Sau thập niên 2011-2020 hành động vì đa dạng sinh học, LHQ hướng tới giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu quyết liệt hơn trong tiến trình tái thiết môi trường sống chung của nhân loại. Theo Tổng Thư ký A.Guterres, con người đang tàn phá chính các hệ sinh thái vốn là nền tảng của Trái đất. Sự suy thoái trong môi trường thiên nhiên đang hủy hoại nguồn thực phẩm, nước và tài nguyên cơ bản cho sự tồn tại của con người và mọi sinh vật khác, đe dọa cuộc sống của khoảng 3,2 tỷ người, tương đương 40% số dân thế giới.
Trái đất đang đối mặt cuộc khủng hoảng kép biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học. Theo một báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), thế giới cần giảm gần một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 20C, nhằm tránh những hệ lụy nguy hiểm nhất. Để đạt được mục tiêu này, thế giới cần nỗ lực khôi phục các hệ sinh thái và khả năng hấp thụ carbon (các-bon) của môi trường thiên nhiên. Các nhà nghiên cứu nhận định, phục hồi hệ sinh thái là một trong những biện pháp chống biến đổi khí hậu nhanh, hiệu quả và rẻ nhất, đồng thời có thể cung cấp thêm môi trường sống cho các loài động vật, thực vật đang bị đe dọa. Bằng cách ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các vùng đất và đại dương, chúng ta có thể hạn chế sự mất mát của một triệu loài động vật, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng. Các nhà khoa học cho biết, chỉ cần phục hồi 15% hệ sinh thái ở các khu vực bị đe dọa đã có thể cắt giảm 60% nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động vật, thực vật. Phục hồi, đa dạng hệ sinh thái là chìa khóa cho sự thịnh vượng và môi trường sống bền vững của con người. Hệ sinh thái sống động sẽ bảo đảm các lợi ích từ thực phẩm và nước cho sức khỏe và an ninh mà dân số ngày càng tăng của thế giới cần trong hiện tại và tương lai.
Trong một báo cáo do Ủy ban đa dạng sinh học của LHQ (IPBES) phối hợp Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thực hiện, các nhà khoa học kêu gọi chấm dứt các hoạt động gây mất mát hoặc làm suy thoái các hệ sinh thái giàu carbon và sự đa dạng các loài sinh vật trên đất liền và đại dương; chấm dứt tài trợ các hoạt động gây hại cho thiên nhiên như khai thác rừng, sử dụng liều lượng phân bón và đánh bắt thủy sản quá mức. Hai cơ quan trên cũng cảnh báo, một số biện pháp can thiệp được lên kế hoạch nhằm chống lại tình trạng ấm lên toàn cầu lại có thể tác động xấu đến thiên nhiên, như việc trồng các loại cây nhằm hấp thụ ô nhiễm carbon ở các hệ sinh thái mà các khu rừng chưa từng tồn tại trước đây, bởi điều này có thể gây hại cho đa dạng sinh học tự nhiên.
"Thập niên phục hồi hệ sinh thái” của LHQ hiện đã kêu gọi được hơn 50 dự án và sáng kiến từ khắp các châu lục, như chiến dịch trồng 60.000 cây trên dãy núi Andes (An-đét) ở Mỹ la-tinh, dự án khôi phục hệ sinh thái nước ngọt chung quanh châu thổ sông Tana ở Kenya hay kế hoạch trồng cỏ biển ở các bờ biển của Anh… Theo LHQ, phục hồi các hệ sinh thái, góp phần hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), không chỉ là bảo vệ tài nguyên của hành tinh, mà còn giúp tạo ra hàng triệu việc làm mới vào năm 2030, mang lại hơn 7.000 tỷ USD/năm cho nền kinh tế toàn cầu và giúp xóa đói, giảm nghèo.
Tổng Thư ký LHQ A.Guterres nhấn mạnh, điều may mắn là Trái đất có khả năng phục hồi và vẫn còn thời gian để đảo ngược những thiệt hại mà con người đã gây ra. Người đứng đầu LHQ hối thúc mỗi người cùng đóng góp sức lực để khởi đầu một "thập niên mà chúng ta có thể chung sống hòa bình với thiên nhiên và bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”.
TheoNhanDan