Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 584.969 trường hợp mắc COVID-19 và 9.713 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 159,5 triệu ca bệnh, trong đó trên 3,3 triệu người không qua khỏi.


Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 12/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 11/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 159.567.148 ca, trong đó có 3.316.430 người tử vong.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 138.137.396 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 18.113.322 ca và 106.529 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 10/5, thế giới có tới 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 101 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine và hộ chiếu vaccine. Trong vòng 1 ngày qua, Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số mắc mới và số ca tử vong nhiều nhất thế giới.


Người dân di chuyển trên cầu Brooklyn ở New York, Mỹ, ngày 25/4/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Mỹ vẫn là nước có số bệnh nhân và ca tử vong cao nhất thế giới, với 33.508.947 ca nhiễm và hơn 596.133 ca tử vong, song "tâm dịch thế giới” đang chứng kiến xu thế hạ nhiệt. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 423.229 ca trong khi Ấn Độ đứng thứ hai về ca nhiễm với 22.991.927 ca.

Ngày 10/5, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech để tiêm cho trẻ em từ 12-15 tuổi. Quyết định rất được mong đợi này là một bước đi quan trọng để đảm bảo các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có thể mở cửa trở lại và học sinh có thể học trực tiếp trong năm học từ mùa Thu tới.

Châu Âu hiện là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với 45.566.081 ca nhiễm và 1.036.925 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á - ghi nhận 44.372.523 ca mắc, trong đó có 574.839 ca tử vong. Tiếp đó là khu vực Bắc Mỹ với 38.898.092 ca nhiễm và 872.549 ca tử vong.

Cùng ngày, dịch bệnh COVID-19 tại tâm dịch Ấn Độ đã ghi nhận tín hiệu tích cực đầu tiên khi số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở mức 329.517 ca, giảm so với ngưỡng 400.000 ca mắc/ngày được ghi nhận những ngày gần đây. Số ca tử vong mới là 3.879 ca, chấm dứt chuỗi hai ngày liên tiếp số trường hợp không qua khỏi được ghi nhận ở ngưỡng trên 4.000 ca/ngày. Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 ở quốc gia Nam Á này là trên 250.000 ca.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng số liệu thực tế của Ấn Độ có thể cao hơn nhiều so với báo cáo. Nhiều bang tại Ấn Độ đã áp dụng các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong tháng qua, trong khi các bang khác áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa rạp chiếu phim, nhà hàng, quán rượu và trung tâm mua sắm. Chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang đối mặt với sức ép kêu gọi áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Sri Lanka, quốc gia láng giềng với Ấn Độ, trở nên phức tạp. Trong ngày 10/5, Sri Lanka thông báo ghi nhận 2.672 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ trước đó, đánh dấu ngày có số ca mới cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này hồi tháng 3 năm ngoái. Tổng số ca mắc COVID-19 của Sri Lanka cũng đã vượt ngưỡng 125.000, lên mức 125.906 ca. Trong đó, 801 bệnh nhân đã tử vong.

Các số liệu thống kê chính thức cho thấy chỉ tính riêng từ đầu tháng 5 đến nay, Sri Lanka đã ghi nhận 17.750 ca mới, chủ yếu do lây biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Đáng chú ý, trong đợt bùng phát này, số ca mắc bệnh và cần điều trị tích cực ghi nhận ở nhóm trẻ tuổi tăng nhanh. Các cơ sở điều trị tích cực và các bệnh viện tại Sri Lanka đều đã hoạt động tối đa công suất.

Trước tình hình này, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thông báo tạm cấm nhập cảnh với các du khách từ Bangladesh, Pakistan, Nepal và Sri Lanka từ ngày 12/5. Tương tự, Thái Lan đã mở rộng lệnh cấm nhập cảnh đối với khách quốc tế đến từ Pakistan, Bangladesh và Nepal nhằm ngăn chặn gia tăng các ca nhiễm biến thể của virus phát hiện lần đầu tại Ấn Độ xâm nhập nước này. Tuy nhiên, những người có thị thực Thái Lan (trừ thị thực du lịch) có thể đến Thái Lan trước ngày 15/5.

Trước thực tế các biến thể mới lây lan mạnh mẽ, hãng dược phẩm BioNTech của Đức cho biết ở thời điểm hiện tại, vaccine phòng COVID-19 do hãng này cùng hãng dược Pfizer (Mỹ) phối hợp phát triển và bào chế không cần bất kỳ điều chỉnh nào để thích ứng với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Hãng dược của Đức cũng nêu rõ hãng đã dự phòng các tình huống và từ tháng 3 vừa qua, các chuyên gia đã bắt đầu thử nghiệm "một phiên bản bổ sung chống lại biến thể mới đặc biệt" của vaccine Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu, đánh giá về tác động của mũi vaccine thứ ba trong việc kéo dài khả năng miễn dịch  và bảo vệ cơ thể con người trước các biến thể mới.


Vaccine Sputnik Light ngừa COVID-19 của Nga. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Cùng ngày, Bộ Y tế Nga cho biết vaccine ngừa COVID-19 mà nước này sản xuất, mang tên Sputnik Light, có thể bảo quản trong 6 tháng trong trạng thái đông đá với nhiệt độ dưới 18 độ C, và bảo quản trong 1 tháng khi ở dạng lỏng với nhiệt độ  từ 2-8 độ C. Vaccine có thể được đóng gói dưới dạng lọ nhỏ hoặc ống tiêm với các iều lượng khác nhau.

Một liều cần thiết để tiêm là 0,5ml. Theo Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh quốc gia Gamaleya và Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II, vaccine Sputnik Light cho thấy hiệu quả (28 ngày sau khi tiêm) là 79,4% và có tác dụng phòng ngừa đối với tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2.

Ngoài ra, chưa cho thấy phản ứng phụ nghiêm trọng nào được phát hiện trong quá trình thử nghiệm vaccine này. Giám đốc điều hành RDIF, ông Kirill Dmitriev nhấn mạnh với giá thành sản xuất rẻ (dự kiến dưới 10 USD) và chỉ cần tiêm một mũi.

Trong khi đó, Thị trưởng thủ đô London (Anh) Sadiq Khan đã phát động chiến dịch trị giá 6 triệu bảng (8,4 triệu USD) nhằm thu hút du khách trở lại thành phố này, "đón đầu" quyết định của chính phủ dỡ bỏ các hạn chế trên khắp nước Anh. Chiến dịch này được đưa ra nhằm thúc đẩy du lịch nội địa, vốn bị ảnh hưởng nặng nề sau nhiều tháng đóng cửa và phong tỏa nhằm khống chế  đại dịch COVID-19.

Theo kế hoạch, trong ngày 10/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ công bố giai đoạn nới lỏng tiếp theo, dự kiến có hiệu lực từ ngày 17/5, qua đó cho phép mở cửa trở lại các quán rượu (pub) và nhà hàng phục vụ trong nhà. Nhiều khả năng các rạp chiếu phim và một số địa điểm giải trí trong nhà quy mô lớn cũng sẽ được hoạt động trở lại trong giai đoạn này.

Tương tự, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran khẳng định quốc gia này sẽ cho phép mở cửa trở lại các quán bar và nhà hàng phục vụ ngoài trời theo đúng kế hoạch vào ngày 19/5 khi số ca bệnh COVID-19 cần điều trị tích cực đang giảm dần. Ông khẳng định tình hình hiện nay khá triển vọng khi số bệnh nhân COVID-19 cần điều trị tích cực tại Pháp ngày 9/5 đã giảm xuống dưới mức 5.000 ca, lần đầu tiên kể từ cuối tháng 3.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 10/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 17.869 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 71.310 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 5 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Malaysia.

Dù Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất ASEAN, song tình hình dịch bệnh tại "quốc gia vạn đảo” đã bớt căng thẳng hơn so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao. Trong 1 ngày qua, Indonesia có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ hai.

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong vẫn xấp xỉ 100 trường hợp.

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 16 ca mắc COVID-19 và không có ca tử vong.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. "Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 10/5 ghi nhận thêm 1.630 ca bệnh mới và có 22 ca tử vong.

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 506 bệnh nhân mới trong ngày 10/5. "Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 71.312 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 341 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.589.219 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.271.137 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/11 nước ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Ngày 10/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 10/9 cho biết biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Ấn Độ, hay còn gọi là B.1.617, đã được phân loại ở mức "biến thể đáng quan ngại" cấp độ toàn cầu.

Trả lời phóng viên, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết biến thể B.1.617 dường như lây lan nhanh hơn và có thể có khả năng kháng những phương pháp bảo vệ từ các loại vaccine.

Bà Van Kerkhove cho biết: "Vào thời điểm hiện tại, chúng tôi đang phân loại đây là biến thể gây quan ngại ở cấp độ toàn cầu".

Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Việt Nam trao tặng 500.000 USD và vật tư, thiết bị y tế hỗ trợ Lào ứng phó dịch Covid-19

Sáng 4-5, tại sân bay quốc tế Wattay, thủ đô Vientiane, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã diễn ra Lễ trao tặng quà của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hỗ trợ Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào ứng phó dịch Covid-19. 

Ấn Độ vẫn là tâm điểm dịch của thế giới

Theo số liệu trang Worldometers.info, tính đến 8 giờ 45 phút ngày 4-5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 154,17 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 132,29 triệu ca đã hồi phục và 3.226.726 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận hơn 668 nghìn ca nhiễm Covid-19, số ca tử vong ở mức hơn 10.400 ca.

Báo Đức nêu bật thành công kinh tế và sức hút nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam

Trang tin Tài chính (Finanzen.net) của Đức vừa đăng bài viết đánh giá cao những thành tựu về phát triển kinh tế của Việt Nam bất chấp đại dịch COVID-19, đồng thời lý giải nguyên nhân tại sao Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và du khách nước ngoài.

Thế giới ghi nhận 152,9 triệu ca mắc, 3,2 triệu ca tử vong do COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 2/5 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 152.983.132 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và 3.209.156 ca tử vong.

Malaysia ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể từ Ấn Độ

Ngày 2/5, Bộ trưởng Y tế Malaysia Adham Baba cho biết nước này đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Ấn Độ.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Lào tăng trở lại mức 3 con số

Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, Bộ Y tế Lào chiều 2/5 cho biết trong 24h qua, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đã tăng trở lại mức 3 con số với 112 ca tại 6 trên 18 tỉnh/thành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục