Đầu tháng 4 này, 9 trẻ em đã thiệt mạng trong vụ nổ bom sót lại sau chiến tranh tại tỉnh Ghazni, miền Đông Afghanistan. Vụ nổ xảy ra khi một nhóm em nhỏ từ 4-10 tuổi vô tình tìm thấy quả bom và coi đó là đồ chơi.


Lực lượng Taliban gác tại hiện trường một vụ tấn công ở Faizabad, tỉnh Badakhshan (Afghanistan). Ảnh: AFP/TTXVN

Hồi tháng 3, một vụ nổ bom tương tự ở tỉnh Helmand, miền Nam nước này cũng khiến 3 trẻ thiệt mạng và 2 em bị thương. Sau hơn 4 thập niên chứng kiến xung đột và chiến tranh, Afghanistan hiện là một trong những quốc gia có nhiều bom mìn còn sót lại nhất, cũng là quốc gia chịu nhiều thương vong do bom mìn gây ra nhất thế giới, mặc dù kể từ năm 1989, hơn 18 triệu quả bom mìn tại nước này đã được rà phá, giải phóng hơn 3.000km2 đất. Những sự việc thương tâm trên cho thấy hiểm họa do bom mìn sót lại sau chiến tranh vẫn hằng ngày rình rập cuộc sống của nhiều người dân.

Bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh và thiết bị nổ tự chế (IED) được xem là "mối hiểm họa ẩn mình" đe dọa trực tiếp hàng triệu người tại các khu vực đã và đang trải qua chiến tranh, xung đột trên khắp thế giới, từ Afghanistan, Sudan, Ukraine, Colombia đến Gaza. Theo tờ Guardian, kể từ năm 2001, lực lượng không quân Mỹ và NATO đã thả 20.000 tấn bom xuống Afghanistan, khoảng 10% trong số đó khi chạm đất không phát nổ và bị chôn vùi trong lòng đất, là nguy cơ đe dọa mạng sống của người dân (gần 100 người Afghanistan chết vì bom mìn còn sót lại sau chiến tranh mỗi tháng). Giới chuyên gia ước tính, với tốc độ rà phá như hiện nay, phải mất vài trăm năm nữa bom mìn sót lại tại Afghanistan mới được tháo gỡ hết. Thống kê cũng cho thấy bom mìn, vật liệu nổ vẫn được tìm thấy dọc đường, khu vực biên giới, gần nhà, trường học và nhiều địa điểm khác tại gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, ước tính 60 triệu người trên thế giới sống trong rủi ro khi không có con đường khác đến trường, không có mảnh đất an toàn để trồng trọt và không được tiếp cận dịch vụ y tế gần nhất do mối đe dọa của bom mìn sót lại. 

Theo báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ), năm 2022 ghi nhận 9.198 người thương vong, tức là cứ 1 giờ trôi qua có hơn 1 người tử vong hoặc thương tật do bom mìn, vật liệu nổ gây ra. Dân thường vẫn là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nhất, chiếm 73% số thương vong nêu trên. Trẻ em là nhóm đặc biệt có nguy cơ cao. 

Ngay cả khi chiến tranh và xung đột đã đi qua, trong lòng đất, trên những cánh đồng, dưới lòng sông hay giữa rừng cây vẫn ẩn chứa hiểm họa chết người của bom mìn, vật liệu nổ sót lại. Trong thời bình, bom mìn vẫn nổ, con người vẫn chịu thương vong. Bom mìn sót lại có thể gây ô nhiễm đất và môi trường, đe dọa cuộc sống hằng ngày của người dân, cản trở hoạt động viện trợ phát triển và nhân đạo. Trong bối cảnh đó, năm nay, LHQ chọn chủ đề "Bảo vệ cuộc sống, xây dựng hòa bình” cho Ngày Quốc tế nhận thức bom mìn và Hỗ trợ hành động tháo dỡ bom mìn (4/4) để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ dân thường và thúc đẩy hòa bình trong các khu vực xung đột, chống sử dụng bom mìn bừa bãi, sát hại thường dân vô tội.

Thời gian qua, chiến lược về hành động chống bom mìn của LHQ được xây dựng dựa trên 5 "trụ cột” chính gồm: giải phóng đất đai; giáo dục về những nguy cơ liên quan đến bom mìn; hỗ trợ nạn nhân; rà phá các loại bom mìn còn sót lại và thúc đẩy các công cụ pháp lý quốc tế. Chỉ tính riêng năm 2022, LHQ đã tài trợ cho hoạt động rà phá và phục hồi 163 km2 diện tích đất từng bị ô nhiễm bom mìn, trong đó khu vực rộng lớn nhất được phục hồi tại Iraq, Campuchia và Afghanistan. Cũng năm 2022, LHQ đã giúp hơn 5,5 triệu người được tiếp cận trực tiếp với giáo dục về những nguy cơ do bom mìn. Con số này cao gấp đôi so với năm 2021 và cao nhất kể từ khi bắt đầu theo dõi kết quả thực hiện Chiến lược 2019-2023. Bên cạnh đó, LHQ tiếp tục đạt được tiến bộ trong việc hỗ trợ nhu cầu của những người bị thương tật do tai nạn bom mìn. Năm 2022, có 14 chương trình của LHQ hỗ trợ các nạn nhân kết nối với dịch vụ do nhà nước hoặc các đối tác khác cung cấp.

Việt Nam cũng một trong số các quốc gia chịu hậu quả rất nặng nề của bom mìn sót lại sau chiến tranh. Từ năm 1975 đến nay, bom, mìn sót lại đã làm hơn 40.000 người thiệt mạng, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Trung bình mỗi năm bom mìn sót lại sau chiến tranh đã cướp đi tính mạng của hơn 1.000 người và hơn 1.300 người phải mang thương tật suốt đời. Trong 10 năm đầu thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 – 2025, diện tích ô nhiễm bom mìn đã giảm xuống còn 5,6 triệu ha đất đai, tương đương 17,71% tổng diện tích của cả nước (trước năm 2010 là 6,1 triệu ha. Chương trình giai đoạn 2021-2025 đang được tích cực triển khai với mục tiêu sớm đưa Việt Nam thành quốc gia không còn thương vong do bom mìn sau chiến tranh. 

Trong thông điệp năm 2024, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các nước thành viên hỗ trợ Chiến lược Hành động bom mìn của LHQ: "Từng quốc gia, từng cộng đồng, hãy loại bỏ những vũ khí này trên thế giới, một lần và mãi mãi”, để thế giới có thể vĩnh viễn "giã từ" mối hiểm họa ẩn mình của bom mìn sót lại sau chiến tranh.



Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Độc đáo máy bay ''Tomorrowland'' mới với công nghệ thực tế tăng cường

Brussels Airlines vừa giới thiệu phiên bản mới của chiếc máy bay "Amare" mang màu sắc lễ hội Tomorrowland, đánh dấu sự hợp tác lâu dài giữa hãng hàng không Bỉ và lễ hội âm nhạc điện tử nổi tiếng thế giới.

Kế hoạch phòng thủ dân sự của Thụy Điển cho tình huống xung đột lan rộng ở châu Âu

Thụy Điển đang tăng cường phòng thủ dân sự, đặc biệt là kế hoạch đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn khủng hoảng.

Nga và Ukraine nhất trí trao đổi trẻ em di dời do xung đột

Nga và Ukraine đã nhất trí trao đổi khoảng 50 trẻ em phải di dời sau khi xung đột giữa hai nước bùng phát hồi tháng 2/2022.

Tại sao ông Trump không phản đối gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine?

Ông Trump có thể được hưởng lợi khi để Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine.

Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục