Tổng thống Tayyip Erdogan đến Ukraine với thông điệp trung lập và ảnh hưởng: Ngoài vấn đề hợp tác vũ khí, ông Erdogan còn muốn thể hiện là một nhà môi giới trung thực - với cả Ukraine và công chúng Thổ Nhĩ Kỳ.




Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tới Ukraine để tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: hurriyetdailynews.com 
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 18/8 sẽ thực hiện chuyến thăm tới Ukraine, lần đầu tiên kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, để đưa ra thông điệp rằng Ankara đang tiếp cận cuộc xung đột với một chính sách cân bằng và vẫn sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán ngừng bắn.

Các nguồn tin liên quan đến chuyến thăm của ông Erdogan cho biết, không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ quyết định công du Ukraine sau cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Sochi vào ngày 5/8. 

Ông Erdogan và nhà lãnh đạo Nga đã có cuộc thảo luận kéo dài 4 giờ, nơi họ đồng ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thanh toán một phần khí đốt của Nga bằng đồng nội tệ. Một nguồn tin nói: "Chúng tôi phải duy trì sự cân bằng của mình, chúng tôi không muốn thể hiện sự quá gần gũi với Nga".

Thổ Nhĩ Kỳ đã hai lần tìm cách đưa các bên xung đột ngồi vào bàn đàm phán, tại Istanbul và Antalya, để thảo luận về một lệnh ngừng bắn, nhưng các cuộc thảo luận đều thất bại. Tuy nhiên, Ankara đã thành công trong việc thuyết phục Nga và Ukraine ký một thỏa thuận vào tháng trước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển 22 triệu tấn ngũ cốc từ ba cảng của Ukraine đến thị trường thế giới. Đổi lại, Nga có thể xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của riêng mình.

Ông Erdogan có kế hoạch tới Lviv trước để tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, dự kiến tập trung vào cuộc xung đột đang diễn ra và tiếp tục hoạt động xuất khẩu ngũ cốc thông qua Biển Đen. 

Sau đó, Tổng thống Erdogan sẽ tổ chức một cuộc gặp song phương với người đồng cấp Ukraine Zelensky để thảo luận về quan hệ "chiến lược” giữa hai nước. 

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa eo biển của mình ở Biển Đen, dừng các chuyến bay quân sự của Nga đến Syria trên không phận Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Putin, điều khiến các nước phương Tây phải thận trọng. Ankara không tham gia vào các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và EU áp đặt đối với Nga do xung đột, lập luận rằng họ chỉ thực hiện các hình phạt do Liên hợp quốc đưa ra.

Kể từ khi xung đột nổ ra, đã có một làn sóng công dân Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, từ các nhà tài phiệt và du thuyền của họ đến những công dân bình thường, và thương mại song phương ngày càng tăng với Moskva do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Điều đó đã làm dấy lên nghi ngờ rằng Moskva có thể tìm cách lách các lệnh trừng phạt bằng cách đầu tư vào hoặc mua các công ty Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng.

Nhưng các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ sẽ không cho phép những hành động như vậy, mặc dù họ không tham gia vào các lệnh trừng phạt của phương Tây. Các nguồn tin trên cho biết chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ là tiếp tục đóng vai trò hòa giải, mặc dù họ thừa nhận rằng "Ankara nghiêng về Ukraine với thiện cảm riêng".

Một nguồn tin khác nhấn mạnh rằng, chuyến thăm của Tổng thống Erdogan cũng được sử dụng để thể hiện với công chúng Thổ Nhĩ Kỳ rằng ông là một nhà lãnh đạo quốc tế có thể nói chuyện với cả hai bên nhằm đạt được hòa bình và bảo vệ lợi ích thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy phần lớn công chúng Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chính sách "trung lập” của Tổng thống Erdogan.

Hợp tác về vũ khí với Ukraine

Tuy nhiên, bất chấp lập trường của Ankara, việc Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine, bao gồm cả máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự phản kháng của Kiev trước các lực lượng Nga.

Ankara cũng được cho là đã bán một số xe bọc thép chống mìn, được gọi là Kirpi, cho Kiev bất chấp sự phản đối trước đó của các quan chức Nga về việc bán vũ khí.

Hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tiết lộ rằng Ukraine đã nhận được 50 máy bay không người lái (UAV)có vũ trang từ công ty vũ khí Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi xung đột nổ ra ngày 24/2.

Haluk Bayraktar, Giám đốc điều hành của Baykar, nói với một tổ chức phi chính phủ Ukraine trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến vào đầu tuần này rằng những chiếc Bayraktar TB2 hàng đầu của công ty đã trở thành "một trong những yếu tố chính” kết nối Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ. Baykar có quan hệ với gia đình của ông Erdogan, vì một trong những kỹ sư hàng đầu của họ, Selcuk Bayraktar, đã kết hôn với Sumeyye, con gái của Tổng thống Erdogan.

Ông Haluk Bayraktar cho biết thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang hợp tác chặt chẽ với Ukraine trong dự án máy bay chiến đấu không người lái và máy bay không người lái Akinci tiên tiến hơn. "Ukraine là một trong số ít quốc gia có công nghệ động cơ, vì vậy họ có những động cơ rất tốt và hiệu quả, sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ của chúng tôi cũng giúp động cơ Ukraine có chỗ đứng trên thị trường UAV”, ông Bayraktar nêu rõ.

Theo ông Bayraktar, công ty này sẽ xây dựng một nhà máy ở Ukraine, bao gồm các trung tâm nghiên cứu và sản xuất tiên tiến: "Không chỉ thân máy bay, mà cả thiết bị điện tử, phần mềm, mọi thứ. Chúng tôi đang ở giai đoạn lập dự án cho các thương vụ này. Chúng tôi cũng muốn bắt đầu đầu tư sớm. Chúng tôi đã có một nhóm kỹ thuật viên làm việc để hỗ trợ Ukraine. Nhưng bây giờ chúng tôi muốn biến Ukraine thành một cơ sở sản xuất. Đây là một trong những ý tưởng của chúng tôi”.

Phản ứng về vấn đề này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, nói với các nhà báo rằng nếu một nhà máy sản xuất máy bay không người lái Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập ở Ukraine, nó sẽ "ngay lập tức rơi vào tình trạng phi quân sự hóa", có nghĩa là nó sẽ bị phá hủy.


                                       TheoBaotintuc

Các tin khác


Hàn Quốc: Dấu ấn sau 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Yoon Suk-yeol

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền, chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã giải quyết thành công nhiều nhiệm vụ về đối nội và đối ngoại.

Tổng thống Mỹ Biden ký ban hành luật chống biến đổi khí hậu

Luật mới có tên Đạo luật giảm lạm phát, được Nhà Trắng khẳng định là cam kết lớn nhất nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong lịch sử nước Mỹ.

Ấn Độ đánh giá cao vai trò của Việt Nam

Trong bài viết về quan hệ Ấn Độ-Việt Nam, với tiêu đề "50 năm bầu trời trong xanh và quan hệ ngoại giao”, trang Modern Diplomacy nhận định:

Argentina gửi cứu trợ nhân đạo tới Cuba sau vụ cháy kho dầu

Bộ Ngoại giao Argentina ngày 14/8 thông báo, 3 lô hàng viện trợ nhân đạo sẽ được gửi tới Cuba giúp khắc phục hậu quả nghiêm trọng của vụ cháy kho dầu ở thành phố Matanzas.

Triều Tiên, Nga nêu bật tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị

Ngày 15/8, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin, nhà lãnh đạo nước này Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước trong thông điệp trao đổi giữa 2 bên, nhân kỷ niệm 77 năm ngày giải phóng Bán đảo Triều Tiên khỏi sự chiếm đóng của phát-xít Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ hai (15/8/1945-15/8/2022).

Cháy nhà thờ ở Ai Cập khiến ít nhất 40 người thiệt mạng

Hãng tin Reuters dẫn 2 nguồn tin an ninh Ai Cập cho biết, ngày 14/8, ít nhất 40 người đã thiệt mạng và 45 người khác bị thương trong đám cháy bùng phát bên trong một nhà thờ tại thành phố Giza.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục