 11/5/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên thế giới có nhiều diễn biến trái chiều trong ngày 13/5.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21 giờ 30 ngày 13/5 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm đã ở mức 4.374.914 ca, trong đó có 294.414 ca tử vong. Số ca phục hồi đã tăng lên 1.622.069 ca.

Ngày 13/5, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo 2 ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng sau 3 tuần không ghi nhận ca mắc mới.

Đáng chú ý, cả 2 ca này đều không liên quan đến những người ở nước ngoài về. Hiện chính quyền đang nỗ lực truy vết để tìm nguồn lây nhiễm của các ca bệnh mới.

Việc phát hiện các ca nhiễm mới làm tăng quan ngại về nguy cơ tái bùng phát lây nhiễm trong cộng đồng, trong bối cảnh Hong Kong đã mở cửa trở lại các quán bar, phòng tập thể dục, rạp chiếu phim từ tuần trước.

Trong khi đó, chính quyền thành phố Cát Lâm ở Đông Bắc Trung Quốc ngày 13/5 đã áp đặt những hạn chế mới đối với việc đi lại của người dân nhằm ngăn chặn dịch tái bùng phát, sau khi địa phương này ghi nhận 6 ca mới trong ngày 12/5.

Là thành phố lớn thứ hai thuộc tỉnh Cát Lâm, đồng thời là nơi tiếp giáp Triều Tiên và Nga, Cát Lâm được xem như nơi khởi phát nguy cơ làn sóng dịch bệnh mới, trong đó thành phố lân cận Thư Lan cùng thuộc tỉnh này cũng đã buộc phải nâng mức độ cảnh báo rủi ro từ "trung bình" lên mức "cao" hồi cuối tuần trước.

Thông báo cùng ngày của Ủy ban Y tế thành phố Cát Lâm cho biết 5 trong số 6 ca nhiễm mới có khả năng liên quan trực tiếp đến một trường hợp được xác nhận ở Thư Lan.

Phát biểu tại họp báo ngày 13/5, Phó Thị trưởng Cát Lâm cho biết: "Tình hình dịch hiện tại khá phức tạp và nghiêm trọng, và có nguy cơ rất lớn là virus sẽ lan rộng hơn nữa."

Cùng ngày, Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận thêm 26 ca nhiễm mới trong bối cảnh giới chức nước này đang nỗ lực dập ổ dịch mới phát hiện liên quan tới các quán bar và câu lạc bộ ở Seoul.

Đây cũng ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới nhiều hơn số ca hồi phục và vẫn ở mức hai con số, làm gia tăng những lo ngại về khả năng làn sóng lây nhiễm thứ hai xuất hiện tại quốc gia này.

Ở chiều hướng ngược lại, Thái Lan ngày 13/5 lần đầu tiên xác nhận không ghi nhận ca nhiễm mới theo ngày trong hai tháng qua, đồng thời không có thêm ca tử vong nào trong 24 giờ qua.

Như vậy, tính đến ngày 13/5, Thái Lan có tổng cộng 3.017 ca nhiễm, trong đó 2.844 bệnh nhân đã bình phục, 117 trường hợp vẫn phải nằm viện và 56 người đã tử vong.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới tiếp tục tăng nhanh tại nhiều nước châu Mỹ.

Bộ Y tế Mexico thông báo, trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận số ca nhiễm và tử vong tăng cao nhất trong một ngày, với 1.997 ca và 353 ca tương ứng.


Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Toluca, Mexico ngày 9/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tỷ lệ tử vong tại nước này vẫn cao nhất châu Mỹ, với 10,2%, do trên 70% dân số có bệnh lý nền về tiểu đường, huyết áp, tim mạch, thừa cân và béo phì.

Tại các nước Trung Mỹ khác, tổng số ca nhiễm tại Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador cũng đã lên đến 13.629 ca, trong đó có 416 ca tử vong, tăng tương ứng 398 ca nhiễm và 14 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua.

Tại Mỹ Latinh, trong khi Argentina bắt đầu triển khai kế hoạch dỡ bỏ một số hạn chế, Venezuela lại kéo dài các biện pháp phong tỏa cho đến ngày 24/5.

Tại châu Phi, Bộ Y tế Nam Phi thông báo nước này ghi nhận thêm 698 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, cũng là ngày có số ca nhiễm mới nhiều nhất ở nước này kể từ đầu dịch.

Trong khi đó ở châu Âu, Ba Lan cũng ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất, với 595 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 16.921 ca.

Ở châu Á, Indonesia ghi nhận 689 ca nhiễm mới trong ngày 13/5, cũng là mức cao nhất trong một ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 15.438 ca, trong đó 1.028 ca tử vong.

Theo giới chuyên gia cấp cao của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khu vực châu Á và châu Âu có nguy cơ đối mặt với làn sóng tái bùng phát dịch nếu mở cửa trở lại nền kinh tế quá sớm, trước khi thực hiện các biện pháp diện rộng nhằm nhanh chóng xác định và kiểm soát được các ca nhiễm mới.

Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF Chang Yong Rhee và Giám đốc khu vực châu Âu Poul Thomsen nhận định lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế đã gây ra những tác động to lớn về mặt kinh tế và tâm lý đối với người dân, và việc những quốc gia này nôn nóng sớm nới lỏng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, họ cho rằng việc nới lỏng các biện pháp hạn chế quá sớm sẽ đẩy những thành quả mà các quốc gia này đã đạt được vào vòng nguy hiểm.

Do đó, các nhà phân tích khuyến cáo các nền kinh tế châu Á và châu Âu khi hoạch định "lối thoát" khỏi các lệnh phong tỏa chưa từng có tiền lệ cần thận trọng và tiến hành từng bước để ngăn nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát.

Các chuyên gia cũng nhận định khi các hoạt động trở lại bình thường, Trung Quốc cũng có thể phải đối mặt làn sóng lây nhiễm thứ hai dù yếu hơn so với đợt đầu.

Nhằm tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân COVID-19, nhóm nhà khoa học Australia bắt đầu tiến hành một nghiên cứu về các khu chăm sóc tích cực (ICU) trên toàn cầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo thông tin được công bố ngày 13/5, nghiên cứu sẽ xem xét bệnh án của bệnh nhân COVID-19 tại 300 ICU trên khắp thế giới với hy vọng tìm ra những tiêu chuẩn điều trị tốt nhất.

Cụ thể, nghiên cứu phân tích hàng chục nghìn ca bệnh nặng tại các châu lục để lập những mô hình dự báo và thu thập thông tin giúp hướng dẫn các nhân viên y tế điều trị cho các bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt.

Để phân tích dữ liệu, các nhà nghiên cứu sẽ dùng công cụ AI tiên tiến do Đại học Queensland (UoQ) và IBM cùng phát triển.

Các y bác sỹ có thể sử dụng công cụ mới này để nhanh chóng lưu trữ, chia sẻ và so sánh các yếu tố liên quan đến điều trị, trong đó có thông tin về đặc trưng sự sống, việc sử dụng máy thở, thời gian lưu lại ICU và tỷ lệ qua khỏi của bệnh nhân.

Nhờ việc phân tích những dữ liệu này, các y bác sỹ có thể cải thiện quá trình chăm sóc bệnh nhân tại ICU, tăng cường hiểu biết về bệnh COVID-19 cũng như hướng điều trị căn bệnh này trong tương lai.

Bên cạnh đó, nghiên cứu sẽ giúp các y bác sỹ xác định nhanh phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân COVID-19 và gia tăng tỷ lệ điều trị thành công.

Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về đề tài này. Hiện các y bác sỹ tuyến đầu hiện nay chưa có những bằng chứng cần thiết để làm "kim chỉ nam” trong việc điều trị COVID-19, đặc biệt là những người vốn có bệnh nền sẵn như bệnh đái tháo đường./.


Theo TTXVN

Các tin khác


Campuchia duy trì phòng, chống dịch Covid-19 ở mức độ cao

Theo thông cáo báo chí của Bộ Y tế Campuchia, tính đến sáng 12/5, quốc gia này có thêm một trường hợp nhiễm Covid-19 được chữa khỏi bệnh, nâng số bệnh nhân xuất viện lên 121/122 ca nhiễm. Dù vậy, Chính phủ vẫn khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện nghiêm túc mọi biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tình hình dịch bệnh COVID-19: Mỹ ghi nhận hơn 81.700 ca tử vong

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tham gia hội thảo trực tuyến với những người đồng cấp của 6 quốc gia khác nhằm thảo luận về hợp tác chống đại dịch COVID-19.

Tổng thống Nga bổ sung biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Ngày 11-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin lần thứ tư liên tiếp đã có bài phát biểu trực tiếp qua truyền hình về tình hình liên quan tới dịch Covid-19. Trong đó, ông tuyên bố chấm dứt kỳ nghỉ lễ hưởng lương kể từ 12-5 cũng như thông báo hàng loạt các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

New York điều tra, nghiên cứu hội chứng viêm liên quan virus gây tử vong ở trẻ em

Theo phóng viên TTXVN tại New York, Thống đốc Andrew Cuomo ngày 10/5 cho biết bang New York đang nghiên cứu, điều tra 85 ca bệnh có hội chứng viêm liên quan tới một loại virus khiến ít nhất 3 trẻ em tại đây vừa tử vong.

Dịch COVID-19: Anh kéo dài lệnh phong tỏa ít nhất đến ngày 1/6

Chính phủ Anh đang chịu áp lực phải vạch ra kế hoạch để dỡ bỏ lệnh phong tỏa trong bối cảnh nước này đã chứng kiến gần 32.000 người chết do mắc COVID-19 - cao nhất châu Âu và thứ 2 thế giới (sau Mỹ).

Tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu - cơ hội trăm năm có một

Hãng thông tấn Reuters đưa tin, chính quyền Tổng thống D.Trump đang đẩy mạnh chương trình rút các chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc với nhiều biện pháp khác nhau và phối hợp với nhiều nước. Đặc biệt, Mỹ đang xúc tiến hình thành một liên minh "những đối tác đáng tin cậy” gọi là "Mạng lưới Thịnh vượng Kinh tế”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục