Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) ngày 8/11 cho biết nhiệt độ trong tháng 10 tại châu Âu đã ở mức cao kỷ lục, hơn gần 2 độ C so với giai đoạn C3S thống kê nhiệt độ từ năm 1991 - 2020.


Khách du lịch tận hưởng thời tiết nắng ấm trái mùa trên bãi biển ở Nice, miền Nam nước Pháp, ngày 2/11/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Phó Giám đốc C3S, bà Samantha Burgess nhận định: "Các hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu ngày nay rất rõ rệt và chúng ta cần hành động khí hậu cần mạnh mẽ hơn tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc (COP27) để đảm bảo giảm khí thải sao cho mức tăng nhiệt độ nằm trong giới hạn 1,5 độ C đã nhất trí trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu”.

C3S cho biết tình trạng nóng lên "khiến nhiệt độ hằng ngày tăng lên mức kỷ lục ở Tây Âu, và một tháng 10 nóng kỷ lục ở Áo, Thụy Sĩ và Pháp”. Những vùng rộng lớn ở Italy và Tây Ban Nha cũng chứng kiến những mức nhiệt cao kỷ lục trong tháng trước.

Theo C3S, Canada cũng trải qua cái nóng kỷ lục. Trong khi đó, nhiệt độ trung bình thấp hơn được ghi nhận ở Australia, vùng Viễn Đông Nga và nhiều nơi ở Tây Nam Cực.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới đang tham gia các cuộc thảo luận cam go tại Ai Cập và phải đối mặt với những lời kêu gọi khẩn cấp giảm khí thải nhằm tránh các thảm họa khí hậu. Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo các nước cần hợp tác, nếu không sẽ phải đối mặt với "cuộc tự sát tập thể” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Phát biểu tại COP27, ông Guterres nhấn mạnh: "Nhân loại đang đối mặt với một lựa chọn: hợp tác hoặc hủy diệt”.

Tổ chức Khí hậu Thế giới (WMO) ngày 6/11 cho biết nếu các dự báo cho năm 2022 là đúng thì trong 8 năm vừa qua, năm nào cũng nóng hơn so với các năm trước 2015, cho thấy sự nóng lên toàn cầu đang diễn ra nhanh hơn đáng kể. Theo tổ chức này, mực nước biển tăng, băng tan, mưa lớn, các đợt gió nóng sẽ gia tăng khi nhiệt độ toàn cầu ấm hơn.

Trái đất đã ấm hơn 1,1 độ C so với cuối thế kỷ XIX, trong đó một nửa mức tăng nhiệt này được ghi nhận trong vòng 30 năm trở lại đây. Năm 2022 sẽ là năm nóng thứ 5 hoặc thứ 6 từng được ghi nhận, bất chấp tác động của La Nina từ năm 2020 - hiện tượng tự nhiên tại Thái Bình Dương có tác động làm lạnh khí quyển.

Theo TTXVN

Các tin khác


Người dân châu Âu chật vật trong bão giá

Giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao khiến người dân các nước châu Âu phải chật vật xoay xở để chi trả hóa đơn sinh hoạt. Không ít người cảm thấy áp lực, mỏi mệt khi cơn bão lạm phát chưa có dấu hiệu thuyên giảm và một mùa đông khó khăn vì khan hiếm năng lượng đang tới gần.

COP27: Trung Quốc đề cao những tiến bộ về giảm phát thải carbon

Theo đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Trung Quốc, lượng khí CO2 mà nước này phát thải trên một đơn vị GDP vào năm 2021 thấp hơn 3,8% so với năm 2020 và 50,8% so với năm 2005.

Turkmenistan đề ra tham vọng xuất khẩu năng lượng cho châu Âu

Turkmenistan đang tăng cường xuất khẩu khí đốt tự nhiên và điện sang các nước láng giềng, đồng thời hướng đến việc mở rộng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu thông qua đường ống xuyên Caspi.

EC đề xuất gói tài chính trị giá 18 tỷ euro cho Ukraine năm 2023

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 6/11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo, trong tuần tới bà sẽ đề xuất một gói tài chính quan trọng từ Liên minh châu Âu (EU), lên tới 1,5 tỉ euro/tháng và tổng trị giá 18 tỉ euro/năm, qua đó sẽ góp phần đáng kể vào việc đáp ứng nhu cầu tài chính của Ukraine cho năm 2023.

Guatemala ghi nhận hơn 40 cơn địa chấn trong 24 giờ

Phóng viên TTXVN tại Trung Mỹ dẫn thông báo của Viện Địa chấn học, núi lửa, khí tượng và thủy văn quốc gia Guatemala ngày 4/11 cho biết đã ghi nhận hơn 40 cơn địa chấn trong vòng 24 giờ qua tại quốc gia Caribe này.

ILO đánh giá cao hợp tác với Việt Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, tại trụ sở của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) vừa qua đã có cuộc gặp với tân Tổng Giám đốc của ILO, ông Gilbert F. Houngbo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục