Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm gần 13.000 ca tử vong, trong đó riêng Ấn Độ là 4.525 ca, mức cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát.


Hỏa táng thi thể bệnh nhân COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ ngày 12/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 19/5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 164.862.693 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.417.115 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 590.543 và 12.970 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 144.905.812 người, 16.534.712 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 100.881 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (267.174 ca), Brazil (71.730 ca) và Argentina (35.543 ca); Ấn Độ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 4.525 ca), tiếp theo là Brazil (2.188 ca) và Argentina (744 ca)

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 33.772.560 triệu người, trong đó có 601.279 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 25.495.144  ca nhiễm, bao gồm 283.276 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 15.732.836 ca bệnh và 439.050 ca tử vong.


Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tehran, Iran, ngày 17/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Ấn Độ lại kỷ lục ca tử vong mới, trên 4.500 người/24 giờ

Trong 24 giờ qua, ca tử vong mới tại Ấn Độ lại vọt lên mức mới 4.525 ca, con số cao nhất từ trước tới nay. Tuy vậy, số ca nhiễm mới tại nước này lại đang giảm đáng kể, xuống quanh mức 260.000 ca so với mức trên 400.000 ca vào đầu tháng 5.

Liên quan đến hoạt động xuất khẩu vaccine, Viện Huyết thanh Ấn Độ cho biết họ hy vọng có thể bắt đầu chuyển giao vaccine COVID-19 cho sáng kiến COVAX và các quốc gia khác từ cuối năm nay, và sẽ tiếp tục ưu tiên trong nước.

Cách đây 1 tháng, sau khi tặng hoặc bán hơn 66 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu vaccine trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đối mặt với số ca nhiễm mới theo ngày tăng ở mức cao nhất thế giới. Người phát ngôn của Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII) - cơ quan sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, cũng cho biết hiện đang tập trung vào cung cấp vaccine cho thị trường Ấn Độ. Trước đó, SII dự kiến sẽ xuất khẩu trở lại vào tháng 6 tới. 


Người dân chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Patna, Ấn Độ ngày 12/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Động thái trên đẩy nhiều quốc gia trong đó có Bangladesh, Nepal, Sri Lanka và nhiều nước ở châu Phi phải đi tìm nguồn cung cấp vaccine khác thay thế. Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồng bảo trợ sáng kiến COVAX, ngày 17/5 đã kêu gọi các nhà sản xuất vaccine ngoài Ấn Độ tăng cường cung vaccine cho chương trình phân phối vaccine này. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng đề nghị các nước trong Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cung cấp vaccine cho COVAX như một biện pháp khẩn cấp để giải quyết tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung do việc gián đoạn xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 của Ấn Độ.

Mỹ vượt 600.000 ca tử vong; 60% người lớn đã tiêm vaccine

Trên 158 triệu người Mỹ đã nhận ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19, theo dữ liệu công bố ngày 18.5 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). Con số này tương đương khoảng 60% người trưởng thành. Trong khi đó, gần 48% người trưởng thành Mỹ đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine. Tính chung, trên 275,5 triệu liều vaccine đã được tiêm.

Một số tiểu bang đã đạt mục tiêu tiêm chủng của Tổng thống Biden, là cho ít nhất 70% người lớn với ít nhất 1 liều trước ngày 4/7 như Connecticut, Hawaii, Maine, Massachusetts, New Hampshire, New Jersey và Vermont — và 18 bang khác đã tiêm đầy đủ cho ít nhất một nửa cư dân trưởng thành. 

Theo số liệu chính thức do các cơ quan y tế quốc gia cung cấp, tính đến ngày 18/5, ít nhất 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm cho người dân tại Liên minh châu Âu (EU). Cột mốc quan trọng này chứng tỏ EU sẽ có thể đạt mục tiêu tiêm đủ vaccine cho 70% người trưởng thành, tức là khoảng 255 triệu người trên tổng số 448 triệu dân, vào cuối tháng 7 tới. Ít nhất 52,9 triệu người đã được tiêm đủ vaccine, trong đó đủ 2 liều vaccine của các hãng BioNTech/Pfizer, Moderna và AstraZeneca và hay loại 1 liều duy nhất của hãng Johnson & Johnson. Con số này tương đương 11,8 % dân số EU.

Malta đứng đầu bảng xếp hạng của EU với 32,5% dân số đã được tiêm phòng đầy đủ, trong khi Bulgaria đứng cuối bảng với chỉ 6,1%. Trong số các nước lớn, Đức đã tiêm đầy đủ vaccine cho 11,1% dân số, Pháp là 13,5%, Italy là 14,6% và Tây Ban Nha là 15,4%.

Tính trên toàn cầu, các nước đã tiêm 1,5 tỷ liều vaccine. Israel đã tiêm phòng đủ hai liều vaccine cho 59% dân số, con số này ở Mỹ là 35% và ở Anh là 30%.

Đức bỏ ưu tiên tiêm vaccine COVID từ đầu tháng 6

Từ ngày 7/6 tới, Đức sẽ bỏ danh sách ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 và sẽ bắt đầu tiêm cho tất cả những người trưởng thành tại nước này. Với quyết định mới trên, tất cả những người trên 16 tuổi đều có thể đăng ký tiêm ở Đức, thay vì việc ưu tiên tiêm chủng theo lứa tuổi, nghề nghiệp và điều kiện sức khỏe. Hiện Đức đang triển khai tiêm chủng cho nhóm ưu tiên thứ ba, bao gồm những người trên 60 tuổi, những người có vấn đề về sức khỏe hoặc làm việc trong các lĩnh vực tiếp xúc thường xuyên với khách hàng như ở các siêu thị, các luật sư hoặc lái xe buýt.

Cho tới nay, Đức đã tiêm được ít nhất 1 mũi cho 37% số người trưởng thành, trong khi trên 11% trong tổng số trên 83 triệu dân ở Đức đã được tiêm đầy đủ. Hiện nhiều bang ở Đức, trong đó có Berlin, Baden-Württemberg và Bayern, đã đi trước khi dỡ bỏ việc ưu tiên tiêm chủng bắt đầu từ đầu tuần qua. Tuy nhiên, việc đăng ký lịch tiêm chủng luôn quá tải và không dễ dàng có thể đặt được lịch tiêm dù việc ưu tiên tiêm chủng đã được dỡ bỏ.

Áo- quốc gia châu Âu thứ ba ngừng tiêm vaccine AstraZeneca

Trong một diễn biến khác, Áo đã trở thành quốc gia châu Âu thứ ba thông báo ngừng sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng đại trà vì các vấn đề về phân phối. Trước đó, Na Uy và Đan Mạch đã đưa ra quyết định tương tự sau khi ghi nhận một số ca xuất hiện tình trạng huyết khối sau tiêm.

Bộ trưởng Y tế Wolfgang Mueckstein cho biết Áo có thể tiếp tục tiêm mũi thứ nhất bằng vaccine của hãng AstraZeneca đến đầu tháng 6 và sau đó sẽ không có vaccine. Theo Bộ trưởng Mueckstein, những người đã được tiêm mũi thứ nhất của AstraZeneca sẽ được tiêm nốt mũi thứ hai, nhưng các nhà chức trách sẽ quyết định loại vaccine thay thế trong trường hợp tiêm nhắc lại. Đến nay, 1/3 người dân Áo đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.

Ủy ban châu Âu (EC) đang kiện tập đoàn AstraZeneca vì không giao hàng triệu liều vaccine theo đúng hợp đồng.

Nhật Bản siết chặt nhập cảnh với các nước Nam Á

Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ áp đặt các quy định nghiêm ngặt hơn về biên giới đối với những người đến từ Bangladesh, Maldives và Sri Lanka để ngăn chặn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 dễ lây nhiễm hơn được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ xâm nhập quốc gia Đông Bắc Á này. Các bước siết chặt hơn nêu trên sẽ có hiệu lực từ ngày 20/5, theo đó Nhật Bản sẽ cấm nhập cảnh những người nước ngoài được cấp quy chế cư dân ở nước này đã đến Bangladesh và Maldives "trong thời gian này", trừ khi họ được chấp thuận trong những trường hợp đặc biệt. Công dân Nhật Bản đi du lịch từ ba quốc gia trên và người nước ngoài được hưởng quy chế cư dân tại Nhật Bản đến từ Sri Lanka sẽ phải lưu lại một cơ sở được chỉ định sau khi nhập cảnh quốc gia Đông Bắc Á này trong 6 ngày và tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 3 và ngày cuối cùng trong thời gian đó.

