Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 273.029 trường hợp mắc COVID-19 và 5.183 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 26,7 triệu người.

Chú thích ảnh


Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Porto Alegre, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 5/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 26.756.401 ca, trong đó có 877.703 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 18.876.263 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 60.890 ca và 7.002.435 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 4/9, thế giới có tới 137 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 94 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (87.115 ca), Mỹ (48.289 ca) và Brazil (45.651 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 1.066 ca), Mỹ (879 ca), Brazil (773 ca) và Mexico (513 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất. Như vậy, 24 giờ qua Ấn Độ dẫn đầu thế giới cả về số ca bệnh phát sinh và ca tử vong mới.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 trên thế giới, với 6.383.533 ca mắc và 191.937 ca tử vong. Tiếp đến là Brazil với 4.091.801 ca mắc và 125.502 ca tử vong.

Bộ Y tế Brazil cho biết số ca mắc COVID-19 mỗi ngày ở nước này đã giảm nhẹ trong những ngày gần đây, cho thấy dịch bệnh có thể đã qua đỉnh sau nhiều tháng liên tục ghi nhận số ca tử vong mỗi ngày trên 1.000 ca. Từ cuối tháng 8, mỗi ngày Brazil có khoảng 870 ca tử vong và 40.000 ca mắc mới.

Chú thích ảnh

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Sao Paulo, Brazil. Ảnh: THX/TTXVN

Sau Brazil là Ấn Độ với 4.020.239 ca mắc COVID-19 và 69.635 ca tử vong. Chỉ trong 24 giờ qua, Ấn Độ phát hiện thêm 87.115 ca bệnh và 1.066 ca tử vong. Đây là kỷ lục mới về số ca mắc COVID-19 phát sinh trong một ngày tại quốc gia Nam Á này.

Tiếp đến là Nga với 1.015.105 ca mắc và 17.649 ca tử vong; Peru với 670.145 ca mắc và 29.405 ca tử vong, Colombia với 641.574 ca mắc và 20.618 ca tử vong, Nam Phi với 633.015 ca mắc và 14.563 ca tử vong.

Chú thích ảnh

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 2/9/2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Tại Hàn Quốc, số ca mắc COVID-19 vẫn duy trì ở mức 3 con số, buộc chính phủ nước này phải gia hạn chiến dịch giãn cách xã hội thêm 1 tuần đến ngày 13/9.

Theo số liệu của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), trong 24 giờ qua, Hàn Quốc ghi nhận thêm 198 ca, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 20.842 ca. Đây là ngày thứ hai liên tiếp nước này có số ca nhiễm dưới 200 ca.

Trong khi đó, New Zealand cũng quyết định duy trì các hạn chế phòng dịch COVID-19 đến giữa tháng 9 này. Ngày 4/9, nước này ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19 sau hơn 3 tháng.

Bệnh nhân nam ở độ tuổi 50 có liên quan đến ổ dịch bùng phát tại thành phố Auckland trong tháng 8 vừa qua. Như vậy, tính đến ngày 4/9, New Zealand có tổng cộng 23 ca tử vong do COVID-19 trong số 1.764 ca mắc bệnh.

Chú thích ảnh

Chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Moskva, Nga ngày 3/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, tình hình dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu lắng dịu. Ngày 4/9, Pháp xác nhận thêm 7.157 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới tại quốc gia này vượt ngưỡng 7.000 kể từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại trong vài tuần trở lại đây.

Trên cả nước, 23 địa phương hiện ở mức "nguy cơ cao" và 37 địa phương ở mức "nguy cơ trung bình". Cơ quan Y tế công cộng Pháp cảnh báo tình hình lây nhiễm đặc biệt đáng lo ngại ở vùng đô thị và ở nhóm thanh niên, do thiếu tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

Theo Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer, 22 trường học ở nước này đã phải đóng cửa do số ca mắc COVID-19 đang có chiều hướng tăng mạnh trở lại.

 Trong khi đó, ngày 3/9, lần đầu tiên kể từ giữa tháng 5, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận số ca mắc COVID-19 vượt quá 1.600 ca, đưa tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên 274.943 ca, trong đó 6.511 ca tử vong.

