Vùng Sừng châu Phi đang hứng chịu hạn hán nghiêm trọng khi khu vực này có nguy cơ tiếp tục đối mặt tình trạng khô hạn vào cuối năm nay, đây là năm thứ 5 liên tiếp xảy ra tình trạng này, bất chấp việc đây là thời điểm mùa mưa hằng năm. Thời tiết khắc nghiệt đe dọa gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực, với ít nhất 18,4 triệu người thiếu ăn, trong đó hơn 7,1 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng.


Người dân Kenya thiếu nước sinh hoạt. (Ảnh AFRICANEWS)
 

Vùng Sừng châu Phi đang trải qua đợt hạn hán chưa từng thấy trong ít nhất 40 năm qua và mùa mưa từ tháng 3 đến tháng 5/2022 có thể là khô hạn nhất từ trước đến nay. Lượng mưa trong bốn mùa liên tiếp ở mức thấp, trong khi dự báo mùa mưa trong tháng 10 và 11 tới nhiều khả năng không thể thay đổi tình hình. Lượng mưa thấp đã hủy hoại mùa màng, khiến gia súc bị chết và buộc một lượng lớn người dân phải rời bỏ nhà cửa để đi tìm nguồn nước và thức ăn. Nếu mùa mưa thứ 5 không thể cung cấp đủ lượng nước, khủng hoảng nhân đạo hiện nay ở khu vực có thể nghiêm trọng hơn.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA) cho biết, hầu hết những người chịu tác động nặng nề của tình trạng hạn hán ở vùng Sừng châu Phi là ở Ethiopia, Kenya và Somalia. Hạn hán ở các vùng của Kenya và Ethiopia đã khiến 3,6 triệu gia súc chết. Đây cũng là các địa phương mà người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi. Trong khi đó, từ giữa năm ngoái đến nay, hơn 30% số vật nuôi đã chết ở Somalia. Dự báo số người đối mặt nạn đói ở ba nước này có thể tăng từ mức hơn 16,7 triệu người hiện nay lên 20 triệu người vào tháng 9 tới. 

Hạn hán nghiêm trọng cũng gây mất an ninh lương thực và tình trạng suy dinh dưỡng tăng vọt ở nhiều khu vực tại Kenya. Hiện nay, khoảng 4,1 triệu người ở Kenya đang phải đối mặt với mất an ninh lương thực ở cấp độ khủng hoảng hoặc tình trạng khẩn cấp, tăng từ mức 3,5 triệu người chỉ vài tháng trước. Số người bị mất an ninh lương thực này tại Kenya cao hơn so cả hai giai đoạn hạn hán ghi nhận hồi năm 2010-2011 và 2016-2017. Trong khi đó, tình trạng suy dinh dưỡng gia tăng ở mức đáng báo động. Ít nhất 942.000 trẻ em dưới 5 tuổi và khoảng 134.000 phụ nữ mang thai hoặc cho con bú cần được điều trị khẩn cấp. Điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc tại Somalia đã cảnh báo mối đe dọa hiện hữu về tỷ lệ tử vong quy mô lớn do tình trạng mất an ninh lương thực. 

Trước lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo xảy ra, OCHA kêu gọi tăng cường tài trợ khẩn cấp và ngay lập tức cho các hoạt động cứu trợ. Các nhà hoạt động nhân đạo đang huy động 180,7 triệu USD để đáp ứng những nhu cầu ưu tiên cao nhất ở Kenya. Hiện tại các nhân viên thuộc OCHA và các đối tác đang tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo ở các khu vực Tigray, Afar, và Amhara, miền bắc Ethiopia. OCHA cho biết, các tổ chức nhân đạo đang gửi đến khu vực Tigray nước uống, hệ thống vệ sinh, các lều trại di động và lương thực, thực phẩm bằng đường bộ và đường không. Tại Amhara, hàng cứu trợ nhân đạo cũng đã đến tay của hơn 10 triệu người kể từ cuối tháng 12 năm ngoái, và hơn 992.000 người ở Afar kể từ cuối tháng 2 năm nay. 

Các cơ quan nhân đạo đã hối thúc các tổ chức và các nước tăng cường viện trợ cho các quốc gia vùng Sừng châu Phi để ngăn chặn nạn đói trong bối cảnh nguồn lực ứng phó vấn nạn này hiện khá thấp. Tháng 2 vừa qua, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) chỉ huy động được chưa đến 4% số tiền cần thiết. Để góp phần cải thiện an ninh lương thực ở khu vực đang bị hạn hán nghiêm trọng này, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thông qua một khoản tài trợ trị giá 385 triệu USD từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) cho các quốc gia ở vùng Sừng châu Phi để khai thác tiềm năng của nước ngầm và xây dựng khả năng chống chịu với khí hậu khắc nghiệt. 

WB nêu rõ, Dự án khả năng phục hồi nước ngầm ở Sừng châu Phi (HoAGWRP), một dự án mới bao gồm nhiều giai đoạn, sẽ giúp tăng cường khả năng thích ứng của khu vực với các tác động của biến đổi khí hậu. Dự án sẽ thúc đẩy Ethiopia, Kenya, Somalia và Cơ quan liên chính phủ về phát triển (IGAD) hợp tác và làm việc cùng nhau để khai thác các nguồn nước ngầm của khu vực mà cho đến nay gần như chưa được khai thác để ứng phó và thích ứng với hạn hán cũng như các yếu tố khí hậu bất lợi khác đang ảnh hưởng đến những vùng biên giới hiểm trở của các quốc gia này.



TheoNhanDan

Các tin khác


Núi lửa Bulusan tại Philippines tiếp tục phun trào

Rạng sáng 12/6, núi lửa Bulusan cách thủ đô Manila của Philippines khoảng 600km về phía đông nam lại tiếp tục phun các cột tro bụi lên không trung.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bác bỏ tin tổ chức tổng tuyển cử sớm

Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/6 dẫn lời ông Recep Tayyip Erdogan cho biết bác bỏ thông tin sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội sớm.

Giới chức y tế Mỹ xác nhận hiệu quả vaccine phòng COVID-19 của Moderna đối với nhóm trẻ dưới 5 tuổi

Ngày 10/6, giới chức y tế Mỹ xác nhận các dữ liệu do hãng dược phẩm Moderna cung cấp về hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi là chính xác. Trong tuần tới, cơ quan chức năng dự kiến sẽ quyết định về việc có cấp phép tiêm 2 mũi vaccine của hãng cho nhóm trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi hay không.

Khoảng 170.000 người tham gia diễu hành LGBTQ Tel Aviv 2022

Cuộc diễu hành thường niên dành cho những người đồng tính, song tính, chuyển giới tại thành phố Tel Aviv (Israel) ngày 10/6 đã thu hút sự tham gia của khoảng 170.000 người dân Israel và khách du lịch nước ngoài.

Mỹ phát triển thuốc chữa khỏi 100% bệnh ung thư

Một thử nghiệm thuốc điều trị ung thư trên quy mô nhỏ mới đây đã cho thấy kết quả tích cực, tất cả 12 bệnh nhân ung thư trực tràng đã được chữa khỏi hoàn toàn.

Số ca mắc mới COVID-19 ở Ấn Độ tăng cao nhất trong 3 tháng qua

Số liệu Bộ Y tế Ấn Độ công bố ngày 9/6 cho thấy trong 24 giờ qua, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở Ấn Độ đã lên tới 7.240 ca, cao hơn 38% so với con số 5.233 của ngày trước đó. Đây là lần đầu tiên số người mắc COVID-19 hằng ngày ở Ấn Độ vượt ngưỡng 7.000 ca kể từ ngày 1/3 vừa qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục