Không chỉ lây lan nhanh chóng tại In-đô-nê-xi-a với nhiều ca mắc mới được ghi nhận mỗi ngày, dịch Covid-19 còn khiến nền kinh tế "quốc gia vạn đảo” lần đầu suy giảm trong hơn 20 năm qua. Hiện Chính phủ In-đô-nê-xi-a đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp để kịp thời cứu nền kinh tế đang bị tổn thương bởi đại dịch.

Khử trùng tại sân bay quốc tế Tan-giê-rang (In-đô-nê-xi-a). Ảnh | ROI-TƠ

Chính phủ In-đô-nê-xi-a mới đây thông báo, nước này đang gặp khó khăn trong việc thu thuế nhằm gia tăng nguồn thu ngân sách. Sự càn quét của "cơn bão” Covid-19 đã làm tê liệt nhiều hoạt động kinh tế chủ chốt, khiến nền kinh tế chao đảo. Căn cứ vào tình hình hiện nay, giới chức In-đô-nê-xi-a dự báo, nguồn thu từ thuế năm 2020 sẽ chỉ đạt chưa đến 9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu đề ra. 

Cùng với đó, In-đô-nê-xi-a cũng liên tục tiếp nhận những thông tin không mấy lạc quan về triển vọng kinh tế. Giới chức Bộ Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư In-đô-nê-xi-a nhận định, tăng trưởng kinh tế nước này trong quý III-2020 sẽ không vượt qua mức 0%, thậm chí ở mức âm. Trước đó, Cục Thống kê In-đô-nê-xi-a thông báo, GDP nước này sụt giảm 5,32% trong quý II-2020 so với cùng kỳ năm ngoái, và đây là lần đầu kinh tế In-đô-nê-xi-a suy giảm trong hơn 20 năm qua kể từ quý I-1999.
 
Với quyết tâm đẩy lùi gam mầu u ám trên bức tranh kinh tế, Chính phủ In-đô-nê-xi-a đã triển khai nhiều biện pháp, như duy trì các gói kích thích kinh tế, tăng cường huy động trái phiếu để tài trợ cho cuộc chiến chống dịch bệnh... Chính phủ kỳ vọng, đây là những "liều thuốc” tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế trên con đường phục hồi phía trước. Trong Thông điệp quốc gia hằng năm đọc trước Quốc hội, Tổng thống In-đô-nê-xi-a G.Uy-đô-đô cam kết kéo dài các gói kích thích kinh tế của năm nay tới năm 2021, đồng thời nới lỏng tài khóa nhằm hỗ trợ cho chương trình nghị sự của Chính phủ. Cụ thể, khoảng 24,04 tỷ USD sẽ được phân bổ để hỗ trợ phục hồi kinh tế; bảo đảm an ninh lương thực; cải thiện hệ thống chăm sóc y tế, trong đó gồm cả việc cung ứng vắc-xin ngừa dịch Covid-19... Trong một buổi họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Tài chính In-đô-nê-xi-a X.In-đra-oa-ti khẳng định, Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai các chính sách đặc biệt nhằm phục hồi lĩnh vực y tế, cũng như duy trì các điều kiện kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ In-đô-nê-xi-a cũng chú trọng tăng thêm nguồn tài chính để chống đại dịch Covid-19 từ trái phiếu. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s dự báo, In-đô-nê-xi-a sẽ huy động 27 tỷ USD từ phát hành trái phiếu Hồi giáo (Sukuk) trong năm nay, tăng mạnh so với mức 16 tỷ USD vào năm 2019, để tài trợ cho cuộc chiến chống dịch còn nhiều gian truân này. Số liệu của Bộ Tài chính In-đô-nê-xi-a cho thấy, chỉ riêng số lượng Sukuk mà Chính phủ phát hành nội địa tính đến tháng 8-2020 đã gần bằng tổng số lượng Sukuk được phát hành trong cả năm 2019.

Du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của In-đô-nê-xi-a, cũng được chú trọng  phát triển trong bối cảnh quốc gia này đang nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Theo đó, Chính phủ lên kế hoạch phân bổ gói ngân sách trị giá 257 triệu USD nhằm khôi phục ngành công nghiệp không khói. Theo Phó Chánh Văn phòng Tổng thống, ông P.Tê-tê-lép-ta, các doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, công ty du lịch… sẽ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập. Bên cạnh đó, Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo In-đô-nê-xi-a cũng chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế trong ngành du lịch. Các hãng hàng không, nhà hàng, khách sạn đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về y tế và cần có giấy chứng nhận về vấn đề này, nhằm bảo đảm an toàn cho khách du lịch. Kể từ khi đại dịch Covid-19 "gõ cửa” quốc gia vạn đảo và lan rộng nhanh chóng, ngành du lịch nước này bị ảnh hưởng nặng nề. Cơ quan Thống kê Trung ương In-đô-nê-xi-a (BPS) cho biết, lượng khách du lịch quốc tế đến thăm nước này trong tháng 6-2020 đã giảm 88,82% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh buộc các nước trên thế giới phải chủ động thích nghi với trạng thái bình thường mới để đương đầu với cuộc khủng hoảng "trăm năm có một” này. Nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng y tế do dịch Covid-19 vẫn còn kéo dài, Tổng thống In-đô-nê-xi-a G.Uy-đô-đô nêu rõ, người dân nước này không được buông xuôi. Những biện pháp mà Chính phủ In-đô-nê-xi-a quyết liệt triển khai trong thời gian qua đã góp phần củng cố niềm tin cho người dân và doanh nghiệp rằng, con tàu kinh tế In-đô-nê-xi-a đang từng bước vượt qua sóng gió.

TheoNhanDan



Các tin khác


Số người thiệt mạng trong vụ nổ tại thánh đường ở Bangladesh lên tới 27

Ngày 7/9, giới chức Bangladesh cho hay số người thiệt mạng trong vụ nổ hồi tuần trước tại thánh đường ở quận Narayanganj, ngoại ô thủ đô Dhaka, đã lên con số 27 người.

Giải cứu trên 200 người mắc kẹt do cháy rừng ở California

Cảnh sát hạt Madera ở bang California (Mỹ) ngày 6/9 xác nhận trên 200 người đã được giải cứu an toàn trong đêm bằng trực thăng quân đội sau khi một đám cháy rừng lan nhanh đã phong tỏa lối ra duy nhất của một đập nước là địa điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng ở rừng quốc gia Sierra.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 thế giới ngày 5/9

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 21h30 ngày 5/9, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 26.777.550 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 879.803 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 18.960.920 người. Trong số 6.936.827 người đang được điều trị, có 1% số ca đang trong tình trạng nguy kịch.

COVID-19 tới 6 giờ sáng 5/9: Thế giới 26,7 triệu ca mắc; Nga nhận lô vaccine đầu tiên

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 273.029 trường hợp mắc COVID-19 và 5.183 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 26,7 triệu người.

Hội nghị thượng đỉnh APEC 2020 sẽ được tổ chức trực tuyến vào tháng 12

(HBĐT) - Theo một nguồn tin ngoại giao châu Á, Hội nghị thượng đỉnh thường niên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2020 sẽ được tổ chức trực tuyến vào ngày 4/12 tới.

Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 4/9: Thế giới trên 26,4 triệu ca bệnh; Ấn Độ lại lập kỷ lục về số ca mắc mới

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng 4/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là trên 26,4 triệu ca, trong đó có trên 871.000 người thiệt mạng. Ấn Độ tiếp tục lập kỷ lục về số ca mắc mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục