Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 187.430 trường hợp mắc COVID-19 và 3.665 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 23,7 triệu người.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 25/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 23.776.674 ca, trong đó có 815.874 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 16.319.231 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 61.873 ca và 6.641.569 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 24/8, thế giới có tới 136 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 91 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.
Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Seoul, Hàn Quốc, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng, ngày 23/8/2020. Ảnh: Yonhap/ TTXVN
Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (59.696 ca), Mỹ (38.591 ca) và Brazil (17.078 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 854 ca), Brazil (537 ca), Mỹ (427 ca) và Argentina (381 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 trên thế giới, với 5.912.737 ca mắc và 181.031 ca tử vong. Tiếp đến là Brazil với 3.622.861 ca mắc, 115.309 ca tử vong và Ấn Độ với 3.164.881 ca bệnh và 58.546 trường hợp tử vong.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Jalisco, Mexico, ngày 2/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tình hình dịch COVID-19 đang có dấu hiệu cải thiện tại một số quốc gia châu Mỹ, nhưng lại nóng lên ở châu Âu, tâm dịch của thế giới hồi tháng 3-4. Cụ thể, Mexico ngày 24/8 có thêm 226 ca tử vong, khép lại một tuần với tổng số ca tử vong là 3.723 ca, mức thấp nhất trong hơn 2 tháng qua, cho thấy quốc gia này đang tiến gần tới mục tiêu khống chế dịch bệnh. Hiện tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Mexico là 60.480 ca, đứng thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Brazil. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm là 560.164 ca, tăng 3.948 ca trong 24 giờ qua.
Tại Chile, Bộ Y tế nước này khẳng định tình hình dịch COVID-19 vẫn đang trong tầm kiểm soát và không đáng lo ngại, mặc dù số ca mắc mới có dấu hiệu tăng trong những ngày gần đây. Trong 24 giờ qua, Chile xác nhận thêm 1.942 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 397.665 ca. Số ca tử vong tăng 60 ca lên 10.852 ca.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 10/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Tại châu Âu, cụ thể là Italy, Pháp, Hy Lạp và Phần Lan đều chứng kiến số ca mắc COVID-19 trong ngày tăng mạnh. Ngày 24/8, Italy có thêm 1.210 ca mắc COVID-19, tăng gần gấp đôi chỉ trong 5 ngày.
Tình trạng gia tăng các ca mắc mới được cho là liên quan đến hoạt động du lịch và giải trí mùa Hè. Bên cạnh đó, Italy ghi nhận thêm 7 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia này lên 35.437 ca.
Tại Pháp, gần 4.900 ca mắc mới trong ngày 24/8 là mức cao nhất kể từ khi Pháp dỡ bỏ phong tỏa hồi tháng 5. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cảnh báo nguy cơ số ca mắc mới sẽ gia tăng khi người dân Pháp trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Hè, đồng thời nhấn mạnh tốc độ lây lan virus ở nhóm dưới 40 tuổi hiện cao gấp 4 lần nhóm trên 65 tuổi.
Còn tại Hy Lạp, nước này ngày 24/8 ghi nhận thêm 284 ca mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ khi cuối tháng 2, nâng tổng số ca bệnh lên 8.664 ca, trong đó có 242 ca tử vong.
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Helsinki-Vantaa, Phần Lan, ngày 13/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, từ tháng 9 tới, Phần Lan sẽ siết chặt hạn chế đối với các hoạt động tụ tập nơi công cộng, theo đó chỉ cho phép tối đa 50 người tham gia, thay vì 500 người như quy định hiện nay.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu, trong ngày 21/8, Phần Lan ghi nhận tỷ lệ mắc COVID-19 tính trên 100.000 dân trong 14 ngày qua ở mức 5,2 - thấp nhất ở châu Âu.
Tuy nhiên, số ca mắc bệnh đã gia tăng trong những tuần gần đây và hiện tổng số ca nhiễm ở nước này là 7.938 ca, trong đó có 335 ca tử vong.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Frankfurt, Đức ngày 16/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Quy định hiện hành ở Đức yêu cầu bất kỳ người nào trở về Đức từ các khu vực hoặc quốc gia trong danh sách nguy cơ cao đối với COVID-19 cần phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc, thậm chí miễn phí. Tuy nhiên, quy định này có thể sớm được bãi bỏ, thay vào đó, người trở về phải tự cách ly.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn và Bộ trưởng Y tế các bang của Đức đã họp và thống nhất về chiến lược mới này. Theo đó, những người trở về Đức sau kỳ nghỉ sẽ không còn được xét nghiệm miễn phí, đồng thời quy định xét nghiệm với những người trở về từ các khu vực có nguy cơ sẽ được bãi bỏ và áp dụng trở lại quy định cách ly.
Tại Đức, trong 24 giờ qua đã ghi nhận trên 900 ca nhiễm mới, nhiều nhất là bang Bayern với trên 300 ca. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở Đức đã vượt 234.000 ca, trong đó số người còn nhiễm virus SARS-CoV-2 là 16.770 ca.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ ngày 6/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tại châu Á, ngày 24/8, Bộ Y tế Iran xác nhận số ca mắc COVID-19 ở nước này hiện đã lên tới 361.150 ca, tăng 2.245 ca chỉ trong 24 giờ qua. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng 133 ca lên 20.776 ca. Hiện 26/31 tỉnh ở Iran có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh hoặc trong tình trạng báo động.
Tình hình dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc với việc có thêm 266 ca mắc COVID-19 được công bố trong ngày 24/8, giảm mạnh so với con số 397 ca ghi nhận sáng 23/8.
Tuy nhiên, giới chức y tế Hàn Quốc lưu ý thực tế rằng trong những ngày cuối tuần, số xét nghiệm được thực hiện ít hơn có thể là nguyên nhân khiến số ca phát hiện mới cũng thấp hơn. Hiện tổng số ca mắc bệnh tại Hàn Quốc là 17.665 ca.
Trước tình hình dịch bệnh ngày càng lan rộng, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định thực thi giãn cách xã hội cấp độ 2 nghiêm ngặt hơn trên toàn quốc từ ngày 23/8, trong khi thủ đô Seoul ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang.
Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 20/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Còn tại Nhật Bản, tình hình có dấu hiệu cải thiện tại thủ đô Tokyo. Ngày 24/8, Tokyo chỉ ghi nhận thêm 95 ca mắc COVID-19, mức thấp nhất trong một tháng rưỡi qua.
Theo cơ quan y tế sở tại, số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Tokyo đã có dấu hiệu giảm dần từ mức cao nhất khoảng 400 người ghi nhận hồi đầu tháng này. Trên toàn Nhật Bản, tổng số ca mắc COVID-19 đến nay đã lên tới trên 61.747 ca, trong đó có 1.176 trường hợp không qua khỏi.
Cảnh vắng vẻ tại một quán cafe ở Sydney, Australia ngày 17/5/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN
Dịch bệnh COVID-19 cũng đang tạm lắng ở Australia, khi số ca mắc mới ghi nhận ở mức thấp nhất trong khoảng 7 tuần trở lại đây. Tính đến chiều 24/8, Australia có tổng cộng 24.916 ca mắc COVID-19, tăng 121 ca trong 24 giờ qua. Đây là số ca mắc COVID-19 trong ngày thấp nhất ở nước này kể từ ngày 5/7.
Tuy nhiên, trong khi tỷ lệ lây lan dịch COVID-19 đang chậm lại, số ca tử vong do căn bệnh này lại tiếp tục tăng ở bang Victoria - bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Australia.
Theo đó, giới chức bang Victoria cùng ngày xác nhận thêm 15 ca tử vong do COVID-19, tất cả đều liên quan đến các cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Như vậy, Australia hiện ghi nhận 517 ca tử vong do COVID-19, trong đó riêng bang Victoria là 430 ca.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một chợ ở Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 24/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 6.653 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 10.000 người.
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN chỉ có hai quốc gia ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 là Philippines và Indonesia. Indonesia dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch, gấp đôi quốc gia xếp sau là Philippines và bỏ xa các nước khác.
Philippines dịch bệnh tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, khi số ca mắc mới tại nước này tăng vọt và vượt qua cả Indonesia về số ca mắc/ngày cũng như tổng số bệnh nhân. Đây chính là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay. Đã hơn 1 tuần qua, Philippines luôn ghi nhận số ca mắc mới/ngày ở mức trên 3.000 ca.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Denpasar, trên đảo Bali, Indonesia, ngày 14/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 10.015 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 92 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 420.699 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 311.251 trường hợp.
Trong ngày, Myanmar đã xuất hiện ổ dịch mới sau một thời gian dài kiểm soát tốt dịch bệnh. Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới.
Trong khi đó, dù vẫn ghi nhận các ca mới, song tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN – như Thái Lan hay Singapore - đang xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Yangon, Myanmar,ngày 20/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 24/8, Bộ Y tế Philippines (DOH) thông báo có 4.686 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lên 194.252 ca. DOH cũng cho biết đã có tất cả 132.042 ca khỏi bệnh sau khi có thêm 729 bệnh nhân phục hồi. Nước này hiện ghi nhận tổng cộng 3.010 ca tử vong.
Bộ Y tế Indonesia thông báo có 1.877 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại "quốc gia vạn đảo" lên 155.412. Tính đến nay, dịch bệnh đã xuất hiện tại toàn bộ 34 tỉnh thành của Indonesia. Đặc biệt, trong 24 giờ qua, thủ đô Jakarta ghi nhận nhiều ca mới mắc COVID-19 nhất trên cả nước.
Vaccine ngừa COVID-19 do Viện nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh học Quốc gia Gamaley của Nga phát triển. Ảnh: AFP/TTXVN
Liên quan tới cuộc chiến chống dịch COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 24/8 cho biết 172 nước đang tham gia kế hoạch mang tên COVAX do tổ chức này dẫn đầu nhằm đảm bảo sự tiếp cận công bằng vaccine phòng bệnh. Cùng ngày, Italy đã khởi động các cuộc thử nghiệm lâm sàng trên người đối với vaccine GRAd-COV2.
Bệnh viện Lazzaro Spallanzani tại Rome, một bệnh viện chuyên điều trị các bệnh truyền nhiễm, sẽ tiến hành các cuộc thử nghiệm đối với 90 tình nguyện viên trong những tuần tới với hy vọng có thể cung cấp vaccine ra thị trường vào cuối năm nay. Nếu các cuộc thử nghiệm được sớm hoàn tất, những liều vaccine đầu tiên sẽ được tung ra thị trường vào mùa Xuân tới.
Vaccine GRAd-COV2 do Công ty ReiThera có trụ sở tại Rome phát triển. Vùng Lazio, bao quanh thủ đô Rome, cho biết các cuộc thử nghiệm giai đoạn đầu, bao gồm trên động vật, đã cho các kết quả tích cực. Hiện các vaccine tiềm năng phòng COVID-19 cũng đang được thử nghiệm tại một số nước như Ấn Độ, Anh, Nga và Trung Quốc.
Đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường học ở Ekurhuleni, Nam Phi, ngày 8/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 24/8, Liên hiệp quốc (LHQ) dự đoán kinh tế Nam Phi có thể phải cần đến 5 năm mới có thể phục hồi do những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19, trong khi tỷ lệ đói nghèo và thất nghiệp tại nước này được dự báo sẽ tăng đột biến trong năm 2020.
Trong một báo cáo cùng ngày, Chương trình phát triển LHQ (UNDP) cho biết dịch COVID-19 có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế phát triển nhất châu Phi này giảm khoảng 7,9% trong năm 2020 rồi sau đó mới phục hồi dần cho đến hết năm 2024.
Tuy nhiên, ngay trong năm 2020 này, tỷ lệ đói nghèo cùng cực sẽ tăng khoảng 66%, trong khi 34% số gia đình có thu nhập trung bình sẽ bị đẩy xuống tầng lớp ‘’dễ bị tổn thương’’, trong đó những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là người da màu, người ít học vấn và người hoạt động trong những lĩnh vực kinh tế phi chính thức.
Theo tính toán của UNDP, với kịch bản lạc quan nhất, dịch COVID-19 có thể sẽ lấy đi việc làm của khoảng 50.000 người dân nước này trong năm 2020, bất chấp tỷ lệ thất nghiệp tại Nam Phi hiện đã vượt quá 30%.
Theo Báo Tin tức
Những cuộc đàm phán giữa chính quyền quân sự Mali và các hòa giải viên thuộc ECOWAS đã diễn ra ở thủ đô Bamako nhằm thúc đẩy khôi phục chế độ dân sự sau cuộc đảo chính ở nước này.
Ngày 23/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận định việc hai cơn bão là Marco và Laura cùng lúc đe dọa càn quét khu vực Caribe và vùng duyên hải bờ Tây nước Mỹ là mối đe dọa "chưa từng có tiền lệ".
Chính phủ Bra-xin thông báo cho phép thử nghiệm lâm sàng tại nước này đối với loại vắc-xin phòng ngừa Covid-19 do Tập đoàn dược phẩm Johnson & Johnson nghiên cứu phát triển. Quy trình thử nghiệm giai đoạn 3 đối với loại vắc-xin mang tên Ad26 này sẽ được thực hiện trên 7.000 người tình nguyện trong độ tuổi từ 18 đến 60.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/8 cho biết ông sẽ trao đổi với Nga "vào một thời điểm” thích hợp về làn sóng biểu tình tại Belarus phản đối nhà lãnh đạo Alexander Lukashenko.
Tính đến 7 giờ sáng 18-8 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 22,03 triệu ca mắc Covid-19. Trong đó, số người đã hoàn toàn hồi phục là hơn 14,77 triệu người và số người tử vong là hơn 770 nghìn người.
Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 207.964 ca mắc COVID-19 và 4.398 ca tử vong. Người dân Nga có thể được tiêm vaccine COVID vào giữa tháng 9, chậm hơn dự kiến 2-3 tuần; trong khi Canada cảnh báo nguy cơ đỉnh dịch đến vào mùa Thu.