Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Moskva, Nga, ngày 13/11/2021.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 18/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 255.636.527 ca, trong đó có 5.137.264 người tử vong. Nhiều nước đang theo đuổi chính sách "sống chung với COVID-19" trong trạng thái bình thường mới. Song nguy cơ dịch tái bùng phát vẫn đang đe dọa một số nước.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch "nóng nhất” nằm ở châu Á và Đông Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này và đây hiện là tâm dịch mới của thế giới.
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Anh, Nga, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 89.000 ca), trong khi số ca tử vong mới cao nhất thế giới xảy ra tại Nga (trên 1.200 ca).
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 230 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 19 triệu ca và trên 78.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 17/11, thế giới có 121 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 97 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ "zero COVID-19” sang "sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới đang làm chậm quá trình "bình thường mới” ở một số nước.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với hơn 787.500 ca tử vong trong tổng số trên 48 triệu ca mắc. Tiếp đó là Ấn Độ với hơn 463.600 ca tử vong trong số 34,44 triệu ca mắc. Brazil đứng thứ 3 với 611.850 ca tử vong trong số 21,97 triệu ca mắc.
Trung Quốc đã yêu cầu các địa điểm văn hóa và giải trí siết chặt các biện pháp phòng dịch COVID-19 và chỉ được phép phục vụ 75% công suất. Từ ngày 17/11, người từ tỉnh ngoài đến Bắc Kinh sẽ phải thực hiện các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt hơn, theo đó những người đến thủ đô phải có kết quả xét nghiệm acid nucleic âm tính trong vòng 48 giờ trước khi đến và phải có mã y tế xanh.
Tại Nhật Bản, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội ngày 17/11 cho biết chương trình tiêm phòng có thể sẽ mở rộng cho đối tượng trẻ em dưới 12 tuổi sớm nhất là từ tháng 2/2022. Bộ đã chỉ đạo các thành phố trên cả nước chuẩn bị cho chương trình tiêm phòng cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Chương trình tiêm phòng sẽ bắt đầu nếu được chính phủ trung ương cho phép. Hiện một ủy ban của Bộ Y tế đang thảo luận thời điểm tiến hành tiêm cho độ tuổi này.
New Zealand thông báo hơn 3,4 triệu người dân nước này đã hoàn thành tiêm phòng sẽ được cấp chứng nhận thông hành vaccine (My Vaccine Pass) từ ngày 17/11. Chứng nhận do Bộ Y tế cấp, nhằm chính thức ghi nhận quy chế tiêm phòng COVID-19 và sẽ cho phép người sở hữu đến nhiều địa điểm trong nước yêu cầu chứng nhận này.
My Vaccine Pass có chứa một mã QR, có thể được tải xuống máy điện thoại di động hoặc được in ra mang theo. Với chứng nhận này, mọi người sẽ có thể đi nghe nhạc, tham gia các lễ hội, đến quán rượu và nhà hàng vào ban đêm, hay tham gia các sự kiện thể thao và đến các phòng tập.
Tại châu Âu, Nga ghi nhận 1.247 ca tử vong vì COVID-19 trong một ngày, mức cao nhất từ trước đến nay, chỉ chưa đầy 1 tuần sau khi phần lớn các khu vực kết thúc tuần nghỉ làm việc để hạn chế dịch bệnh lây lan. Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 cũng tăng lên 9.182.538 ca sau khi ghi nhận 36.626 ca mới. Moskva vẫn là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 2.966 ca mới, nâng tổng số ca mắc lên 1.904.523 ca.
Hungary ghi nhận 10.265 ca mới, mức cao nhất kể từ cuối tháng 3 và gần với mốc kỷ lục 11.265 ca trong làn sóng dịch thứ 3. Số ca tử vong vì COVID-19 ở quốc gia này là 32.514 ca kể từ đầu dịch. Hungary hầu như không có bất kỳ hạn chế phòng dịch nào trong khi tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 thấp hơn mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU).
Chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban kêu gọi người dân tích cực tiêm phòng, đồng thời thông báo tiêm vaccine bắt buộc đối với các cơ quan nhà nước, cũng như cho phép các công ty tư nhân bắt buộc người lao động phải tiêm vaccine.
Chính phủ Hungary cho biết đang theo dõi diễn biến dịch và nếu cần thiết sẽ áp dụng các biện pháp tiếp theo. Hungary có 10 triệu dân, trong đó 5,78 triệu dân đã tiêm đủ liều vaccine và hơn 1,65 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường.
Chính phủ Ireland yêu cầu người dân làm việc từ xa, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 và phải nhập viện điều trị đang tăng đột biến trên toàn quốc. Thủ tướng Micheal Martin nhấn mạnh ngày càng thấy rõ Ireland đang trải qua một đợt bùng phát mới của dịch COVID-19, do đó "cần có hành động ứng phó ngay lập tức". Ireland đang triển khai chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường cho những người trong độ tuổi 50-60.
Ireland hiện là một trong số những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trên thế giới, với khoảng 90% người từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm phòng đầy đủ. Ireland mới chỉ mở cửa trở lại hoàn toàn vào ngày 22/10 vừa qua, sau 18 tháng phong tỏa để kiềm chế chuỗi lây lan của dịch bệnh.
Tính đến nay, quốc gia có dân số khoảng 5 triệu người này đã ghi nhận hơn 5.500 ca tử vong do COVID-19.
Tình hình dịch COVID-19 ở Bỉ đang ở mức báo động khi số bệnh nhân điều trị tại các phòng hồi sức cấp cứu ngày càng tăng, hiện đã vượt ngưỡng báo động 500 ca, lên mức 557 ca, trong khi số ca nhiễm mới đã vượt qua con số 10.000/ngày.
Trước nguy cơ thiếu nhân lực và phòng hồi sức cấp cứu phục vụ các bệnh nhân nặng, Chính phủ Bỉ đã phải huy động quân đội hỗ trợ các cơ sở y tế. Cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Tham vấn về COVID-19 của Bỉ, dự kiến diễn ra vào 19/11, đã được đẩy lên ngày 17/11.
Tính đến ngày 15/11, hơn 8,62 triệu người được tiêm chủng đầy đủ, chiếm 87% dân số trưởng thành ở Bỉ, và 75% tổng dân số. Hơn 892.000 người đã được tiêm mũi vaccine tăng cường, bao gồm những người thuộc một số nhóm dễ bị tổn thương và nhân viên y tế, để duy trì khả năng bảo vệ trước nguy cơ lây nhiễm. Việc tiêm đại trà mũi vaccine tăng cường dự kiến sẽ được triển khai vào năm tới.
Tại Mỹ, giới chức thành phố New York ngày 16/11 cho biết sẽ tổ chức lễ đón Giao thừa, chào đón Năm mới 2022 với quy mô hoành tráng tại Quảng trường Thời đại như các năm trước khi bùng phát đại dịch.
Nhà chức trách thành phố New York nêu rõ những người có mặt tại sự kiện trên, bao gồm cả trẻ em từ 5 tuổi trở lên, đều phải có chứng nhận tiêm chủng đầy đủ. Những người không thể tiêm chủng vì lý do bệnh lý cần có chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ, đồng thời phải đeo khẩu trang.
Kể từ tuần tới, cư dân tại thủ đô Washington của Mỹ sẽ không còn phải đeo khẩu trang trong không gian khép kín, ngoại trừ tại một số địa điểm như trường học, hoặc trên các phương tiện giao thông công cộng. Quyết định trên được chính quyền thủ đô của nước Mỹ đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 tại thành phố này đã tạm lắng. Tuy nhiên, quy định này vẫn tiếp tục được áp dụng khi người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hoặc tới các địa điểm như thư viện, cơ sở dưỡng lão, nhà tù và một số văn phòng chính quyền thành phố.
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 17/11, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 26.350 ca mắc COVID-19 và 532 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch hiện là trên 13.600.000 ca, trong đó trên 285.900 người tử vong.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á sau vài tuần hạ nhiệt hiện đang có xu thế đi ngang trong mấy ngày qua. Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Tình hình Thái Lan và Philippines vẫn khá căng thẳng so với các nước khác. Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tại một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Malaysia, Myanmar và Việt Nam.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt.
Diễn biến dịch khá nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, khi số ca tử vong vẫn cao. Ngày 17/11, Philippines ghi nhận số ca tử vong là 309 trường hợp, cao nhất châu Á.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ ghi nhận 843 ca bệnh và 12 ca tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày qua có xu thế hạ nhiệt.
Trong khi đó, Thái Lan vẫn là điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. "Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 17/11 ghi nhận thêm trên 6.000 ca bệnh mới và 45 người tử vong.
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 51 bệnh nhân mới và 5 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, "Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội. Trong bối cảnh dịch giảm, nhà chức trách Campuchia đã mở cửa lại đất nước.
Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, tất cả các nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Liên quan tới vaccine COVID-19, theo số liệu tính đến ngày 17/11, cơ chế chia sẻ công bằng vaccine toàn cầu (COVAX) hiện đã phân phối được hơn 500 triệu liều vaccine trên toàn thế giới.
Tổng giám đốc Liên minh vaccine toàn cầu (GAVI) Seth Berkley chia sẻ trên trang Twitter như sau: "Nhờ những nỗ lực và sự tận tụy đáng kinh ngạc của các đối tác và nhân viên y tế, COVAX đã phân phối 500 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tới 144 quốc gia và vùng lãnh thổ”. Theo kỳ vọng ban đầu, COVAX - cơ chế do GAVI và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thúc đẩy, đến hết năm 2021 sẽ phân phối 2 tỷ liều vaccine.
Theo ông Berley, 92 nước và vùng lãnh thổ nghèo nhất đã được tiếp cận vaccine miễn phí, nhờ các nhà tài trợ đã chi trả toàn bộ chi phí. Ông cho biết hiện COVAX đang đẩy nhanh việc phân phối để các nước có thể nhận được lượng vaccine nhiều nhất phù hợp với năng lực tiêm phòng.
Ông nói: "Khi các nhà tài trợ và các nhà sản xuất xác nhận được thời điểm bàn giao vaccine, các nước có thể lên kế hoạch tiêm chủng đại trà. Đó là cách duy nhất chúng ta có thể làm để thu hẹp khoảng cách nguy hiểm về vaccine giữa các nước hiện nay”.
Hiện tại hơn 7,5 tỷ liều vaccine các loại đã được sử dụng trên khắp thế giới, trong đó ở các nước thu nhập cao tỷ lệ vaccine trên 100 người dân là 143 liều, trong khi con số này ở các nước thu nhập thấp là chưa đến 7 liều/100 người.
Theo thống kê được GAVI công bố ngày 16/11, những nước nghèo nhất thế giới là Chad, Cộng hòa Dân chủ Congo, Congo, Haiti, Nam Sudan và Yemen vẫn chưa có đủ vaccine cho 2% dân số của mình.