Vaccine ngừa COVID-19 do Công ty công nghệ sinh học Sinovac phát triển được giới thiệu tại Hội chợ Thương mại Dịch vụ quốc tế Trung Quốc (CIFTIS) ở thủ đô Bắc Kinh ngày 6/9/2020.
Báo cáo của Bộ Y tế Uruguay cho biết đối với người đã tiêm đủ 2 liều vaccine, tỷ lệ nhiễm giảm 57% và tỷ lệ phải điều trị tích cực giảm 95%.
Kết quả này được đưa ra sau hai tuần tiêm đủ hai liều vaccine cho khoảng 862.000 người, trong đó hơn 712.000 người tiêm vaccine CoronaVac và gần 150.000 người tiêm vaccine của Pfizer. Kết quả cho thấy vaccine của Pfizer hiệu quả 75% trong việc phòng lây nhiễm, và 99% trong việc giảm số ca phải điều trị tích cực, giảm 80% số ca tử vong.
Uruguay đã bắt đầu chương trình tiêm chủng từ ngày 1/3 và sử dụng vaccineCoronaVac trong hơn 80% số mũi tiêm. Nước này dành vaccine của hãngPfizer/BioNTech để tiêm cho người cao tuổi, nhân viên y tế. Bộ trên cho biết kết quả của hai vaccine không được so sánh trực tiếp vì được tiêm cho các đối tượng khác nhau.
So với các vaccine khác đang được sử dụng, đến nay có rất ít công bố khoa học về mức độ hiệu quả của CoronaVac và các kết quả thông báo có sự khác biệt rất lớn. Tuy nhiên, vaccine này được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc và khoảng hơn 20 quốc gia khác.
Tháng trước, Chile cũng đã thông báo kết quả sơ bộ của chương trình miễn dịch cộng đồng tại nước mình, cho thấy vaccine CoronaVac hiệu quả 67% trong việc ngăn chặn các ca nhiễm có triệu chứng và giảm 80% ca tử vong.Các kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine này ở Brazil cho thấy hiệu quả 50% đối với ca nhiễm có triệu chứng, trong khi dữ liệu của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy mức độ hiệu quả lên tới 80%.
CoronaVac là một loại vaccine kiểu truyền thống, sử dụng virus đã bị vô hiệu để tạo miễn dịch, trong khi vaccine của hãng Pfizer sử dụng công nghệ mRNA.
Trong số 3,5 triệu dân của Uruguay, 45,8% đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và 28,29% được tiêm đủ hai liều tính đến ngày 25/5, khiến nước này đứng thứ 3 ở khu vực châu Mỹ về tỷ lệ miễn dịch cộng đồng, sau Chile và Mỹ. Uruguay chưa bao giờ phải áp dụng phong tỏa trong dịch COVID-19 và ghi nhận rất ít ca nhiễm trong những tháng đầu bùng phát dịch. Tuy nhiên, những tuần gần đây, nước này đang dẫn đầu thế giới về số ca tử vong trên đầu người mỗi ngày.