Trung Quốc đang bước vào giai đoạn mới về phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19, sau khi đã hạ mức đánh giá nguy cơ của căn bệnh này.
Đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc "về cơ bản" đã kết thúc
Giới chức y tế Trung Quốc cho biết, dịch COVID-19 tại nước này "về cơ bản" đã kết thúc, nhưng chưa hoàn toàn, vì mới đây nước này ghi nhận 7 trường hợp nhập cảnh nhiễm biến thể XBB.1.5 có khả năng lây nhiễm cao. Trong giai đoạn mới kiểm soát dịch COVID-19, các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt suốt 3 năm qua đã được dỡ bỏ, tuy nhiên ngành y tế Trung Quốc vẫn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó với dịch.
Chủ động trong phòng chống dịch
Hệ thống y tế Trung Quốc chủ động phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: The New York Times)
Dù đã dỡ bỏ chính sách Zero-COVID (không có ca mắc COVID-19), nhưng ngành y tế Trung Quốc vẫn đảm bảo chiến lược phòng ngừa trong bối cảnh đại dịch chưa thực sự kết thúc. Các cơ quan hữu quan ở Trung Quốc đang nỗ lực cải thiện khả năng ứng phó với COVID-19 ở các vùng nông thôn, đảm bảo cung cấp đầy đủ vật tư y tế và phát triển hệ thống hỗ trợ y tế khẩn cấp chất lượng cao. Giới chức y tế nước này đang kêu gọi nỗ lực thực hiện triệt để các biện pháp đã được tối ưu hóa, sau khi Trung Quốc hạ bậc kiểm soát COVID-19 từ loại A xuống loại B. Ông Mao Dezhi, một quan chức của Bộ Nông nghiệp cho biết, để nâng cao khả năng ứng phó với COVID-19 ở nông thôn, cơ chế trách nhiệm giải trình trong phòng ngừa và kiểm soát COVID-19 sẽ được cải thiện, các nhóm và khu vực nhân khẩu học chính ở nông thôn sẽ được tập trung cao độ và hệ thống điều trị y tế ở nông thôn sẽ được cải thiện. Trong khi đó, ông Zhou Jian, quan chức Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, cam kết nỗ lực đảm bảo sản xuất đầy đủ và cung cấp thường xuyên các vật tư y tế quan trọng, đồng thời nỗ lực thúc đẩy các tiêu chuẩn an toàn và linh hoạt của chuỗi công nghiệp đối với vật tư y tế. Ông Zhou cho biết, các nỗ lực sẽ được thực hiện để bám sát lịch trình tung ra thị trường các loại vaccine và thuốc điều trị mới, đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc sản xuất và phân phối. Khoảng 20 đội ứng phó khẩn cấp y tế quốc gia mới sẽ được bổ sung vào 40 đội hiện có của đất nước. Hệ thống chỉ đạo liên quan sẽ được cải thiện và việc xây dựng các cơ sở điều trị y tế khẩn cấp cũng sẽ được đẩy mạnh.
Tái sử dụng cơ sở vật chất thời đại dịch
Các cơ sở chống dịch COVID-19 như trung tâm cách ly, bốt xét nghiệm, từng được xem là "biểu tượng" của chiến dịch chống COVID-19 tại Trung Quốc. Khi nước này thông báo dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 cứng rắn sau gần 3 năm, hàng chục nghìn cơ sở chống dịch trên khắp các thành phố Trung Quốc trở nên không còn cần thiết. Tuy nhiên, các cơ sở này nhanh chóng tìm được mục đích sử dụng mới. Giờ đây, chúng tiếp tục được sử dụng trong thời kỳ hậu đại dịch, nhưng đã trở thành quầy thông tin, hiệu thuốc, thư viện nhỏ, hay một chỗ dừng chân cho người qua đường.
"Thay vì để trống, chúng tôi đang cố gắng sử dụng chúng theo những cách khác, phù hợp với thời gian và địa điểm", một quan chức thành phố Tô Châu, cho biết.
Với bà Xu, một công nhân vệ sinh môi trường ở Tô Châu, sự chuyển đổi này thật sự hữu ích. "Chúng tôi được trang bị bốt xét nghiệm, nhưng giờ đây nó được dùng để cất giữ dụng cụ lao động, không cần phải mang đi mang về như trước nữa. Hoặc nếu trời mưa, chúng tôi cũng có thể trú tạm trong đó," bà nói.
Những bốt xét nghiệm COVID-19 trước đây được chuyển đổi sang mô hình mới. (Ảnh: Reuters)
Các địa phương ở Trung Quốc đã chi khoảng 200 tỷ Nhân dân tệ cho chương trình xét nghiệm để duy trì chính sách Zero COVID. Giờ đây, họ rất muốn tái sử dụng các bốt xét nghiệm vào mục đích hữu ích khác. Ở một số thành phố, những bốt xét nghiệm gần ga tàu nay trở thành quầy cung cấp thông tin, hay tư vấn việc làm, thuận tiện cho người dân ghé qua. Tại Tế Nam, thủ phủ của tỉnh Sơn Đông, chúng lại được chuyển đổi thành trạm dừng chân, nơi những người qua đường có thể tránh rét, sạc điện thoại hoặc thậm chí được dùng nước nóng miễn phí. Một số cơ sở khác được chuyển đổi thành điểm dịch vụ Chữ thập đỏ, khu vực nghỉ ngơi cho tài xế giao hàng hoặc trạm phân loại rác thải. Tại những nơi khác ở Tế Nam, một trung tâm kiểm dịch tạm thời trước đây đã được chuyển thành nhà ở cho nhân viên của các công ty gần đó. Tổng số 650 phòng cơ bản có sẵn giường, tủ, bàn, tivi và điều hòa. Công năng khác của các trung tâm cách ly thời đại dịch là được chuyển đổi thành bệnh viện dự phòng với các thiết bị và nhân viên bổ sung, để giảm bớt áp lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Với việc sử dụng cơ sở vật chất một cách bền vững, sự chuyển đổi này được nhiều người dân Trung Quốc ủng hộ. Đồng thời nó cũng cho thấy bầu không khí mới của thời kỳ hậu đại dịch.
Tiếp tục nới lỏng quy định kiểm soát dịch COVID-19
Từ 8/1, Trung Quốc đã dỡ bỏ các biện pháp kiểm dịch đối với du khách nước ngoài, theo đó du khách không phải thực hiện xét nghiệm PCR 48 giờ trước chuyến bay đến Trung Quốc. Kết quả xét nghiệm PCR vẫn được yêu cầu đối với khách du lịch từ nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Động thái nới lỏng tiếp theo bắt đầu từ 1/3, Trung Quốc bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với du khách từ một số quốc gia, bao gồm Singapore, Malaysia, Philippines, Campuchia và New Zealand. Kết quả xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) không còn bắt buộc phải được thực hiện trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành. Thay vào đó, những du khách đủ điều kiện bay thẳng đến Trung Quốc có thể thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ART), trong vòng 48 giờ trước khi lên máy bay.
Ngành hàng không Trung Quốc đang dần phục hồi sau đại dịch. (Ảnh: Reuters)
Nhà chức trách Trung Quốc cho biết, các quy tắc đang tiếp tục được giảm thiểu để "phù hợp với tình hình hiện tại của đại dịch COVID-19 và tạo điều kiện đi lại và giao thương giữa các nước."
Các quy tắc kiểm dịch cũng đã được nới lỏng đối với khách du lịch từ Indonesia, Thái Lan, Thụy Sĩ và Nga. Khách du lịch được yêu cầu khai báo kết quả xét nghiệm âm tính trên trang web của Hải quan Trung Quốc hoặc thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Hành khách sẽ tự khai báo sức khỏe và Hải quan có thể tiến hành xét nghiệm lấy mẫu ngẫu nhiên.
Bên cạnh đó, số lượng hành khách Trung Quốc xuất cảnh cũng ngày càng tăng lên khi nước này bước vào giai đoạn "bình thường mới." Tại sân bay quốc tế Hạ Môn, mỗi ngày có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những hàng dài du khách xếp hàng để làm thủ tục khởi hành. Điều kiện xuất cảnh bao gồm chứng nhận đã tiêm phòng đầy đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19. Hầu hết những du khách này ra nước ngoài với mục đích học tập, thăm bạn bè hoặc người thân.
Trung Quốc bước vào giai đoạn mới kiểm soát dịch COVID-19 - Ảnh 5.
Các chuyên gia đánh giá, có thể phải mất vài tháng, ngành hàng không và du lịch Trung Quốc mới có thể trở lại như lúc trước đại dịch. (Ảnh: Reuters)
Sự gia tăng các chuyến bay quốc tế và cải thiện quản lý xuất nhập cảnh đã giúp việc xuất ngoại của người dân Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn. Hãng hàng không Hạ Môn đã khai trương 4 tuyến mới từ Hạ Môn đến Jakarta, Indonesia kể từ đầu năm nay, với tỷ lệ hành khách đang tăng đều đặn.
Ngoài các chuyến bay chở khách, số lượng các chuyến bay chở hàng cũng đang tăng lên. Tại nhà ga hàng hóa hàng không của thành phố, những thùng hàng điện tử, dệt may, thủ công mỹ nghệ chuẩn bị được chuyển đến các nước trên thế giới.
Đây được xem là những dấu hiệu tích cực trong việc phục hồi của ngành hàng không Trung Quốc, tuy vậy các chuyên gia đánh giá, có thể phải mất vài tháng, ngành hàng không và du lịch nước này mới có thể trở lại như lúc trước đại dịch.
Theo vtv.vn
Theo hãng tin AFP, tính đến 22h giờ Việt Nam ngày 28/2, số người thiệt mạng trong trận động đất làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2 đã tăng lên 50.325 người.
Các biện pháp hạn chế của Mỹ đối với việc xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến sang Trung Quốc có thể cản trở nỗ lực xây dựng phần mềm đối thủ của ChatGPT tại quốc gia châu Á này.
Tín hiệu phục hồi kinh tế toàn cầu đã rõ ràng hơn trong những tuần gần đây khi kinh tế Trung Quốc cho thấy triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ hơn, trong khi đó "đầu tàu" kinh tế Mỹ tránh được nguy cơ suy thoái và mối lo lạm phát đã dịu bớt.
Trong một tuyên bố chung ngày 26/2, Anh và EU đang tìm cách tạo ra những thay đổi có thể mang lại "các giải pháp thiết thực và chung" cho vấn đề Nghị định thư về Ireland và Bắc Ireland.
Kết thúc cuộc họp lần thứ 30 Ủy ban hợp tác song phương ASEAN-EU diễn ra tại Jakarta, hai bên đã ra thông cáo chung tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác ASEAN-EU và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN dựa trên các nguyên tắc cơ bản tương đồng trong cách tiếp cận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mỗi bên.
Các nhà lập pháp của thành viên "cứng rắn" này có thể cần thêm thời gian để xem xét các hồ sơ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển và Phần Lan.