Theo tin nước ngoài và TTXVN, ngày 20-1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo, biến thể mới của Covid-19 có nguồn gốc tại Anh đã được phát hiện tại ít nhất 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi biến thể mới từ Nam Phi đã xuất hiện tại 23 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. WHO cho biết, số người chết do Covid-19 tăng lên mức cao chưa từng thấy, với 93 nghìn người trong bảy ngày, trong khi có 4,7 triệu ca mắc mới.


Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ở Ca-li-pho-ni-a (Mỹ).

* Thủ tướng Ðức A.Méc-ken hối thúc các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) nhất trí về các biện pháp chung nhằm ngăn chặn biến thể mới của Covid-19 và cảnh báo nếu không có động thái này, Ðức sẽ tiến hành kiểm soát biên giới với các nước láng giềng.

* Ủy ban châu Âu (EC) khuyến nghị tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho ít nhất 70% dân số trưởng thành của EU vào mùa hè này. Mục tiêu từ nay đến tháng 3, ít nhất 80% số người trên 80 tuổi và 80% nhân viên y tế phải được tiêm chủng tại mỗi quốc gia thành viên. EU đã đặt mua gần 2,3 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 từ các hãng dược phẩm, nhưng mới chỉ hai loại nhận được giấy phép của EU.

* Xéc-bi-a trở thành nước châu Âu đầu tiên tiêm đại trà vắc-xin của Trung Quốc, sau khi tiếp nhận một triệu liều từ công ty dược phẩm Sinopharm. Bộ trưởng Quốc phòng nước này cùng hơn 700 quân nhân đã được tiêm vắc-xin của Trung Quốc.

* Ấn Ðộ thông báo chính thức bắt đầu tiến hành "ngoại giao vắc-xin", theo đó sẽ xuất khẩu vắc-xin ngừa Covid-19 phiên bản "Made in India" cho các quốc gia láng giềng và đối tác chính như Bu-tan, Man-đi-vơ, Băng-la-đét, Nê-pan, Mi-an-ma... Quyết định này mở đường cho các nước có thu nhập từ thấp đến trung bình nhận được nguồn cung vắc-xin Oxford/AstraZeneca do Ấn Ðộ sản xuất.

* Nhật Bản sẽ tiến hành chương trình tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 từ cuối tháng 2 tới cho nhân viên y tế, tiếp theo là người trên 65 tuổi vào cuối tháng 3. Thủ tướng Nhật Bản cam kết bảo đảm vắc-xin cho 126 triệu người dân nước này đến giữa năm 2021.

* Cơ quan Giám sát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga Rospotrebnadzor tuyên bố, vắc-xin thứ hai ngừa Covid-19 của nước này đạt hiệu quả 100% dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàng.

* Ủy viên EU phụ trách y tế cho biết, EU mong muốn thiết lập một cơ chế cho phép chia sẻ lượng vắc-xin chưa dùng đến (dự trữ) với các quốc gia láng giềng nghèo hơn và các nước ở châu Phi. Cơ chế này nhằm cho phép các nước nghèo hơn tiếp cận nguồn vắc-xin trước cơ chế COVAX.

* Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 20-1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 96,7 triệu ca nhiễm Covid-19. Châu Âu là tâm dịch với hơn 30,8 triệu người mắc Covid-19, trong đó có 665.607 người chết. Chính phủ liên bang và chính quyền các bang ở Ðức đã nhất trí kéo dài lệnh phong tỏa tới ít nhất ngày 14-2, đồng thời siết chặt thêm một số biện pháp phòng ngừa, trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều số ca nhiễm các biến thể mới của Covid-19.

* Theo Ðại học Johns Hopkins (Mỹ), dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 400.000 người tại Mỹ, trong số hơn 24,1 triệu ca mắc. Hiện Mỹ đang có số ca mắc và người chết cao nhất toàn cầu. Khoảng 2,5 triệu trẻ em ở Mỹ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.

