Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại sân bay quốc tế ở Ontario, Canada.
Số bệnh nhân đã bình phục là hơn 443.728.802 người, trong khi vẫn còn 48.771.621 bệnh nhân đang phải điều trị.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận tổng cộng 82.053.242 ca mắc, trong đó 1.012.131 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca mắc với 43.035.271 ca ,trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 661.270 ca.
Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất với 183.719.811 ca mắc, trong đó có 1.789.197 ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai với 143.650.512 ca mắc và 1.411.017 ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ đã ghi nhận 97.040.668 ca mắc và 1.448.833 ca tử vong; khu vực Nam Mỹ ghi nhận 56.397.124 ca mắc và 1.290.561 ca tử vong.
Trong tuần tính đến sáng 10/4, thế giới ghi nhận gần 7,3 triệu ca mắc mới COVID-19, giảm 23% so với một tuần trước đó. Số ca tử vong cũng giảm 13%. Trừ Bắc Mỹ, số ca mắc mới trong tuần tại các khu vực đều giảm, trong đó châu Á giảm mạnh nhất (27%).
Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế quốc gia nước này thông báo ghi nhận 1.351 ca mắc mới tại Trung Quốc đại lục trong ngày 9/4, trong đó 1.318 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, số ca mắc mới không triệu chứng tại Trung Quốc đại lục ở mức 25.111 ca, giảm nhẹ so với 23.815 ca một ngày trước đó.
Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc ngày 10/4 ghi nhận gần 25.000 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Thành phố 26 triệu dân này đang thực hiện lệnh phong tỏa trên diện rộng trong nhiều tuần qua nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo đó, chỉ nhân viên y tế, tình nguyện viện, nhân viên giao hàng hoặc một số đối tượng có giấy phép đặc biệt mới được ra khỏi nhà. Lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động cung ứng thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Nhiều siêu thị phải đóng cửa.
Ngày 9/4, chính quyền thành phố Bắc Kinh của Trung Quốc cũng đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với một khu vực có nguy cơ cao sau khi ghi nhận 8 ca mắc mới COVID-19 tại khu vực này trong 2 tuần qua. Cùng ngày, nhà chức trách thành phố Quảng Châu cho biết sẽ thực hiện xét nghiệm diện rộng tại 11 quận của thành phố này sau khi phát hiện nhiều ca nhiễm mới trong ngày 8/4.
Trong khi đó, thành phố cảng Ninh Ba gần Thượng Hải ngày 10/4 thông báo dừng toàn bộ dịch vụ ăn uống trong khách sạn và nhà hàng, đồng thời những người sống trong khu phong tỏa phải thực hiện xét nghiệm hằng ngày trong 3 ngày.
Cùng ngày, giới chức y tế Pakistan thông báo nước này bước sang ngày thứ 9 liên tiếp không ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19.
Pakistan ghi nhận 1 ca tử vong do COVID-19 lần gần đây nhất vào ngày 2/4 vừa qua. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này hiện là 30.361 ca. Theo Bộ Y tế Pakistan, nước này ghi nhận 96 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 1.526.568 ca.
Ngày 9/4, Peru đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp đối với ngành du lịch của nước này do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Với lệnh này, Bộ Ngoại thương và Du lịch Peru có 15 ngày để xem xét và phê duyệt kế hoạch cứu trợ khẩn cấp đối với "ngành công nghiệp không khói", bao gồm các biện pháp cứu trợ tài chính và đầu tư xúc tiến du lịch.
Số liệu thống kê cho thấy số du khách quốc tế tới Peru đã giảm từ mức 4,4 triệu lượt hồi năm 2019 xuống còn 900.000 lượt trong năm 2020. Trong năm ngoái, con số vẫn tiếp tục giảm và chỉ còn 400.000 lượt khách.
Tháng 12/2021, Peru bắt đầu ghi nhận làn sóng lây nhiễm thứ ba của đại dịch COVID-19. Số ca mắc mới tại nước này đã giảm đáng kể trong những tuần gần đây. Peru đã ghi nhận tổng cộng hơn 3,5 triệu bệnh nhân COVID-19, trong đó có khoảng 212.000 người tử vong. Dân số nước này là 33 triệu người.