CH Séc cùng ngày cũng phát hiện thêm 650 ca bệnh, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này. Theo Bộ Y tế CH Séc, tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này hiện là 25.773 ca, trong đó có 7.022 ca đang được điều trị.

Cùng ngày, công ty dược phẩm Đức Curevac thông báo sẽ có thể sản xuất quy mô lớn vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay. Curevac nằm trong số các doanh nghiệp đang bào chế vaccine dựa trên các phân tử mang mã gene RNA thông tin (mRNA).

Ngoài ra, Curevac có thể mở rộng hợp tác với Grohmann, một chi nhánh của tập đoàn Telsa của tỷ phú Mỹ Elon Musk, trong việc phát triển máy in RNA, từ đó giúp sản xuất vaccine trên diện rộng.


Trong khi đó, các nhà khoa học Nga thông báo vaccine Sputnik V của nước này đã đạt kết quả thử nghiệm khả quan, theo đó những bệnh nhân tham gia giai đoạn đầu thử nghiệm đã phát triển kháng thể mà không gặp bất cứ phản ứng nghiêm trọng nào.

Tháng 8, Nga tuyên bố phát triển thành công vaccine phòng COVID-19 có tên là Sputnik V. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học phương Tây cho đến nay vẫn hoài nghi về tính an toàn và hiệu quả của vaccine, cho rằng cần thời gian dài để đánh giá hiệu quả và mức độ an toàn của vaccine phòng COVID-19.

Chú thích ảnh

Trong ảnh: Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga ngày 16/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 4/9, Phó Thị trưởng Moskva, bà Anastasia Rakova, ngày 4/9 cho biết một số phòng khám ngoại trú ở thủ đô Moskva đã nhận được lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên.

Phát biểu với báo giới, bà Rakova cho biết 3 phòng khám ngoại trú số 2, 62 và 220 đã nhận được vaccine sau khi đăng ký và được Bộ Y tế Nga cấp phép. Hiện các cơ sở này đều đã sẵn sàng cho việc triển khai chương trình thử nghiệm, dự kiến bắt đầu từ tuần tới.

Cũng theo bà Rakova, từ ngày 4/9, người dân Moskva có thể đăng ký tham gia chương trình thử nghiệm trên và trở thành những người đầu tiên được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Những người tham gia sẽ được theo dõi y tế liên tục trong 6 tháng, bao gồm cả việc sử dụng các công nghệ y tế từ xa.

Tại Áo, hệ thống màu sắc của "đèn giao thông" cảnh báo nguy cơ dịch bệnh ngày 4/9 chính thức vận hành, theo đó các địa phương sẽ được phân loại theo màu sắc xanh, đỏ, vàng tùy theo mức độ nguy cơ của dịch bệnh và cư dân tại đây phải thực hiện các biện pháp phòng dịch tương xứng.

Trong cuộc họp báo ngày 4/9 cùng các quan chức chính phủ, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz công bố đưa 3 thành phố lớn nhất của nước này gồm thủ đô Vienna, Linz và Graz vào vùng "vàng", tương ứng nguy cơ trung bình, trong khi đó các vùng còn lại trên cả nước được xếp vào vùng "xanh" (nguy cơ thấp).

Ở các vùng "vàng", việc đeo khẩu trang là bắt buộc tại trường học, các cơ sở kinh doanh bán lẻ, khu ăn uống, tổ chức sự kiện cũng bị hạn chế. Hệ thống "đèn giao thông" dịch bệnh sẽ được đánh giá và điều chỉnh hằng tuần căn cứ vào tình hình dịch bệnh thực tế. Hiện Áo chưa có vùng nào xếp vào vùng "Cam", tức nguy cơ cao hay "Đỏ", tình hình nghiêm trọng.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 2/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.041 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 11.820 người.

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 2 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines và Indonesia. Indonesia vẫn là nước dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch, gấp đôi quốc gia xếp sau là Philippines và bỏ xa các nước khác. Tuy nhiên, số ca phát sinh trong ngày tại ASEAN đang có xu hướng tăng.

Philippines dịch bệnh tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, khi số ca mắc mới tại nước này tăng vọt và vượt qua Indonesia về số ca mắc/ngày cũng như tổng số bệnh nhân. Đây chính là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay.

Singapore đang chứng kiến dịch bệnh quay trở lại, với số ca mắc bệnh mới tăng đều những ngày qua. Dù vậy, "Đảo quốc sư tử” vẫn kiểm soát khá tốt tình hình và đã nhiều tháng nay không phát sinh ca tử vong mới nào vì COVID-19.

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế hướng dẫn các bệnh nhân COVID-19 tập thể dục buổi sáng tại bệnh viện ở Surabaya, Indonesia, ngày 17/8/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 11.826 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 131 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 492.001 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 364.861 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Tuy nhiên, dù vẫn ghi nhận các ca mới, song tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN – như Thái Lan hay Singapore - đang xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Liên quan tới cuộc chiến chống dịch COVID-19, người phát ngôn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Margaret Harris ngày 4/9 cho rằng không nên kỳ vọng việc phổ biến vaccine ngừa COVID-19 trước giữa năm 2021, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các quá trình kiểm tra nghiêm ngặt về tính hiệu quả và mức độ an toàn của vaccine. Quan chức trên nhấn mạnh giai đoạn 3 sẽ mất nhiều thời gian hơn do cần phải kiểm chứng khả năng bảo vệ và mức độ an toàn của vaccine.

Hiện trên thế giới có hơn 250 loại vaccine ngừa COVID-19 đang trong giai đoạn phát triển và thử nghiệm, trong đó có 7 loại tiềm năng nhất đang được thử nghiệm lâm sàng trên người ở giai đoạn 3 và cũng là giai đoạn cuối cùng. WHO khẳng định điều này không có nghĩa vaccine ngừa COVID-19 gần như đã sẵn sàng được phân phối rộng khắp trên thế giới.

                                                                                       Theo báo Tin tức

Các tin khác


Chuyến bay trực tiếp giữa Israel-UAE là một dấu mốc lịch sử

Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner bày tỏ hy vọng về một kỷ nguyên hòa bình hơn tại khu vực Trung Đông khi ông đặt chân lên chuyến bay trực tiếp đầu tiên nối Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Israel - diễn biến được xem là cột mốc lịch sử trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai bên.

COVID-19 tới 6h sáng 31/8: Thế giới trên 850.000 người chết, Ấn Độ lây nhiễm kỷ lục

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 216.215 ca mắc COVID-19 và 4.066 ca tử vong, với tổng số người chết đã vượt quá 850.000 ca. Riêng Ấn Độ lập kỷ lục thế giới với trên 79.000 ca nhiễm mới và đang trên đà vượt qua Brazil về tổng số ca bệnh.

Bên trong đơn vị ''đầu tàu'' phát triển vaccine COVID-19 của Trung Quốc

Đằng sau những bức tường trắng tại một tòa nhà mới xây ở ngoại ô phía nam Bắc Kinh, hai nhân viên vận khẩu trang và găng tay cao su đang bận rộn hút, bơm chất lỏng không màu vào trong những lọ thủy tinh nhỏ.

NATO tìm kiếm cơ chế tránh xung đột ở Đông Địa Trung Hải

NATO đang cân nhắc các biện pháp tránh nguy cơ xung đột nhằm ngăn chặn các sự cố hải quân ở khu vực Địa Trung Hải vốn đang ngày càng nóng lên.

Các quốc gia Nam Mỹ cân nhắc mở cửa lại biên giới

Dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề tại khu vực Mỹ Latinh với hơn 7 triệu ca nhiễm bệnh, 260.000 ca tử vong và buộc hầu hết các nước phải đóng cửa biên giới trên bộ.

Nguy cơ xung đột giữa các đồng minh NATO ở Đông Địa Trung Hải nhấn chìm khu vực

Các nước đồng minh của NATO đang đối đầu ở Đông Địa Trung Hải và một cuộc xung đột xảy ra do tính toán sai lầm hoặc sự cố có thể "nhấn chìm" cả khu vực này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục