Các nhà lập pháp của thành viên "cứng rắn" này có thể cần thêm thời gian để xem xét các hồ sơ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển và Phần Lan.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban duyệt đội danh dự khi ông đến thăm Vienna vào tháng 7/2022. Ảnh: Getty Images
Theo đài RT, Chánh văn phòng của Thủ tướng Viktor Orban cho biết Hungary, một trong hai thành viên NATO chưa chính thức chấp thuận đề nghị gia nhập khối quân sự phương Tây của Thụy Điển và Phần Lan, có thể cần nhiều thời gian hơn dự kiến để các nhà lập pháp bỏ phiếu phê chuẩn.
Budapest đã lên kế hoạch đưa vấn đề này vào phiên họp Quốc hội đầu tiên của năm 2023 vào đầu tháng này, nhưng Thủ tướng Orban hôm 24/2 cho biết các nhà lập pháp cần thêm thời gian để thảo luận về vấn đề này. Ông cáo buộc cả hai quốc gia đang muốn gia nhập NATO đã chất vấn về nền dân chủ và pháp quyền của Hungary bằng "những lời dối trá trắng trợn”.
Nghị sĩ Mate Kocsis, thuộc đảng Fidesz theo chủ nghĩa dân tộc, cũng cho biết một số nhà lập pháp của đảng cầm quyền phẫn nộ vì "các chính trị gia từ các quốc gia này (Thụy Điển, Phần Lan) đã xúc phạm Hungary một cách thô thiển, vô căn cứ, và bây giờ họ đang yêu cầu một ân huệ". Ông Kocsis nói rằng một phái đoàn quốc hội sẽ tới Thụy Điển và Phần Lan để làm rõ quan điểm của họ.
Quốc hội Hungary đầu tuần này thông báo có thể tổ chức một cuộc bỏ phiếu cuối cùng về đề xuất mở rộng của NATO trong tuần bắt đầu từ ngày 6/3. Tuy nhiên, ông Gergely Gulyas, trợ lý của Thủ tướng Orban, nói với các phóng viên hôm 25/2 rằng các nhà lập pháp Hungary có thể cần thêm thời gian.
Nghị viện sẽ đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự từ ngày 27/2 và bắt đầu tranh luận về việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO trong tuần tới - theo ông Gulyas cho biết tại một cuộc họp báo. Quan chức này nói: "Theo thủ tục của Hungary, việc thông qua luật mất khoảng bốn tuần, do đó, Quốc hội có thể bỏ phiếu về vấn đề này vào khoảng nửa cuối tháng 3, trong tuần từ ngày 21/3".
Sự trì hoãn của Budapest diễn ra trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa hai ứng cử viên gia nhập NATO và hai quốc gia cứng rắn của khối là Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào tháng trước cho biết ông đã loại trừ khả năng chấp thuận đơn gia nhập của Thụy Điển, chỉ trích Stockholm vì đã cho phép một cuộc biểu tình đốt kinh Koran bên ngoài đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ. Theo hiệp ước của khối thì việc kết nạp thêm bất kỳ thành viên nào vào NATO đều phải được tất cả 30 thành viên của liên minh chấp thuận.
Ông Erdogan trước đó cũng bày tỏ sự miễn cưỡng trong việc cho phép hai quốc gia Bắc Âu gia nhập khối, với lý do họ ủng hộ các nhóm người Kurd mà Ankara coi là khủng bố. Ba nước Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan đã ký một thỏa thuận vào tháng 6 năm ngoái để giải quyết những lo ngại đó và mở đường cho việc phê chuẩn việc mở rộng NATO. Tuy nhiên, ông Erdogan cho rằng vụ đốt kinh Koran đã vi phạm thỏa thuận đó.
Hungary đã nhiều làn "cản đường" EU trong các lệnh trừng phạt Nga. Theo đài RT, một cuộc thăm dò toàn quốc tại nước này vào tháng 1 cho thấy, hầu hết người tham gia phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga vì họ tin rằng chúng gây ra tác hại kinh tế nghiêm trọng với đất nước mình.
Trong một bài đăng trên Facebook, chính phủ Hungary tiết lộ rằng "97% người Hungary phản đối các biện pháp trừng phạt gây thiệt hại nghiêm trọng”, đồng thời nói thêm rằng "Thông điệp rất rõ ràng: chính sách trừng phạt của Brussels phải được xem xét lại”.
Alexandra Szentkiralyi, phát ngôn viên của chính phủ, nói rằng những hạn chế mà EU áp đặt lên Nga trong vấn đề Ukraine đã không thể ngăn chặn xung đột mà còn gây ra nhiều vấn đề kinh tế cho châu Âu. Bà lưu ý rằng theo hướng này, người Hungary có xu hướng bác bỏ các hạn chế về dầu mỏ và kế hoạch trừng phạt về khí đốt.
Theo Báo Tin tức
Trong khi Tổng thống Ukraine nói nghị quyết là tín hiệu mạnh mẽ về sự ủng hộ không ngừng của toàn cầu đối với Ukraine, hãng thông tấn TASS của Nga cho rằng đây là nghị quyết chống Nga.
Một năm sau ngày xung đột bùng nổ, hàng triệu người dân Ukraine vẫn lưu lạc xứ người. Trong khi chưa thấy hi vọng đàm phán, năm 2022 kinh tế Ukraine đã suy giảm hơn 30% và ngay từ tháng 9/2022 ước tính cần tới gần 350 tỷ USD để tái thiết nước này.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Nhật hoàng Naruhito vừa bày tỏ nỗi buồn sâu sắc trước những gì mà người dân tại các khu vực xung đột trên toàn cầu đang phải hứng chịu và cầu nguyện cho hòa bình ở Nhật Bản và phần còn lại của thế giới.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết phản ứng của phương Tây trước quyết định đình chỉ tham gia Hiệp ước New START của Nga mang lại rất ít hy vọng về việc nối lại các cuộc đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân.
Ngày 22/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc hội đàm với Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Vương Nghị đang ở thăm Nga.
Ngày 21/2, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START). Động thái này được cho là đã đưa mối quan hệ của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.