Chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX vừa đạt cột mốc quan trọng, với 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 đã được cơ chế này phân phối đến 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Các liều vaccine AstraZeneca được cung cấp bởi chương trình COVAX tại Bệnh viện Đa khoa Eka Kotebe ở Addis Ababa, Ethiopia, ngày 13/3/2021. (Ảnh: REUTERS)
Thông tin trên được Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), 1 trong những tổ chức sáng lập và quản lý cơ chế COVAX, công bố ngày 15/1.
Nguồn cung vaccine phòng Covid-19 cho các quốc gia nghèo hơn rất hạn chế bởi tình trạng thiếu hụt vaccine, do các quốc gia giàu có hơn đã đặt hàng trước hầu hết các liều vaccine có sẵn ban đầu kể từ tháng 12/2020.
Nhưng trong quý vừa qua, các lô hàng cung cấp vaccine đã tăng theo cấp số nhân, cho phép COVAX đạt mốc 1 tỷ liều phân phối đến 144 quốc gia và vùng lãnh thổ.
COVAX là cơ chế do Tổ chức Y tế thế giới (WHO), GAVI, UNICEF, Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), các nhà sản xuất vaccine và đối tác lập ra vào năm 2020, với mục tiêu bảo đảm các quốc gia đều được tiếp cận vaccine 1 cách công bằng và hiệu quả.
Đặt mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021, nhưng tiến độ của chương trình đã bị chậm lại do việc tích trữ ban đầu của các quốc gia giàu có hơn, các quy định hạn chế xuất khẩu và những thay đổi thường xuyên trong tổ chức của COVAX.
Chương trình bắt đầu phân phối các liều vaccine từ tháng 2/2021. Khoảng 1/3 lượng vaccine của COVAX được các quốc gia giàu có quyên góp, dù kế hoạch ban đầu của cơ chế này là chỉ cung cấp các mũi tiêm do chương trình mua trực tiếp từ ngân sách hơn 10 tỷ USD do các nhà tài trợ quyên góp.
Việc thay đổi chiến lược này đã dẫn đến sự chậm trễ trong phân phối, vì các nhà tài trợ thường yêu cầu gửi vaccine đến các quốc gia do họ lựa chọn.
Bất chấp sự gia tăng đột biến số lượng vaccine được phân phối gần đây, sự bất bình đẳng về vaccine vẫn ở mức cao. Dữ liệu mới nhất từ WHO cho thấy 67% dân số ở các quốc gia giàu có đã được tiêm chủng đầy đủ, so với chỉ 5% ở các quốc gia nghèo hơn. Hơn 40% dân số thế giới vẫn chưa được tiêm liều đầu tiên.
Hiện GAVI đang xúc tiến tìm kiếm thêm tài trợ để đạt được mục tiêu của WHO là tiêm chủng cho 70% dân số ở các quốc gia nghèo hơn vào tháng 7/2022.
Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 trên toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp. Theo trang thống kê worldometers.info, trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 2.333.295 ca mắc và 5.578 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh và tử vong toàn cầu lên lần lượt 326.566.994 ca mắc và 5.553.236 người không qua khỏi vì dịch bệnh. Số ca hồi phục là 266.383.025 ca, trong khi vẫn còn 54.630.733 ca bệnh đang điều trị.
Đồ họa: TRUNG HƯNG
Châu Âu vẫn là tâm dịch của thế giới với gần 1 triệu ca mắc mới được ghi nhận trong ngày, cao gần gấp đôi khu vực xếp thứ hai là châu Á với 553.105 ca. Tiếp theo là Bắc Mỹ với thêm 472.489 ca bệnh được ghi nhận, trong đó riêng Mỹ đã có tới 382.619 ca mắc mới 24 giờ qua.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch với 66.642.761 ca mắc và 873.118 ca tử vong. Hiện nước này đang phải đối phó với làn sóng lây nhiễm mới do sự lây lan của biến thể Omicron, buộc nhiều công ty lớn phải tăng cường các quy định phòng dịch, yêu cầu nhân viên phải tiêm ngừa Covid-19 và hoãn kế hoạch mở cửa trở lại các văn phòng làm việc.
Đồ họa: TRUNG HƯNG
Theo đó, công ty mẹ của Facebook là Meta Platforms trong tuần này đã yêu cầu tiêm liều tăng cường cho tất cả nhân viên trước khi quay trở lại làm việc. Meta cũng trì hoãn việc mở lại văn phòng tại Mỹ cho đến ngày 28/3, thay vì kế hoạch trước đó là ngày 31/1.
Google cũng yêu cầu bắt buộc xét nghiệm Covid-19 hằng tuần đối với nhân viên tại trụ sở ở Mỹ, trong khi Amazon sẽ cung cấp khoản hỗ trợ 40 USD cho các nhân viên tiêm liều tăng cường.
Cũng tại Bắc Mỹ, ngày thứ hai liên tiếp, Mexico ghi nhận mức kỷ lục số ca mắc mới Covid-19, với thêm 47.113 ca được phát hiện trên cả nước, nâng tổng số ca bệnh của nước này lên 4.349.182 ca.
Kỷ lục trước đó được ghi nhận vào hôm thứ sáu, khi có 44.293 ca nhiễm mới được phát hiện.
Mexico cũng báo cáo thêm 227 ca tử vong do Covid-19 vào thứ bảy, nâng số người tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát lên 301.334 ca.
Để ứng phó với tình trạng lây nhiễm tăng cao, Anh sẽ mở rộng chương trình tiêm chủng liều vaccine tăng cường ngừa Covid-19 cho trẻ 16 và 17 tuổi kể từ thứ hai tuần tới.
Tiêm vaccine Pfizer BioNTech tại trung tâm tiêm chủng cho thanh niên và học sinh tại Trung tâm Y tế Phố Hunter, London, Anh, ngày 5/6/2021. (Ảnh: REUTERS)
Cho đến nay, mũi tiêm nhắc lại tại Anh chỉ được chỉ định cho độ tuổi này ở các trường hợp có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao.
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết, cứ mỗi 5 người trưởng thành ở Anh thì đã có hơn 4 người được tiêm liều tăng cường, giúp bảo vệ khỏi diễn tiến bệnh nặng.
Ông Javid xác nhận, giới chức y tế nước này hiện đang mở rộng chương trình tiêm chủng liều tăng cường để bao phủ cả trẻ em từ 16 đến 17 tuổi, nhằm tăng khả năng miễn dịch cho nhóm tuổi này trong mùa đông.
Kể từ khi chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 được triển khai cho nhóm tuổi này vào tháng 8/2021, hơn 889.700 thanh thiếu niên (tương đương khoảng 7 trong số mỗi 10 người 16 và 17 tuổi) đã được tiêm liều đầu tiên và hơn 600 nghìn người đã hoàn thành tiêm chủng 2 liều cơ bản.
Trong 24 giờ qua, Anh ghi nhận 81.713 ca nhiễm Covid-19 mới, đưa số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua giảm gần 33% so tuần trước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca nhiễm tăng kỷ lục trong những tuần gần đây, tổng số ca tử vong trong 7 ngày qua lại tăng 45% so tuần trước, với thêm 287 người không qua khỏi được báo cáo trong ngày, nâng tổng số ca tử vong tại Anh lên 151.899 ca trên tổng cộng hơn 15,1 triệu ca bệnh.
Tại châu Á, dịch bệnh cũng đang diễn biến căng thẳng. Ấn Độ đã báo cáo gần 269 nghìn ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, cao thứ ba thế giới sau Mỹ và Pháp, nâng tổng số ca bệnh lên 36,84 triệu ca. Số tử vong do Covid-19 tăng lên 485,752 ca sau khi có thêm 402 người không qua khỏi được báo cáo trong ngày.
Trước tình trạng lây nhiễm tăng cao, Ủy ban bầu cử Ấn Độ đã gia hạn lệnh cấm tổ chức các sự kiện chính trị ở nơi công cộng ngoài trời tại 5 bang Uttar Pradesh, Punjab, Uttarakhand, Goa và Manipur cho đến ngày 22/1, ngoại trừ các sự kiện trong nhà quy mô dưới 300 người hoặc ở mức 50% sức chứa của địa điểm tổ chức.
Iran cùng ngày báo cáo 3 trường hợp tử vong đầu tiên liên quan đến biến thể mới Omicron.
Đo thân nhiệt của người đến cầu nguyện tại Tehran, Iran, ngày 22/10/2021. (Ảnh: WANA/REUTERS)
Theo Bộ Y tế Iran, 3 ca tử vong được ghi nhận tại 3 thành phố Tabriz, Yazd và Shahrekord, trong khi 1 bệnh nhân khác chuyển nặng phải nhập viện ở Ahvaz. Hiện số ca Covid-19 nhiễm Omicron trên cả nước đã lên tới 1.162 ca.
Iran trong tuần này đã dỡ bỏ các hạn chế đi lại đối với các nước láng giềng và một số quốc gia châu Âu, nhưng vẫn duy trì lệnh cấm nhập cảnh với hành khách từ Anh, Pháp và 8 quốc gia ở nam châu Phi do lo ngại về Omicron.
Iran ghi nhận 132.044 ca tử vong trong 5 đợt lây nhiễm kể từ tháng 2/2020. Số người tử vong đã giảm trong những tháng gần đây, với 18 ca không qua khỏi được báo cáo hôm thứ bảy, mức thấp nhất trong 22 tháng qua.
Hơn 53 triệu người Iran đã được tiêm 2 liều vaccine ngừa Covid-19, trong khi khoảng 12,2 triệu người được tiêm liều tăng cường thứ ba.
Bộ trưởng Tài chính Israel Avigdor Lieberman ngày 15/1 đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 và sẽ phải tự cách ly tại nhà, song ông vẫn tiếp tục làm việc từ xa.
Ông Lieberman thông báo, bản thân cảm thấy khỏe và sẽ phải tự cách ly để theo dõi trong vài ngày tới. Bộ trưởng Tài chính 63 tuổi là quan chức mới nhất trong Chính phủ Israel mắc Covid-19. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Yair Lapid cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ngày 10/1.
Ông Lieberman đã tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 thứ tư ngày 10/1. Israel bắt đầu triển khai đợt tiêm mũi tăng cường thứ hai cho những người bị suy giảm miễn dịch vào cuối tháng 12 năm ngoái, trước khi mở rộng cho những người trên 60 tuổi và nhân viên y tế vào tháng này.
Bộ Y tế Israel cho hay, liều vaccine thứ ba tăng hiệu quả bảo vệ sau 7 ngày tiêm, nhưng hiện chưa có thông tin về hiệu quả của liều thứ tư.
Israel đến nay đã ghi nhận khoảng 1,7 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 8.000 ca tử vong kể từ đầu đại dịch.
Ở Đông Nam Á, Bộ Y tế Philippines ngày 15/1 xác nhận, biến thể Omicron đã lây nhiễm ra cộng đồng quanh khu vực vùng thủ đô Manila gồm 16 thành phố với hơn 13 triệu người, trong bối cảnh số ca nhiễm mới đạt mức cao kỷ lục trong ngày thứ ba liên tiếp.
Tiêm liều vaccine tăng cường phòng Covid-19 ở Manila, Philippines, ngày 14/1/2022. (Ảnh: REUTERS)
Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết thêm, lây truyền trong cộng đồng của biến thể Omicron được đặc trưng bởi sự gia tăng mạnh về số ca nhiễm. Theo quan chức này, các ca nhiễm tại Philippines có thể đạt mức đỉnh trong khoảng thời gian từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2.
Philippines ghi nhận hơn 39 nghìn ca nhiễm Covid-19 mới trong 24 giờ qua, trong khi số ca bệnh đang điều trị cũng ở mức cao kỷ lục là 280.813 ca.
Với hơn 3,16 triệu ca mắc và gần 53 nghìn ca tử vong, Philippines là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 cao nhất trong khu vực Đông Nam Á sau Indonesia (trên 4,2 triệu ca mắc, 144 nghìn ca tử vong).
Trong khi đó, Indonesia ghi nhận 1.054 ca mắc mới cùng ngày, mức tăng hằng ngày cao nhất trong 3 tháng qua, trong bối cảnh nước này đang xúc tiến chuẩn bị đối phó với làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Omicron.
Sau làn sóng lây nhiễm thứ hai hồi tháng 7/2021, chủ yếu do biến thể Delta, số ca mắc mới tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới đã giảm xuống còn khoảng 200 ca/ngày vào tháng 12 năm ngoái, trước khi tăng nhanh trong tháng này, trước tình trạng đã có báo cáo về sự lây lan trong cộng đồng của biến thể Omicron.
Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết, lây nhiễm trong cộng đồng đã được ghi nhận và thủ đô Jakarta đang trở thành 1 ổ dịch. Ông Sadikin kêu gọi chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ để kiểm soát đi lại và tăng cường các quy trình y tế, cũng như đẩy mạnh tiêm vaccine tăng cường và củng cố năng lực các cơ sở y tế.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho hành khách đi tàu tại 1 nhà ga ở Jakarta, Indonesia, ngày 13/1/2022. (Ảnh: REUTERS)
Indonesia đã phát hiện trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên nhiễm biến thể Omicron vào ngày 16/12 năm ngoái. Kể từ đó, số ca nhiễm biến thể mới tại quốc đảo này đã lên tới hơn 500 trường hợp. Giới chức y tế cảnh báo, tỷ lệ lây nhiễm có thể đạt đỉnh vào tháng 2.
Trong tuần này, Indonesia đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm liều vaccine tăng cường cho người dân.
Tại Australia, nhà chức trách nước này ngày 15/1 thông báo, nhiều khả năng Australia đã gần đạt đỉnh của làn sóng Omicron, song cũng cảnh báo số ca nhiễm hằng ngày sẽ tiếp tục nối dài mức tiệm cận kỷ lục trong vài tuần tới, với trung bình hơn 100 nghìn ca bệnh được ghi nhận trong ngày thứ tư liên tiếp (103.836 ca ngày 15/1).
Từng áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt trước đó, Australia hiện đang chứng kiến số ca nhiễm kỷ lục do biến thể Omicron. Hầu hết các vùng của đất nước đã chuyển sang chiến lược sống chung với virus nhờ đạt tỷ lệ tiêm chủng cao.
Hơn 1,2 triệu ca nhiễm đã được ghi nhận tại Australia từ đầu năm nay, so với tổng khoảng 200 nghìn ca cộng lại cho cả năm 2020 và 2021.
Giám đốc Cơ quan y tế Australia Paul Kelly cho biết, hầu hết các bang nước này đang phải chứng kiến số ca nhập viện kỷ lục trong làn sóng Omicron, trong đó những người trẻ tuổi chưa tiêm chủng chiếm số lượng đáng kể trong các trường hợp nhập viện cần chăm sóc đặc biệt.
Australia là 1 trong những quốc gia có tỷ tiêm ngừa Covid-19 cao nhất thế giới, với hơn 92% người trên 16 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi, trong khi cũng đang đẩy nhanh tốc độ tiêm liều tăng cường.
Theo báo Nhân Dân
Theo người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mặc dù gây bệnh nhẹ hơn so với biến thể Delta song biến thể Omicron vẫn là một chủng virus nguy hiểm, đặc biệt là đối với những người chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 2,9 triệu ca mắc COVID-19 và trên 7.200 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 317 triệu ca, trong đó trên 5,52 triệu ca tử vong.
Ngày 12/1, Viện Robert Koch (RKI) của Đức cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 80.430 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát gần 2 năm trước đây.
Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm trên 2,5 triệu ca nhiễm mới và 7.370 ca tử vong, đưa tổng ca bệnh vượt 313 triệu và 5.519.433 ca tử vong.
Ngày 10/1, Giám đốc điều hành (CEO) hãng dược phẩm Moderna của Mỹ, ông Stephane Bancel, cho biết hãng đang xúc tiến nghiên cứu vaccine tăng cường đặc hiệu phòng ngừa biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.801.014 trường hợp mắc COVID-19 và 3.921 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 310 triệu ca, trong đó trên 5,5 triệu người không qua khỏi.