Hàn Quốc đối mặt nhiều biến thể mới lây lan

Hàn Quốc mới đây ghi nhận thêm 247 ca mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 nâng tổng số ca nhiễm biến thể mới tại quốc gia này lên tới hơn 1.000 người. Sự xuất hiện của nhiều biến thể mới lây lan nhanh càng làm gia tăng lo ngại rằng cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 tại quốc gia này sẽ gian nan hơn.

Các ca mắc nói trên được phát hiện từ ngày 9-15/5, gồm 195 ca lây nhiễm trong nước và 52 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca nhiễm biến thể mới tại Hàn Quốc lên là 1.113 ca. Phân loại theo biến thể, có 199 ca nhiễm biến thể có nguồn gốc từ Anh, 29 ca mắc biến thể của Ấn Độ, 18 ca mắc biến thể từ Nam Phi và 1 ca mắc biến thể ở Brazil. 

Trước bối cảnh số ca nhiễm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gia tăng, Hàn Quốc đã tăng cường các biện pháp ngăn ngừa lây lan trong cộng đồng, đặc biệt siết chặt kiểm dịch đối với những người đến từ Ấn Độ, nơi dịch bệnh đang diễn biến nghiêm trọng. Theo đó, tất cả những người đến từ Ấn Độ phải cách ly 14 ngày, trong đó có ít nhất 7 ngày cách ly tại các cơ sở được nhà nước chỉ định, ngay cả khi có kết quả xét nghiệm âm tính với virus. Trong 2 tuần cách ly, những người này sẽ được xét nghiệm 3 lần thay vì 2 lần như bình thường. 

Theo quy định hiện hành, tất cả người nước ngoài đến Hàn Quốc đều phải trải qua thời gian cách ly hai tuần, ngoại trừ những người đã được tiêm phòng đầy đủ tại Hàn Quốc và có xét nghiệm âm tính với virus.

Thái Lan: Ca tử vong mới cao kỷ lục

Ngày 18/5, Thái Lan ghi nhận 35 ca tử vong mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nước này. Trong số những ca tử vong mới có bệnh nhân nhỏ tuổi nhất từ trước đến nay, mới 2 tháng tuổi và bị bệnh tim. 

Làn sóng dịch bệnh thứ 3 tại Thái Lan, bùng phát hồi tháng 4 vừa qua, đến nay đã làm số ca nhiễm mới tăng hơn 3 lần, số ca tử vong tăng 6 lần. Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Thái Lan đã tăng lên 649 ca, trong đó hơn 500 ca ghi nhận trong làn sóng thứ 3. 

Tổng số ca bệnh tại Thái Lan cũng tăng lên 113.555 ca, sau khi có thêm 2.473 ca nhiễm mới, trong đó 2.450 ca lây nhiễm trong nước. Trong số những ca lây nhiễm trong nước khoảng 680 ca được phát hiện thông qua xét nghiệm hàng loạt tại các nhà tù. 

Campuchia đạt tiến triển quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh 

Bộ Y tế Campuchia trưa 18/5 ra thông cáo cho biết nước này có thêm 345 ca mắc mới bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua (344 ca lây nhiễm cộng đồng và 1 ca nhập cảnh), trong khi số người hồi phục đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 1.337 người. Số người khỏi bệnh cao hơn nhiều so với ca mắc mới làm tăng hy vọng rằng dịch bệnh sẽ diễn biến theo hướng khả quan hơn tại Campuchia.

Đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 22.889 ca nhiễm, trong đó 14.343 người đã hồi phục và 156 người tử vong. Trả lời trang mạng Fresh News, Phó Đô trưởng Phnom Penh Keut Chhe cho biết kể từ ngày 19/5, Phnom Penh sẽ gần như không còn "Khu vực Đỏ” vì số các ca mắc COVID-19 giảm nhanh tại thủ đô. Một số chợ có thể mở cửa trở lại sau ngày 21/5, nhưng chỉ được bán các mặt hàng cần thiết trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng dịch. Phó Đô trưởng Phnom Penh cũng khẳng định việc phân chia khu vực để ngăn chặn dịch bệnh lây lan tại Phnom Penh đã đạt được thành công lớn trong việc kiểm soát "sự cố cộng đồng ngày 20/2”. 

Tuy nhiên, trong khi dịch bệnh "hạ nhiệt” tại Phnom Penh thì các tỉnh, thành khác tại Campuchia tiếp tục phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mạnh. Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bun Heng ngày 14/5 đã kêu gọi người đứng đầu các địa phương trên cả nước tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.

Singapore điều chỉnh chiến lược tiêm vaccine 

Để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng hướng tới mục tiêu càng nhiều người được tiêm sớm càng tốt, Singapore đã điều chỉnh chiến lược tiêm vaccine ngừa COVID-19, kéo dài thời gian giữa hai mũi tiêm lên 6-8 tuần, tổ chức các đội tiêm chủng lưu động và phê chuẩn việc sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 12-15 tuổi.

Tính tới hết ngày 18/5, khoảng 2 triệu người dân Singapore được tiêm, trong đó 1,4 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi. Singapore quyết định kéo dài khoảng cách tiêm giữa hai mũi từ 3-4 tuần đang áp dụng hiện nay lên 6-8 tuần trong thời gian tới, để gia tăng số người được tiếp cận vaccine. Quyết định này căn cứ vào kết quả nghiên cứu khoa học, thử nghiệm lâm sàng và thực tế triển khai tại một số nước, theo đó mũi tiêm thứ nhất có thể tạo mức độ miễn dịch nhất định và thời gian tiêm giữa hai mũi có thể được nới rộng tới 8 tuần.

Nhờ việc tăng thời gian giữa hai mũi tiêm, bắt đầu từ ngày 19/5, Singapore sẽ mở rộng diện tiêm chủng cho những người từ 40-44 tuổi. Ước tính, điều chỉnh này có thể giúp thêm 400.000 người được tiêm phòng từ nay cho tới cuối tháng 7 tới.

Philippines thêm hàng nghìn ca nhiễm

Cùng ngày 18/5, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này có thêm 4.487 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 1.154.388 ca. Số ca tử vong do COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này cũng tăng lên 19.372 người sau khi có thêm 110 ca tử vong trong 24 giờ qua. 

Đến nay, Philippines đã phân phối được hơn 3 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu người trong năm nay. Tổng thống Rodrigo Duterte đã yêu cầu đưa những người làm việc trong lĩnh vực kinh tế, lực lượng cảnh sát và quân đội vào danh sách đối tượng có thể được tiêm vaccine. Ông cũng nhấn mạnh cần tiêm chủng cho các cộng đồng dân cư nghèo đông đúc tại khu vực đô thị Manila, tâm điểm của dịch bệnh tại Philippines, nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Cảnh sát Manila bắt giữ trên 100 người tại một sân bóng rổ vì vi phạm lệnh giới nghiêm và giao thức y tế phòng dịch. Ảnh: Philstar

Lào yêu cầu mua thêm vaccine và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng 

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến chiều 17/5 bàn về công tác phòng chống COVID-19, Thủ tướng Lào Phankham Viphavan đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan tìm kiếm nguồn cung và mua thêm vaccine để đẩy nhanh chương trình tiêm chủng quốc gia, coi đây là ưu tiên hàng đầu và cần được đẩy mạnh hơn nữa. 

Trong thời gian qua, Chính phủ Lào đã đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, coi đây là cách duy nhất để đẩy lùi được đại dịch, đồng thời cũng nâng mục tiêu tiêm chủng trong năm 2021 lên 50% dân số, thay cho kế hoạch 22% trước đó.

Về tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế Lào chiều 18/5 cho biết nước này ghi nhận 49 ca nhiễm mới, trong đó trừ 15 ca nhập cảnh và được cách ly ngay tại tỉnh Champasak, số còn lại đều là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện Lào ghi nhận tổng cộng 1.687 ca nhiễm, trong đó 686 người đã khỏi bệnh và 2 ca tử vong.

Trong một diễn biến liên quan, Hội người Việt Nam tại thủ đô Viêng Chăn cho biết tính đến chiều 17/5, đã có 18/68 người Việt mắc COVID-19 tại Lào được chữa khỏi bệnh, 49 người hiện đang được điều trị và 1 ca đã tử vong.

Indonesia bắt đầu chương trình tiêm chủng tư nhân

Ngày 18/5, Indonesia đã bắt đầu chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 do doanh nghiệp tài trợ, trong đó các công ty tư nhân có thể mua vaccine và cung cấp cho người lao động cũng như người nhà của họ. 

Chính phủ Indonesia đang tăng cường hoạt động tiêm chủng trên toàn quốc bằng cách bổ sung chương trình tiêm chủng tư nhân, nhằm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng cho đất nước gồm 270 triệu dân này. Tổng thống Joko Widodo hy vọng tới tháng 8 hoặc muộn nhất là vào tháng 9 tới, Indonesia có thể tiêm chủng cho khoảng 70 triệu người dân nước này. 

Tháng trước, vaccine của hãng dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc) đã trở thành loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được cấp phép sử dụng cho chương trình tư nhân. Đến nay, khoảng 1,4 triệu liều vaccine của Sinopharm đã được vận chuyển đến thủ đô Jakarta. Về chương trình tiêm chủng của chính phủ, Indonesia đã phê duyệt vaccine Sinovac Biotech của Trung Quốc cũng như các loại vaccine của Novavax và Pfizer của Mỹ, AstraZeneca của Anh.

Indonesia, bắt đầu chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 từ giữa tháng 1, đến nay đã tiêm phòng cho khoảng 14 triệu người, trong đó 9 triệu người đã được tiêm đủ 2 liều. Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 187 triệu người trong vòng 15 tháng kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng . 

Malaysia: Giới chức y tế ủng hộ phong toả hoàn toàn

Tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Malaysia khi tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm và tử vong mới. Ngày 18/5, Malaysia thông báo 4.865 ca mắc mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 31/1 và cũng là số ca nhiễm mới trong một ngày cao thứ 4 kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này. Trước đó, ngày 17/5, nước này ghi nhận 45 ca tử vong vì COVID-19, mức tăng trong một ngày cao nhất từ trước đến nay.

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới và tử vong theo ngày vẫn ở mức cao, quan chức cấp cao của Bộ Y tế Malaysia, Tiến sỹ Noor Hisham Abdullah đã bày tỏ ủng hộ biện pháp phong tỏa hoàn toàn một lần nữa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tiến sỹ Noor Hisham nhấn mạnh: "Hệ thống chăm sóc sức khỏe đã chạy hết công suất. Cần thiết và phải phong tỏa toàn diện”. 

Bộ trưởng Y tế Malaysia, Tiến sỹ Adham Baba cũng tuyên bố nếu không kiểm soát được tình hình dịch bệnh, nước này sẽ tiến hành phong tỏa toàn diện bang Selangor. 

Hiện Malaysia đang thực hiện Lệnh Hạn chế di chuyển (MCO) lần thứ 3 kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này. MCO 3.0 bắt đầu từ ngày 12/5 và kéo dài tới ngày 7/6.


Theo Báo Tin tức

Các tin khác


COVID-19 tới 6 giờ 15/5: Phát hiện điểm yếu của virus SARS-CoV-2; WHO ra khuyến cáo thận trọng về khẩu trang

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 669.534 trường hợp mắc COVID-19 và 12.087 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 162,5 triệu ca bệnh, trong đó trên 3,37 triệu người không qua khỏi.

Lào ghi nhận số ca mắc COVID-19 thấp nhất trong hơn 20 ngày

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, Bộ Y tế Lào ngày 14/5 ghi nhận nước này có 16 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó 15 ca nhập cảnh và được cách ly ngay.

Số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ vượt 24 triệu ca

Ngày 14/5, tổng số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ đã vượt mốc 24 triệu ca sau khi giới chức y tế ghi nhận 343.144 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Cụ thể, hiện có tổng cộng 24,05 triệu ca mắc COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Biến thể SARS-CoV-2 ở Pháp có thể "né" được xét nghiệm PCR

Các nhà khoa học Pháp cho biết, biến thể B.1616 của virus SARS-CoV-2 có thể trốn tránh các xét nghiệm tiêu chuẩn như PCR và chỉ được phát hiện ở sâu trong phổi.

Ấn Độ ghi nhận trên 4.000 ca tử vong ngày thứ hai liên tiếp

Ngày 13/5, Ấn Độ đã ghi nhận 4.120 ca tử vong vì bệnh COVID-19.

Xung đột Palestine-Israel, phép thử chính sách nhân quyền của Tổng thống Biden

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn nhân quyền luôn ở trung tâm trong chính sách đối ngoại. Xung đột Palestine-Israel là sự kiện để ông Biden chứng minh cam kết này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục