Trụ sở của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ở Washington.
Theo kênh RT, trong phiên điều trần trước Thượng viện ngày 22/6, Chủ tịch FED Jerome Powell chỉ ra lạm phát Mỹ vốn dĩ đã cao ngay trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại quốc gia láng giềng.
Khi được Thượng nghị sĩ Bill Hagerty của bang Tennessee hỏi rằng liệu ông có đồng ý với ý kiến của chính quyền Tổng thống Joe Biden cho rằng tình hình tại Ukraine là yếu tố tác động nhất gây ra lạm phát kỷ lục trong 18 tháng qua hay không, ông Powell đã bác bỏ cáo buộc đó.
"Không, lạm phát đã cao… trước khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra”, Chủ tịch FED trả lời.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng Hai, Nhà Trắng nhiều lần đổ lỗi cho Nga và Tổng thống Vladimir Putin gây ra lạm phát tại Mỹ.
"Chúng ta biết rằng 61% lạm phát gần đây là kết quả của việc tăng giá năng lượng, do xung đột ở Ukraine”, bà Jen Psaki – cựu Thư ký Báo chí Nhà Trắng – phát biểu trước các phóng viên vào cuối tháng 4.
Ngày 18/6, Nhà Trắng đã đăng dòng trạng thái lên Twitter , nhấn mạnh tình hình ở Ukraine là "nguyên nhân lớn nhất gây ra lạm phát” tại Mỹ. Thượng nghị sĩ Hagerty đã gọi đây là "thông tin sai lệch" và nói rằng câu hỏi ông dành cho Chủ tịch Powell là một nỗ lực để giảm bớt sự đổ lỗi.
Ngày 15/6, FEDđã công bố mức tăng lãi suất mạnh nhất trong gần 30 năm qua, nâng lãi suất đi vay cơ bản 0,75% từ ngày 15/6. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan quyết sách của Fed, tái khẳng định rằng họ vẫn "cam kết mạnh mẽ đưa lạm phát (ở Mỹ) trở lại mục tiêu 2%" và dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất chủ chốt.Các chuyên gia cảnh báotăng lãi suất quá nhiều sẽ khiến nước Mỹ đối mặt với nguy cơ rơi vào suy thoái và đó mới là thách thức lớn nhất đối với nước Mỹ.
Trong tháng 5, lạm phát Mỹ cán mốc 8,6%, cao nhất kể từ tháng 1/1982 đến nay. Lạm phát cao ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19.Chỉ số lạm phát hiện nay của Mỹ đã tăng hơn gấp 4 lần so với mức chuẩn 2% mà Fed đặt ra để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển lành mạnh.
Từ cuối tháng 2, Nga đã triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine sau khi cáo buộc quốc gia láng giềng không thực hiện các điều khoản của các thỏa thuận Minsk được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014.
Kể từ đó đến nay, Điện Kremlin luôn yêu cầu Ukraine tuyên bố là một quốc gia trung lập và cam kết không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu.
Về phần mình, Kiev khẳng định hoạt động quân sự của Nga là hoàn toàn vô cớ.