Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới tăng cường theo dõi và thực hiện biện pháp phòng ngừa COVID-19. Theo WHO, trong thời gian từ ngày 20/11-17/12, số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu tăng đáng kể, với 105 nước ghi nhận tổng cộng 850.000 ca mắc mới, tăng 52% so với khoảng thời gian 28 ngày trước đó.
WHO kêu gọi các nước tăng cường giám sát đồng thời áp dụng biện pháp phòng ngừa virus SARS-COV-2 gây bệnh COVID-19 cũng như biến thể JN.1. WHO ngày 19/12 đã xếp JN.1 vào nhóm biến thể được quan tâm vì lây lan ngày càng nhanh chóng nhưng lưu ý rằng nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng vẫn ở mức thấp.
JN.1 có nguồn gốc từ BA.2.86 (Pirola), một biến thể phụ được thế giới chú ý trong mùa hè vừa qua vì có nhiều thay đổi đối với các protein gai với hơn 30 cái. Trong khi đó, JN.1 chỉ có một thay đổi về protein gai so với BA.2.86, nhưng dường như đã đủ để khiến nó trở thành một loại virus mạnh và nhanh hơn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, biến thể JN.1 đang lây lan nhanh chóng và hiện gây ra gần 50% số ca mắc mới COVID-19 ở nước này. Khả năng miễn dịch suy yếu của người dân Mỹ được cho là một trong những nguyên nhân khiến số trường hợp nhiễm JN.1 tăng. Nhiều người Mỹ đã không tham gia đợt tiêm chủng COVID-19 mới nhất và họ cũng có thể đã bỏ qua đợt tiêm chủng này vào năm ngoái.
Thông cáo báo chí tối 28/12 của Bộ Y tế Campuchia, nước này đã phát hiện 4 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới JN.1. Một số quốc gia ở châu Âu trong đó có Đan Mạch, Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp và Hà Lan đã ghi nhận xu hướng gia tăng theo cấp số nhân các trường hợp nhiễm JN.1 và kéo theo đó là số ca nhập viện ngày càng tăng. Xu hướng này cũng đang phát triển nhanh chóng ở Australia, châu Á và Canada.
Ngày 28/12, giới chức y tế Trung Quốc cho biết nước này đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa tích cực để đối phó với số ca mắc COVID-19 mới liên quan đến biến thể JN.1 hiện đang lây lan trên toàn cầu.
Khí hậu cực đoan tại nhiều khu vực tuần cuối cùng của năm 2023
Bão lụt, sương mù dày đặc, nắng nóng gay gắt là những hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện trong tuần vừa qua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhiều người.
Tính đến ngày 25/12, các trận lũ lụt do mưa lớn kéo dài đã khiến hơn 9.900 người ở Malaysia phải sơ tán đến nơi an toàn. Lũ lụt tại miền Nam Thái Lan đã khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và ảnh hưởng đến hàng chục nghìn hộ gia đình. Đợt lũ này bắt đầu từ ngày 22/12, gây ảnh hưởng đến hơn 70.000 hộ gia đình sinh sống tại các tỉnh Satun, Songkhla, Pattani, Yala và Narathiwat. Cục Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai Thái Lan cho biết nước lũ đã bắt đầu rút trong sáng 27/12.
Trong tuần qua, bão Gerrit đã gây gián đoạn giao thông nghiêm trọng tại Anh. Mưa lũ khiến dịch vụ của 12 công ty đường sắt bị gián đoạn trong khi dịch vụ của 5 công ty khác bị chậm giờ. Văn phòng Khí tượng Quốc gia Anh (Met) đưa ra cảnh báo thời tiết vàng - mức gây gián đoạn giao thông - trong ngày 27 và sáng 28/12 và hơn 150 cảnh báo mưa lũ trong ngày 27/12.
Bão dữ dội đã đổ bộ vào các bang phía Đông của Australia trong hai ngày 25-26/12, kèm theo mưa lớn, mưa đá và gió mạnh. Cảnh sát Australia cho biết ít nhất 6 người thiệt mạng và 3 người mất tích sau khi bão mạnh đổ bộ. Bên cạnh đó, tờ Guardian (Anh) đưa tin, một đợt nắng nóng nghiêm trọng dự kiến sẽ ảnh hưởng đến nhiều khu vực ở Queensland, Lãnh thổ phía Bắc và Western Australia khi bước vào năm mới. Nhiều vùng rộng lớn đã được đặt trong tình trạng báo động, với điều kiện nhiệt độ cao hơn mức trung bình từ 8-12 độ C. Vào 29/12, Marble Bar ở vùng Pilbara của Western Australia đã đạt kỷ lục 49 độ C, với dự đoán nền nhiệt ở mức 45 độ C trong sáu ngày tới.
Tối 28/12, Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc nhắc lại cảnh báo màu cam về nguy cơ sương mù dày đặc tại một số khu vực. Đây là mức cao thứ 2 trong hệ thống cảnh báo gồm 3 cấp của nước này. Sương mù cũng gây cản trở đến cuộc sống của người dân tại thủ đô Ấn Độ và Bangladesh. Ngày 27/12, vùng thủ đô New Delhi của Ấn Độ và Dhaka của nước láng giềng Bangladesh chìm trong sương mù dày đặc, tác động đến các hoạt động giao thông và sức khỏe của người dân.
Xung đột Israel – Hamas vẫn bế tắc
Ngày 26/12, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Herzi Halevi cho rằng cuộc xung đột giữa nước này với phong tràoHamas ở Dải Gaza sẽ kéo dài trong nhiều tháng nữa. Ông Halevi đưa ra nhận định trên trong bối cảnh Israel ngày 26/12 tiếp tục tấn công các mục tiêu của Hamas ở Dải Gaza. Cùng ngày, Liên hợp quốc (LHQ) bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Israel tiếp tục ném bom vào miền Trung Dải Gaza, đồng thời kêu gọi quân đội nước này thực hiện mọi biện pháp có thể nhằm bảo vệ dân thường.
Về phần mình, IDF nói rằng họ rất tiếc về tổn hại đối với những người không tham chiến trong cuộc tấn công khiến hàng chục người thiệt mạng tại trại tị nạn Maghazi, ở miền Trung Gaza. IDF đồng thời thừa nhận cuộc không kích nhắm vào các thành viên Hamas nhưng lại gây ra thiệt hại bất ngờ cho dân thường không liên quan.
Ngày 28/12, Israel đã bước đầu nhất trí về việc cho phép mở hàng lanh vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo bằng đường biển đến Dải Gaza qua Cyprus. Trước đó hai ngày, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã gặp Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược Israel Ron Dermer để thảo luận về việc chuyển sang "giai đoạn mới" của cuộc chiến giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas.
Trong một diễn biến khác, WHO vào ngày 27/12 cho rằng nạn đói và chiến tranh khiến dân số ở Dải Gaza đang ở trong tình trạng "nguy hiểm nghiêm trọng”. Khoảng 2,4 triệu người dân Gaza đang phải sống trong tình cảnh thiếu nước, thực phẩm, nhiên liệu và thuốc trầm trọng, với nguồn viện trợ hạn chế. Ngày 27/12, liên lạc viễn thông và internet trên Dải Gaza đã bị gián đoạn, ảnh hưởng tới công tác liên lạc thông tin y tế với vùng đất này. Hội Chữ thập Đỏ Palestine thông báo hoàn toàn mất liên lạc với các đội chuyên trách tại Dải Gaza.
Qatar đã đề xuất một thỏa thuận mới nhằm chấm dứt các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza và thành lập một chính phủ đoàn kết của người Palestine không liên quan trực tiếp đến Phong trào Hồi giáo Hamas. Qatar đã trình bày đề xuất này với Israel, Chính quyền Palestine, lực lượng Hamas và các tổ chức quốc tế cũng như các tổ chức Arab có ảnh hưởng trong vấn đề Palestine. Hiện Israel chưa đưa ra bất kỳ phản hồi chính thức nào về đề xuất này. Trong khi đó, lãnh đạo của lực lượng Hamas, Mahmoud Mardawi, xác nhận sẵn sàng đón nhận bất cứ sáng kiến hay nỗ lực nào giúp chấm dứt xung đột ở Gaza.
Nóng trên biển Đỏ
Là cầu nối then chốt giữa Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải, Biển Đỏ đóng vai trò tuyến đường thương mại quan trọng cho vận tải biển và cung cấp năng lượng toàn cầu. Kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát và leo thang sau vụ nổ ngày 17/10 tại một bệnh viện ở Gaza, các lãnh đạo Houthi khẳng định Israel là mục tiêu của họ.
Houthi cho biết muốn ngăn chặn các tàu Israel di chuyển trên Biển Đỏ cho đến khi hành động gây hấn của Israel chống lại "những người anh em kiên định của chúng tôi ở Dải Gaza dừng lại”. Houthi mô tả các cuộc tấn công gần đây của lực lượng này tại Biển Đỏ là chiến dịch đoàn kết với 2,3triệu người Palestine ở Gaza sống dưới bao vây và bắn phá của Israel.
Các cuộc tấn công khiến cước phí vận tải biển tăng mạnh khi các công ty phải tìm kiếm tuyến đường thay thế, thường dài hơn và mất nhiều ngày di chuyển gây tốn kém nhiên liệu. Trước diễn biến này, Mỹ đã thành lập liên minh an ninh và phát động chiến dịch "Người bảo vệ thịnh vượng". Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, những nước tham gia liên minh gồm Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles, Tây Ban Nha, Anh, Hy Lạp, Australia và một số quốc gia khác.
Italy, Pháp và Tây Ban Nha mới đây đã phủ nhận việc tham gia liên minh an ninh do Mỹ dẫn đầu ở Biển Đỏ, đồng thời khẳng định cam kết hoạt động dưới sự chỉ huy của các tổ chức quốc tế như LHQ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay Liên minh châu Âu (EU). Ngày 28/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết Đức và các đối tác thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc triển khai một sứ mệnh hàng hải mới để bảo vệ các tàu thương mại trước mối đe dọa an ninh ở Biển Đỏ.
Bộ Giao thông vận tải và Phòng Thương mại Jordan ngày 28/12 đã nhất trí thành lập một ủy ban chung để giám sát an toàn hoạt động vận tải ở Biển Đỏ và các diễn biến khác trên tuyến hàng hải huyết mạch này.
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 26/12 thông báo lực lượng nước này đã bắn hạ hàng chục thiết bị bay không người lái và tên lửa do lực lượng Houthi ở Yemen thực hiện nhắm vào các tàu thương mại di chuyển ở Biển Đỏ.
Cùng ngày 26/12, các nguồn tin an ninh của Ai Cập cho biết một thiết bị bay không người lái khả nghi đã bị bắn hạ ở ngoài khơi Biển Đỏ. Đây là vụ việc thứ hai trong vòng một tháng qua.
Theo Lầu Năm Góc, kể từ khi xung đột ở Gaza bùng phát, lực lượng Houthi đã tiến hành hơn 100 vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa, nhắm vào 10 tàu thương mại liên quan đến 35 quốc gia di chuyển trên Biển Đỏ.