Hành khách đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế Indira Gandhi ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 25/5/2020.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 10/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 7.306.200 ca, trong đó có412.864người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 3.593.751 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 53.927 và 3.299.585 ca đang điều trị tích cực.
Trong 24 giờ qua, thế giới có hai nước ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức trên 1.000 ca là Mỹ (1.063ca), Brazil (1.094ca). Cho tới thời điểm sáng 8/6, có tới 13 quốc gia trên thế giới có số ca nhiễm từ trên 150.000 ca trở lên.
Sau vài ngày tưởng như hạ nhiệt, diễn biến dịch COVID-19 tại Mỹ và Brazil đã nghiêm trọng trở lại với các chỉ số về ca dương tính mới và tử vong trong ngày tăng vọt.
Mỹ vẫn tâm dịch của thế giới với trên 2 triệu ca mắc bệnh và trên 114.000 ca tử vong. Tới sáng 10/6 (theo giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận tổng cộng2.043.908 ca mắc COVID-19 và 114.118 người tử vong. Trong 24 giờ qua, xứ sở cờ hoa có tới 17.415 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2 và 1.063 trường hợp tử vong.
Các chuyên gia về dịch bệnh cảnh báo các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Mỹ liên quan vụ người đàn ông da màu George Floyd tử vong sau khi bị cảnh sát bắt giữ ở thành phố Minneapolis có thể dẫn tới bùng phát đợt dịch mới.
Đây là diễn biến đáng quan ngại. Bởi trong 2 tuần qua, số ca tử vong hàng ngày tại Mỹ nhiều lần giảm xuống dưới 1.000 ca, dù số ca nhiễm mới vẫn tăng mạnh ở mức khoảng 20.000 ca/ngày.Michigan và Arizona là 2 bang có số ca nhiễm mới tăng cao nhất, trong khi một số bang như Virginia, Rhode Island và Nebraska ghi nhận tình hình dịch bệnh giảm mạnh.
Ngày 9/6, Thống đốc bang New Jersey, ông Phil Murphy tuyên bố dỡ bỏ lệnh yêu cầu người dân ở nhà, vốn được đưa ra hơn hai tháng trước do đại dịch COVID-19. Phát biểu trong cuộc họp báo, Thống đốc Phil Murphy cho biết ông đã ký một sắc lệnh hành pháp có hiệu lực ngay lập tức nhằm chấm dứt yêu cầu người dân của tiểu bang này ở nhà.
Trước đó, Thị trưởng thành phố New York, ông Bill de Blasio cũng tuyên bố chính quyền quyết định dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ngay lập tức, trong bối cảnh thành phố nổi tiếng này của Mỹ sắp mở cửa trở lại sau nhiều tháng phong tỏa vì dịch COVID-19.
Brazillà quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 tăng vọt trong 24 giờ qua, với 1.094 ca, cao nhất thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này cũng vượt qua Mỹ về số ca dương tính mới trong ngày khi ghi nhận tới 28.616 bệnh nhân mới.
Theo số liệu của trang worldometers.info, tính tới sáng 10/6 giờ Việt Nam, Brazil có tổng cộng 739.503 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 38.406 ca tử vong. Như vậy, "xứ sở Samba" hiện đứng thứ 2 thế giới về số ca mắc bệnh (sau Mỹ) và thứ 3 về số ca tử vong (sau Mỹ và Anh).
Ngày 9/6, Bộ trưởng Kinh tế Brazil Paulo Guedes thông báo Chính phủ nước này sẽ gia hạn thêm 2 tháng khoản viện trợ kinh tế dành cho người lao động phi chính thức bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cùng ngày, Tòa án Tối cao Liên bang (STF) của Brazil đã ra phán quyến bắt buộc Bộ Y tế nước này phải nối lại việc công bố hàng ngày toàn bộ số liệu liên quan tới đại dịch COVID-19.
TạiPeru, Bộ Y tế Peru thông báo số ca mắc bệnh COVID-19 tại nước này đã tăng lên 203.736 người, trong đó có 5.738 ca tử vong, tăng tương ứng 4.040 ca bệnh và 167 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua.
Hiện Chính phủ Peru đang nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 với việc tuyên bố kéo dài lệnh giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc tới ngày 30/6 và gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế đến ngày 7/9 để đảm bảo tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch trong bối cảnh đã trở thành quốc gia có số ca mắc bệnh cao thứ 2 tại Mỹ Latinh, chỉ sau Brazil.
Trong khi đó, cùng ngày,Argentinađã bắt đầu dần mở cửa trở lại sau hơn 2 tháng áp đặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Theo đó, một số hoạt động kinh tế sẽ được nối lại tại 18 trong số 24 tỉnh thành.
