Châu Âu đang chứng kiến hiện tượng thời tiết bất thường khi nhiệt độ ở nhiều nước ấm chưa từng thấy trong mùa đông.
Thời tiết mùa Thu tại châu Âu ấm bất thường
Báo The Guardian dẫn dữ liệu của nhà khí tượng học Maximiliano Herrera cho biết, ít nhất 8 quốc gia châu Âu, trong đó có Ba Lan, Đan Mạch, Cộng hòa Czech, Hà Lan, đang chứng kiến những ngày tháng 1 ấm chưa từng có trong lịch sử.
Ở Korbielow, Ba Lan, nhiệt độ dao động ở mức 19°C, cao hơn 18°C so với mức trung bình 1°C vào tháng 1 hàng năm. Đây là nhiệt độ thường thấy vào tháng 5 ở khu vực này.
Nhiệt độ ở thủ đô Berlin của Đức cũng lên tới 16°C.
Ở Javornik, Cộng hòa Czech, nhiệt độ là 19,6°C, so với mức trung bình 3°C vào thời điểm này hàng năm.
Trong khi đó, miền Bắc Tây Ban Nha và miền Nam nước Pháp đang trải qua những ngày ấm với nền nhiệt lên đến 25°C.
Nhiều nước châu Âu ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trong những ngày đầu tháng 1. (Ảnh: Euronews)
Tại nhiều nơi khác trên khắp châu Âu, hàng nghìn trạm đo nhiệt độ tại địa phương đã ghi nhận kỷ lục mới trong khoảng thời gian từ ngày 31/12/2022 đến ngày 2/1/2023.
Trong báo cáo công bố mới đây, Tổ chức Khí tượng thế giới cho biết một số nước châu Âu đã ghi nhận các mức nhiệt cao kỷ lục vào đêm Giao thừa.
Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, tần suất không khí lạnh và những ngày sương giá dự kiến sẽ giảm cùng với sự gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu.
"Chúng tôi coi đây là hiện tượng thời tiết cực đoan nhất trong lịch sử châu Âu", nhà khí tượng Herrera nói. "Nhiệt độ cao cực đoan đang trải khắp một vùng rộng lớn, điều chưa từng xảy ra", Alex Burkill, chuyên gia khí tượng tại Cơ quan thời tiết quốc gia Vương quốc Anh cũng bình luận.
Một số nhà khoa học cảnh báo, hiện tượng thời tiết cực đoan có thể là dấu hiệu của những điều tồi tệ sắp xảy ra do tác động của biến đổi khí hậu.
Với châu Âu, trước mắt, thời tiết ấm bất thường vào mùa đông giúp giải tỏa phần nào áp lực về nguồn cung khí đốt sưởi ấm trong bối cảnh khu vực đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ.