Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên hiệp châu Âu (EU) trong sáu tháng đầu năm 2021, Bồ Đào Nha sẽ có một nhiệm kỳ không ít khó khăn, trong đó, việc đưa kinh tế châu Âu từng bước vượt qua "cơn bĩ cực” do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Bồ Đào Nha đang đối mặt áp lực nặng nề, khi châu Âu trông chờ quốc gia này có thể tiếp nối những thành công tốt đẹp từ nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU trước đó của Đức.
Khu phố mua sắm ở Bồ Đào Nha vắng vẻ trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành. Ảnh EPA - EFE
Trong cuộc gặp mới đây với Chủ tịch Hội đồng châu Âu S.Mi-sen, Thủ tướng Bồ Đào Nha A.Cô-xta nhấn mạnh, việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU là một "vinh dự to lớn” của Bồ Đào Nha và khoảng thời gian sáu tháng tới sẽ là lúc nước này nỗ lực hết sức hợp tác chặt chẽ cùng các tổ chức khác để hoàn thành trọng trách. Nhìn lại nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU trước đó của Đức, có thể thấy, hàng loạt "hồ sơ nóng” của EU đã được giải quyết, từ việc các nhà lãnh đạo 27 nước trong "ngôi nhà chung” đạt được thỏa thuận về ngân sách tới năm 2027 cùng gói phục hồi kinh tế nhằm giải quyết hậu quả do Covid-19; toàn bộ khối đồng loạt triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa dịch… cho đến việc EU chính thức ký kết thỏa thuận thương mại lịch sử với Anh thời kỳ hậu Brexit, khép lại quãng thời gian gần 5 năm đàm phán cam go, trắc trở. Những thành công tốt đẹp trong nhiệm kỳ Chủ tịch vừa qua của Đức là nền tảng tốt cho tương lai phát triển của EU, song cũng đặt ra những áp lực đối với người kế nhiệm, khi mà EU vẫn đang vật lộn trong "vòng xoáy” của cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng mang tên Covid-19.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, sáu tháng đầu năm 2021 sẽ là một chặng đường hết sức gian nan và vất vả trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên thế giới, trước khi các loại vắc-xin có thể phát huy tác dụng và đảo ngược tình hình. Cũng theo WHO, một số quốc gia đang phải chứng kiến tốc độ lây nhiễm dịch bệnh nhanh đáng sợ, nhất là ở châu Âu và Bắc Mỹ. Sự xuất hiện những ca nhiễm biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2 gây Covid-19 tại hàng chục quốc gia châu Âu đã khiến lục địa già "đứng ngồi không yên”. Nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Đức… phải áp đặt lệnh giới nghiêm để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Đây là phép thử cho sự đoàn kết của châu Âu và cũng là phép thử cho khả năng lãnh đạo, chèo lái toàn bộ khối vượt qua thách thức về y tế của Bồ Đào Nha, nước giữ chức Chủ tịch Hội đồng EU nhiệm kỳ này. Mới đây, Tổng thống Bồ Đào Nha M.Xô-xa cũng đã được xác nhận dương tính với vi-rút gây Covid-19.
Khôi phục kinh tế sau đại dịch cũng là một trong những nhiệm vụ khó khăn khác của Chủ tịch Hội đồng EU. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đánh giá, nền kinh tế Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) năm 2021 sẽ phục hồi chậm hơn so với dự báo ban đầu. Theo ECB, khu vực Eurozone sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm 2021, thấp hơn so với dự báo được đưa ra hồi tháng 9-2020 là 5%. Một tin vui về kinh tế mà EU nhận được trong những ngày cuối năm lạnh lẽo vừa qua, đó là việc các nhà lãnh đạo EU đạt được thỏa thuận về ngân sách tới năm 2027 cùng gói phục hồi kinh tế nhằm giải quyết hậu quả do dịch Covid-19 gây ra. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi đây sẽ là nguồn tài chính giúp tái thiết châu Âu trong thời điểm mà gần như toàn bộ các nền kinh tế khu vực đều lâm vào khủng hoảng do ảnh hưởng của các lệnh phong tỏa, hạn chế… trong suốt năm 2020. Việc nhận được các khoản tiền trong gói phục hồi sẽ giúp EU ngăn chặn làn sóng phá sản của các doanh nghiệp, giảm bớt những thiệt hại về mặt kinh tế cũng như nguy cơ bất ổn xã hội.
Cùng với đó, đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng EU trong nhiệm kỳ sáu tháng đầu năm 2021, Bồ Đào Nha sẽ phải giải quyết những vấn đề quan trọng khác, như tìm ra chính sách chung về vấn đề người tị nạn, thực hiện hóa thỏa thuận về thời kỳ hậu Brexit giữa EU và Anh, thúc đẩy chính sách trong quan hệ giữa EU với Mỹ, Trung Quốc, Nga… Giới chức Bồ Đào Nha cũng nêu rõ, nước này sẽ tập trung đẩy mạnh sự đoàn kết của EU, thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp và đưa châu Âu trở thành "ngọn cờ đầu” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Bồ Đào Nha tiếp nhận chức Chủ tịch Hội đồng EU ở thời điểm châu Âu đang đứng trước những thách thức lớn trong lịch sử, trong đó phải kể đến cuộc khủng hoảng y tế chưa có hồi kết từ đại dịch Covid-19. Mặc dù bắt đầu cương vị mới với bộn bề khó khăn, Thủ tướng Bồ Đào Nha A.Cô-xta vẫn tin tưởng vào khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ của quốc gia này. Ông A.Cô-xta khẳng định không nên nhìn nhận những vấn đề nêu trên là trở ngại, mà là cơ hội cho sự chuyển mình và phát triển hơn nữa của châu Âu.
Theo Báo Nhân dân
Italy có nguy cơ đối mặt với cuộc khủng hoảng chính phủ mới khi hai bộ trưởng và một thứ trưởng thuộc đảng Italia Viva chính thức rút khỏi chính phủ của Thủ tướng Giuseppe Conte
Hãng thông tấn RIA của Nga dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao nước này ngày 13/1 cho biết dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt dưới biển mang tên Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) sẽ được hoàn tất bất chấp sức ép từ Mỹ.
EU lấy làm tiếc về những mức thuế mới của Mỹ đối với các sản phẩm của Pháp và Đức, đồng thời nêu rõ sẽ tìm kiếm một thỏa thuận đình chiến thương mại với chính quyền của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden.
Pháp đã phát hiện ít nhất 28 trường hợp nhiễm biến thể của virus SARS-Cov-2 tại Anh và lo ngại nguy cơ lây lan rộng trong những ngày tới do khó truy vết. Còn chiến dịch tiêm chủng đang được đẩy mạnh với gần 190 người được tiêm phòng tính tới ngày 12-1.
Ngày 12/1, chính quyền thủ đô Berlin đã ban hành lệnh cấm rời khỏi nơi cư trú quá 15km do chỉ số lây nhiễm trong 7 ngày ở Berlin đã vượt 200 ca nhiễm mới/100.000 dân.
Lần đầu tiên tại Đức, nhà chức trách phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Nam Phi.