Châu Âu đang phải chống chọi với nhiệt độ nóng như thiêu đốt trong mùa hè năm nay.
Tây Ban Nha đối phó với vụ cháy rừng ở Tenerife.
Những đám cháy rừng bùng phát khắp lục địa từ Địa Trung Hải đến Tây Ban Nha. Theo đánh giá của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu Liên hợp quốc (IPPC), biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng trở nên nóng hơn và thường xuyên hơn.
Chính phủ Pháp đã triệu tập cuộc họp khẩn để thảo luận về biện pháp ứng phó đợt nắng nóng nghiêm trọng, trong bối cảnh nhiệt độ được dự báo có thể vượt ngưỡng 400C vào cuối tuần này và tiếp diễn đến đầu tuần sau. Cuộc họp có sự tham gia của các quan chức cấp cao thuộc Văn phòng Thủ tướng Elisabeth Borne, cũng như của các bộ nội vụ, y tế, nông nghiệp và giao thông của Pháp.
Trong thông báo, Văn phòng Thủ tướng Borne nêu rõ, ngày 18/8, chính phủ triển khai đường dây nóng chuyên cung cấp thông tin về đợt nắng nóng và bắt đầu phổ biến nội dung liên quan trên sóng truyền hình và phát thanh. Tổng cộng 19 trong số 96 cơ quan trong nước, đã và sẽ ban bố cảnh báo về những cơn bão mùa hè và nắng nóng khắc nghiệt.
Cơ quan y tế công cộng SPF cho biết, nắng nóng làm tăng số ca tử vong tại vùng Provence-Alpes-Cote d’Azur, miền đông-nam nước Pháp. Trong khi đó, cháy rừng đã bùng phát tại khu vực Saint-Andre, thuộc tỉnh Pyrenees-Orientales ở miền nam nước Pháp buộc hơn 3.000 người phải sơ tán khẩn cấp.
Tại Tây Ban Nha, lực lượng cứu hỏa nỗ lực kiểm soát trận cháy rừng nghiêm trọng kéo dài hai ngày trên hòn đảo nghỉ dưỡng Tenerife. Ngọn lửa nhanh chóng lan rộng tại khu vực rừng núi bên các hẻm núi cao ở vùng phía đông-bắc của đảo Tenerife, thuộc quần đảo Canary, thiêu rụi hơn 3.200 ha đất. Chính quyền khu vực đã sơ tán khoảng 3.000 cư dân.
Trong khi đó, tại Bắc Mỹ, truyền thông Canada đưa tin, Thủ tướng Justin Trudeau (G.Tru-đô) đã triệu tập cuộc họp khẩn nhằm thảo luận biện pháp đối phó các trận cháy rừng lan rộng tại Vùng lãnh thổ Tây Bắc. Canada cũng đang trải qua mùa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử, với hơn 1.000 đám cháy đang hoành hành, trong đó hơn 236 đám cháy tập trung ở Vùng lãnh thổ Tây Bắc.
Người đứng đầu cơ quan quản lý khẩn cấp hạt Maui (Mỹ), ông Herman Herman Andaya, đã đệ đơn xin từ chức trong bối cảnh cơ quan này đang chịu nhiều ý kiến chỉ trích về cách thức ứng phó thảm họa cháy rừng được cho là tồi tệ nhất thế kỷ.