Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi đã may mắn thoát chết. Theo quân đội Iraq, Thủ tướng Kadhimi hiện ở tình trạng sức khỏe tốt và không bị bất kỳ thương tích nào.
Trang Twitter chính thức của Thủ tướng Iraq cũng xác nhận, ông hiện an toàn và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế. Tuy nhiên, vụ tấn công đã khiến sáu nhân viên an ninh trong nhóm vệ sĩ của Thủ tướng Iraq bị thương. Dù chưa có tổ chức hoặc cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm nhưng vụ tấn công "công nghệ cao” nhằm vào người đứng đầu Chính phủ Iraq đã khiến cộng đồng quốc tế "dậy sóng”. Văn phòng Thủ tướng Iraq cực lực lên án "vụ khủng bố hèn nhát” tấn công tư dinh của Thủ tướng Kadhimi, coi đây là hành động nghiêm trọng nhằm vào Nhà nước Iraq.
Cộng đồng quốc tế bày tỏ "sự phẫn nộ” đối với vụ ám sát liều lĩnh trên. Chính phủ Mỹ đã lên án vụ tấn công nhằm vào Thủ tướng Iraq và gọi đây "hành động khủng bố rõ ràng”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho rằng, đây là hành động khủng bố nhằm vào "đầu não” của Nhà nước Iraq, đồng thời bày tỏ "yên tâm” khi ông Kadhimi không gặp nguy hiểm đến tính mạng. Washington cũng đang liên lạc chặt chẽ với các lực lượng an ninh Iraq và đề nghị hỗ trợ trong quá trình điều tra vụ tấn công. Iran và Pakistan cũng đã lên tiếng phản đối gay gắt về vụ tấn công khủng bố nhằm vào lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Iraq, đồng thời ủng hộ Baghdad điều tra cho "hai năm rõ mười”.
Saudi Arabia (A-rập Xê-út) coi đây là "hành động khủng bố hèn nhát”. Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi đã điện đàm với Thủ tướng Kadhimi, bày tỏ mong muốn người dân Iraq được sống trong môi trường hòa bình, ổn định và an ninh.
Khi người dân Iraq đang dần trở lại nhịp sống bình thường, hợp tác giữa Baghdad với các nước trong khu vực đang tiến triển thuận lợi, thì vụ ám sát Thủ tướng Kadhimi có nguy cơ phá vỡ sự ổn định của Iraq, đẩy khu vực Trung Đông vào "vực sâu bất ổn”.