* Tại châu Á, Ma-lai-xi-a tái thực hiện lệnh hạn chế di chuyển tại các bang và lãnh thổ liên bang, ngoại trừ bang Xa-ra-vắc. Thời gian thực hiện là hai tuần và có thể sẽ được gia hạn.

* Trung Quốc thông báo kéo dài thời gian theo dõi y tế lên 28 ngày đối với công dân trở về từ nước ngoài. Theo đó, mô hình "14+7+7", bao gồm 14 ngày cách ly tập trung, một tuần cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung và một tuần theo dõi sức khỏe, những người dân trong nước đến thủ đô Bắc Kinh phải cách ly 21 ngày trước khi vào Bắc Kinh và thực hiện bảy ngày giám sát y tế sau khi vào thủ đô.

* Tại Trung Ðông, các bộ trưởng trong Chính phủ I-xra-en đồng loạt thông qua việc gia hạn các biện pháp phong tỏa chặt chẽ từ nay tới ngày 31-1; nhất trí với đề xuất buộc du khách nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 tiếng trước chuyến bay của họ.

* Bộ Y tế Cô-oét thông báo nước này ghi nhận hai ca đầu tiên nhiễm biến thể mới của Covid-19. Ðây là hai công dân Cô-oét trở về từ Anh.

* Tại châu Phi, Tổng thống Nam Phi thông báo nước này vừa thành lập một ủy ban liên bộ chuyên trách về việc triển khai kế hoạch tiêm phòng đại trà vắc-xin ngừa Covid-19 trên quy mô toàn quốc. Nước này đặt mục tiêu tiêm phòng cho ít nhất 40,3 triệu người, tương đương hai phần ba dân số trong năm 2021.

* Ủy ban đánh giá độc lập cho rằng, đại dịch Covid-19 có thể là chất xúc tác cho cuộc cải cách WHO, tương tự như thảm họa hạt nhân Tréc-nô-bưn năm 1986 đã buộc cơ quan quản lý hạt nhân của Liên hợp quốc phải thay đổi khẩn cấp. WHO cần cải cách cơ bản để có những nguồn lực cần thiết nhằm ứng phó hiệu quả hơn với các đợt bùng phát dịch.

Theo Báo Nhân dân

Các tin khác


Nhiệm kỳ mới nhiều thách thức

Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên hiệp châu Âu (EU) trong sáu tháng đầu năm 2021, Bồ Đào Nha sẽ có một nhiệm kỳ không ít khó khăn, trong đó, việc đưa kinh tế châu Âu từng bước vượt qua "cơn bĩ cực” do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Bồ Đào Nha đang đối mặt áp lực nặng nề, khi châu Âu trông chờ quốc gia này có thể tiếp nối những thành công tốt đẹp từ nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU trước đó của Đức.

GDP năm 2020 của Trung Quốc vượt ngưỡng 100.000 tỷ NDT

Ngày 18/1, Cục Thống kê quốc gia (NBS) của Trung Quốc công bố số liệu cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 của nước này đạt 101.598 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 15.666 tỷ USD) với mức tăng trưởng 2,3%.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới ngày 14/1

Theo trang thống kê worldometers.info, đến 22h00 ngày 14/1 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 92.917.833 triệu ca nhiễm, trong đó có 1.990.072 ca tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Pháp tăng thời gian giới nghiêm trên toàn quốc

Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Pháp quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc từ 18 giờ từ ngày 16-1. Việc kiểm soát biên giới cũng sẽ được tăng cường đối với những người đến từ các nước ngoài khu vực EU, chỉ cho nhập cảnh nếu có kết quả xét nghiệm PCR âm tính.

Đức ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ đầu dịch COVID-19

Số liệu từ các cơ quan y tế Đức thông báo tối 13/1 cho biết chỉ trong một ngày nước Đức đã ghi nhận 1.340 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch lên 43.619 ca.

Italy đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chính phủ mới

Italy có nguy cơ đối mặt với cuộc khủng hoảng chính phủ mới khi hai bộ trưởng và một thứ trưởng thuộc đảng Italia Viva chính thức rút khỏi chính phủ của Thủ tướng Giuseppe Conte

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục