Tại phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện cuối tuần qua, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED Jerome Powell cho biết, cơ quan này có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất cho vay chủ chốt trong năm nay. Tuy nhiên, FED chưa "chốt” thời điểm giảm lãi suất, trong khi giới phân tích khuyến cáo cần cắt giảm lãi suất sớm trước khi rơi vào tình thế khó xử.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). (Ảnh: Reuters)
Đối phó với "bão lạm phát”, thời gian qua, FED đã tăng lãi suất cho vay lên mức cao nhất trong 23 năm. Động thái này đã khiến lạm phát giảm dần từ mức cao nhất trong nhiều thập niên, tiến gần mục tiêu dài hạn 2% hiện nay. Thị trường hiện kỳ vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất ba lần vào năm 2024, với lần cắt giảm lãi suất đầu tiên xảy ra vào tháng 6.
Dù vậy, lạm phát vẫn có thể tăng khi những dữ liệu gần đây cho thấy con đường đi đến mục tiêu này còn nhiều khó khăn. Theo đó, giới chức Mỹ vẫn đang lưỡng lự trước quyết định hạ lãi suất do các tín hiệu từ nền kinh tế chưa thật sự rõ ràng.
Trong khi đó, cựu Chủ tịch FED Louis James Bullard vừa cảnh báo rằng, FED "cần cắt giảm lãi suất sớm và chậm”. Ông cho rằng sẽ thật khó xử khi FED có tỷ lệ lạm phát gần 2% mà lãi suất chính sách vẫn còn trong khoảng 5,25-5,5%. Theo ông Bullard, báo cáo việc làm tháng 2 của Mỹ làm tăng khả năng ngân hàng trung ương sẽ sớm thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên.
Ông cho rằng tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,9% sẽ là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong hơn hai năm. Báo cáo việc làm trong tháng 2 của Mỹ được Bộ Lao động nước này công bố hôm 8/3 cho thấy nền kinh tế đã có thêm 275.000 việc làm mới trong tháng 2. Sau khi điều chỉnh, mức tăng trưởng việc làm trong ba tháng qua trung bình là 264.000 việc làm mới. Với các số liệu kinh tế vĩ mô hiện nay, Bullard khẳng định "tất cả con số hiện tại đều khá tốt”, song ông không thấy bất cứ điều gì về nguy cơ suy thoái cao bất thường. Bởi vậy đã đến lúc FED cần hạ lãi suất.
Tuy nhiên, các quan chức đương nhiệm của FED hiện vẫn lưỡng lự với quyết định cụ thể về việc hạ lãi suất trong năm nay. Tại phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện ngày 7/3, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang duy trì được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường lao động ổn định và những tiến bộ liên tục trong việc giảm lạm phát, FED "có thể và sẽ” bắt đầu cắt giảm lãi suất cho vay chủ chốt trong năm nay, nếu nền kinh tế tiếp tục phát triển theo hướng tích cực. FED có ý định giảm lãi suất trong năm nay từ mức 5,25-5,5%, nhưng cơ quan này hiện chưa xác định thời điểm đưa ra quyết định.
Một số quan chức của FED hiện vẫn khuyến cáo cần thận trọng với nguy cơ "bóng ma lạm phát” quay trở lại. Chủ tịch FED chi nhánh bang Cleveland (FED Cleveland) Loretta Mester trong phát biểu tại một hội nghị hôm 7/3 cho rằng, không nên cắt giảm lãi suất quá sớm hay quá nhanh khi chưa có bằng chứng nào khẳng định lạm phát đã được kiểm soát và sẽ sớm quay trở lại mức mục tiêu 2%.
Điều này có thể làm suy yếu tất cả những nỗ lực kiểm soát lạm phát của Mỹ trong thời gian qua và báo cáo lạm phát trong tháng 1/2024 là "lời cảnh báo rõ nhất”. Chủ tịch FED Jerome Powell trong một phát biểu gần đây cũng đánh giá thận trọng rằng, tiến triển trong quá trình kiềm chế lạm phát hiện "không chắc chắn”.
Trước những động thái nêu trên, có thể thấy ở thời điểm hiện tại, FED vẫn lưỡng lự trong việc thực hiện giảm lãi suất. Tuy nhiên, giới phân tích kỳ vọng chính sách lãi suất này sẽ thay đổi trong những tháng tới cùng với tín hiệu tích cực từ chỉ số lạm phát và thị trường việc làm của Xứ cờ hoa. Theo thăm dò từ CME, thị trường đánh giá 70% khả năng FED sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào khoảng giữa tháng 6 tới.
Một khi nền kinh tế số một thế giới thay đổi chính sách theo hướng giảm lãi suất, đây không chỉ là tin vui với doanh nghiệp Mỹ, mà còn là tín hiệu tích cực với kinh tế toàn cầu, bởi đó là dấu mốc quan trọng cho thấy lạm phát được đẩy lùi và kinh tế toàn cầu có triển vọng bước vào thời kỳ tăng trưởng ổn định hậu Covid-19.
Theo Báo Nhân Dân
Từ ngày 4-6/3, Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ASEAN-Australia được tổ chức tại thành phố Melbourne với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN, Australia và Tổng Thư ký ASEAN. Thủ tướng Timor Leste được mời tham dự hội nghị lần này với tư cách quan sát viên.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, phiên họp thường kỳ lần thứ 159 của Hội đồng Ngoại trưởng các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã diễn ra ngày 3/3, tại trụ sở GCC ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Phiên họp này do Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed Al-Thani chủ trì.
Ngày 2/3, Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki cho biết Chính quyền Palestine (PA) hy vọng các bên sẽ kịp thời đạt được nhất trí về một lệnh ngừng bắn ở Gaza cho tháng lễ Ramadan. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực nhằm đạt được lệnh ngừng bắn.
Chính phủ Bulgaria ngày 1/3 đã quyết định ngừng nhập khẩu dầu của Nga như một phần của lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga do cuộc chiến tại Ukraine.
Hy vọng về một lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza lại một lần nữa được thắp lên sau nhiều lần mừng hụt.
Hơn hai năm nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, cam kết suy yếu của Mỹ đang làm dấy lên lo ngại rằng Moskva có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến - và rằng châu Âu có thể phải tự lực cánh sinh trong các cuộc xung đột tương lai.