Tuy nhiên, các biện pháp giãn cách xã hội sẽ vẫn có hiệu lực cho đến ngày 28/6, song sẽ được nới lỏng ở những khu vực có ít hoặc không có ca mắc COVID-19. Trong khi đó, các trường học trên toàn quốc vẫn đóng cửa trong khi các cuộc tụ tập đông người, hoạt động biểu diễn, hòa nhạc và thi đấu thể thao vẫn bị cấm.
Tới hết ngày 9/6, Argentina có tổng cộng 23.620 ca COVID-19 và 698 trường hợp tử vong.
Dù giúp với Mỹ, song tình hình bệnh ởCanadađang lắng dịu trở lại. Chính phủ Canada đã miễn trừ lệnh cấm hoạt động đi lại không thiết yếu qua biên giới, cho phép hàng nghìn công dân người nước ngoài đoàn tụ với gia đình ở Canada.
Quyết định miễn trừ có hiệu lực từ sáng 9/6 (giờ Việt Nam) và được áp dụng đối với các đối tượng không phải người Canada như vợ hoặc chồng, trẻ em, phụ huynh hay người giám hộ công dân Canada, người có thẻ thường trú nhân của Canada.
Những người này phải bảo đảm không mắc hoặc có triệu chứng mắc COVID-19, tự cách ly 2 tuần ngay sau khi đến Canada và có kế hoạch ở Canada trong ít nhất 15 ngày. Bên cạnh đó, họ vẫn phải có các loại giấy tờ thông thường khác như thị thực hoặc giấy thông hành điện tử.
Hết ngày 9/6, "xứ sở lá phong" ghi nhận tổng cộng 96.616 ca mắc bệnh và 7.895 ca tử vong, tăng 60 trường hợp so với một ngày trước đó.
Nhìn chung, châu Mỹ và khu vực Mỹ Latinh đang trở thành tâm dịch mới của thế giới. Ngày 9/6, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne bày tỏ lo ngại về việc gia tăng các ca nhiễm mới bệnh COVID-19 tại một số khu vực ở Mỹ Latinh mà đến nay mới chỉ có số lượng lây nhiễm hạn chế.
Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, bà Etienne cho biết, số lượng ca nhiễm mới đã tăng mạnh tại các quốc gia như Mexico, Panama, Costa Rica, Brazil, Peru, Chile, Venezuela, Haití và Suriname, đồng thời cảnh báo nếu không có cơ chế hợp tác hiệu quả thì Mỹ Latinh có nguy cơ phải hứng chịu một đợt bùng phát mới của COVID-19.
Trái ngược với diễn biến bệnh dịch bất thường ở châu Mỹ, nhiều nước châu Âu đang dần thích nghi với trạng thái "bình thường mới”, đồng thời đẩy nhanh việc mở cửa trở lại các hoạt động xã hội.
Ngày 9/6, Cơ quan Bảo vệ Dân sựItalycông bố nước này ghi nhận thêm 283 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số ca mắc dịch COVID-19 tại nước này lên 235.561 trường hợp.
Trong đó, số ca tử vong tăng lên 34.043 trường hợp (tăng 79 ca) và số ca hồi phục là 168.646 ca (tăng 2.062 ca). Cơ quan Bảo vệ dân sự cho biết số ca nhập viện với các triệu chứng tiếp tục giảm với 4.581 ca (giảm 148 trường hợp), trong đó có số ca điều trị tích cực chỉ còn 263 ca (giảm 20 trường hợp).
TạiTây Ban Nha, giới chức nước này thông báo không có ca thiệt mạng trong ngày 9/6 - đánh dấu ngày thứ 2 liên tiếp quốc gia nằm trên bán đảo Iberia này đón nhận thông tin tích cực. Tính tới ngày 9/6, Tây Ban Nha ghi nhận 241.966 ca mắc COVID-19, trong đó có 27.136 người thiệt mạng.
TạiAnh, Bộ Y tế vầ Chăm sóc Xã hội nước này thông báo có 286 bệnh nhân thiệt mạng vì COVID-19 trong ngày 9/6, nâng tổng số người thiệt mạng vì đại dịch này lên 40.883 người.
Anh chủ trương nghiên cứu về tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong số các giáo viên và học sinh tại xứ England để tiến tới dần mở cửa trở lại các trường học sau một thời gian dài áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc.
TạiPháp, công ty vận hành Tháp Eiffel, một trong những địa điểm hút khách du lịch nhất ở thủ đô Paris (Pháp) cho biết sẽ mở cửa trở lại với công chúng từ ngày 25/6 tới.
Công trình này đã đóng cửa suốt khoảng 3 tháng qua vì các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là đợt đóng cửa lâu nhất của Tháp Eiffel kể từ Chiến tranh thế giới thứ II.
Theo kế hoạch, sau khi mở cửa trở lại, địa điểm này ban đầu sẽ chỉ tiếp nhận một số lượng khách thăm quan hạn chế và yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang với mọi du khách từ 11 tuổi trở lên.
ỞNga, người dân thủ đô Moskva ngày 9/6 bắt đầu nối lại các hoạt động bình thường khi lệnh đóng cửa được áp dụng nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19 được dỡ bỏ sau hơn 2 tháng mặc dù chính quyền địa phương vẫn thông báo hơn 1000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Gần 13 triệu dân thủ đô Moskva giờ đây tự do đi ra khỏi nhà nếu muốn, sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đi lại trong thành phố bằng xe riêng. Các hạn chế khác dự kiến sẽ được dỡ bỏ trong tháng 6.
Nga ngày 9/6 cho biết đã ghi nhận 8.595 ca nhiễm COVID-19 trên toàn quốc trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm COVID-19 của Nga lên 485.253, cao thứ 3 thế giới. Nước này cũng ghi nhận 171 ca tử vong do COVID-19 trong vòng một ngày qua, nâng tổng số ca tử vong lên 6.142. Riêng Moskva ghi nhận 1.572 ca nhiễm COVID-19 trong ngày 9/6.
Trong khi đó, dịch COVID-19 diễn biến khá bất thường ở châu Á, nơi khởi phát đại dịch. Tình hình vẫn phức tạp tại một số điểm nóng như Ấn Độ và Iran.
Ngày 9/6, giới chức thủ đô Delhi (Ấn Độ) cảnh báo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại vùng này có thể tăng gấp 20 lần lên mức 500.000 ca trong vài tuần tới. Ấn Độ đang nới lỏng các biện pháp phong tỏa trên cả nước để giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế do tác động của đại dịch, nhưng trên thực tế dịch bệnh vẫn đang lây lan mạnh.
Tới sáng 10/6, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới đã ghi nhận 276.146 ca nhiễm COVID-19, đứng thứ 5 thế giới. Trong vòng 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 10.218 ca mới và277 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân thiệt mạng ở nước này lên 7.750 trường hợp.
Ủy ban Y tế quốc giaTrung Quốcngày 9/6 cho biết nước này không ghi nhận ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng và 3 trường hợp mắc COVID-19 mới xác nhận đều là "nhập khẩu" từ nước ngoài.
Giới chức y tế Trung Quốc cũng cho biết cũng trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 24 ca dương tính không biểu hiện triệu chứng, trong đó có 2 người từ nước ngoài về. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc đại lục là 83.043 người, trong đó có 58 người vẫn đang được điều trị, không ai trong tình trạng nặng. Tổng cộng có 78.351 người được ra viện và 4.634 người tử vong do COVID-19. Trung Quốc không tính số người nhiễm virus SARS-CoV-2 không biểu hiện triệu chứng vào tổng số ca mắc COVID-19.
Cùng ngày, chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã cho phép một số sinh viên từ Trung Quốc đại lục quay trở lại lớp học từ ngày 15/6. Sinh viênsẽ được kiểm tra sức khỏe trong đó có kiểm tra thân nhiệt cũng như khai báo y tế.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới sáng 10/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 1.790 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 3.140 người.
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Tình hình đang diễn biến nghiêm trọng, ngày một xấu đi ở Indonesia. Trong ngày, khu vực có 6 nước ghi nhận các ca mắc mới.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 3.148 người dân ở khu vực này, tăng 46 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 106.927 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 52.755 trường hợp.
Dù tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore cao nhất, song Indonesia mới là "ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực, với tổng cộng 1.923 người tử vong. Trong ngày 9/6, Indonesia ghi nhận một trong những ngày có số ca mắc mới cao nhất kể từ đầu đại dịch tới nay.
Tại Lào, sau hơn 2 tháng phát hiện bệnh nhân đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2, ngày 9/6, bệnh nhân cuối cùng trong số 19 bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 tại Lào đã xuất viện.
Về tổng thể, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines. Ngược lại, 6 nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đã bắt đầu nới lỏng các qui định giãn cách xã hội và khôi phục kinh tế.
Bộ Y tế Ai Cập ngày 9/6 thông báo phát hiện thêm 1.385 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở quốc gia Bắc Phi này lên tổng cộng 36.829 trường hợp.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Ai Cập Khaled Megahed, số bệnh nhân thiệt mạng do căn bệnh nguy hiểm này ở nước này hiện là 1.306 người, sau khi có thêm 35 trường hợp tử vong trong ngày. Bên cạnh đó, có 411 bệnh nhân được xuất viện, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 9.876 người.
Bộ trưởng Tài chính Ai Cập Mohamed Maait trước đó cho hay dịch COVID-19 đã khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Bắc Phi này giảm khoảng 130 tỷ bảng Ai Cập (8 tỷ USD) trong năm tài chính 2020.