Trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên gia tăng căng thẳng chung quanh vụ tàu chiến Chơ-nan của Hàn Quốc bị đánh chìm vì trúng ngư lôi.
Hội nghị cấp cao ba nước Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản diễn ra mới đây tại đảo Chê-chu (Hàn Quốc) thu hút sự quan tâm của dư luận khu vực và quốc tế. Tại Hội nghị cấp cao này, các nhà lãnh đạo ba nước không chỉ thảo luận về việc tăng cường hợp tác giữa ba cường quốc kinh tế ở khu vực Ðông - Bắc Á này, mà còn bàn biện pháp xử lý tình trạng căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.
Hội nghị cấp cao ba nước Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản diễn ra tại hòn đảo du lịch nổi tiếng Chê-chu của Hàn Quốc trong hai ngày 29 và 30-5 vừa qua là cuộc họp cấp cao hằng năm lần thứ ba giữa ba nước được tổ chức theo thỏa thuận năm 2008. Chủ đề chính của Hội nghị cấp cao lần này là tăng cường hợp tác thương mại giữa ba nền kinh tế lớn hàng đầu của châu Á cũng như ở khu vực Ðông-Bắc Á. Tại hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Ly Miêng Pắc cùng Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nhật Bản Y.Ha-tô-y-a-ma đã thảo luận một loạt vấn đề, tập trung vào các kế hoạch đẩy nhanh hợp tác khu vực và nhất thể hóa giữa ba nền kinh tế. Ba nhà lãnh đạo cũng bàn về tăng cường quan hệ hợp tác giữa ba nước trong các lĩnh vực như môi trường, văn hóa, công nghệ và ngăn chặn thảm họa; những vấn đề kinh tế quốc tế quan trọng và cách thức thúc đẩy hơn nữa hoạt động thương mại. Ba nhà lãnh đạo cùng nhấn mạnh nguyện vọng đẩy nhanh đàm phán với hy vọng trong vài tháng tới có thể ký được hiệp định hợp tác đầu tư tay ba, cũng như việc sớm thành lập quỹ nghiên cứu chung để tài trợ cho các cuộc nghiên cứu về những vấn đề mà ba nước cùng quan tâm như vấn đề môi trường, khoa học đời sống và một số lĩnh vực khác.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã thông qua văn bản phác thảo về kế hoạch hợp tác trong mười năm tới. Các nhà lãnh đạo ba nước cùng cam kết tăng cường hợp tác ba bên trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, bảo vệ môi trường và giao lưu văn hóa. Theo đó, sau khi làm rõ các mục tiêu chi tiết và mục tiêu dài hạn trong thập kỷ tới, cả ba nước sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác ba bên lên tầm cao mới, củng cố hơn nữa quan hệ đối tác, nhằm đạt kết quả lớn hơn trong mối quan hệ hợp tác cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân ba nước. Ba nhà lãnh đạo nhất trí thiết lập cơ chế hợp tác để tăng cường sự tin cậy chiến lược giữa ba bên, trong đó có việc thành lập ban thư ký hợp tác ba bên tại Hàn Quốc vào năm 2011 để cùng giải quyết vấn đề thiên tai; thảo luận về cơ chế đối thoại quốc phòng ba bên, nhằm tăng cường các cuộc tiếp xúc an ninh, thắt chặt đối thoại chính trị và hợp tác trong lĩnh vực cảnh sát, đồng thời thúc đẩy trao đổi giữa chính phủ ba nước ở cấp địa phương.
Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo ba nước cam kết sẽ cố gắng hoàn thành nghiên cứu tính khả thi của thỏa thuận tự do thương mại ba bên vào năm 2012, vốn đã được tiến hành từ tháng 5-2010, sau đó tiến hành đàm phán cấp chính phủ tiến tới thiết lập khu vực tự do thương mại giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, khu vực hiện chiếm tới 16% GDP toàn cầu. Các nhà lãnh đạo cho biết, ba nước "kiên quyết phản đối chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức để bảo vệ và củng cố hệ thống thương mại" và sẽ hoàn thành đàm phán về thỏa thuận đầu tư và tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các công ty và doanh nghiệp trong khu vực.
Theo các nhà phân tích, mặc dù trên thế giới hiện có gần 400 khu vực tự do thương mại, nhưng việc thành lập khu vực tự do thương mại gồm ba cường quốc kinh tế ở Ðông-Bắc Á là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản mới chỉ là "ý tưởng". Quá trình này còn phải trải qua một chặng đường dài và còn cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu ý tưởng trên trở thành hiện thực, khối kinh tế này sẽ gồm những nền kinh tế lớn nhất, nhì và thứ tư ở châu Á, chiếm 70% GDP của châu lục này và 20% GDP của toàn thế giới và chỉ đứng sau Liên hiệp châu Âu (EU) và Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế của ba nước này có khả năng bổ sung lớn lẫn nhau. Trong đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc và lớn thứ hai của Nhật Bản, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa ba nước lên tới khoảng 200 tỷ USD/năm. Trung Quốc có ưu thế lớn trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên và các ngành công nghiệp cần nhiều nhân công, trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản có thế mạnh trong lĩnh vực vốn và công nghệ. Ðây chính là những yếu tố giúp củng cố việc hình thành khối hợp tác về thương mại giữa ba nước này.
Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, việc thành lập khu vực tự do thương mại gồm ba nước vẫn cần phải cân nhắc kỹ. Vì khi khu vực tự do thương mại được thành lập, Trung Quốc cần phải xem xét kỹ về tác động của nó tới một số ngành công nghiệp của nước này cũng như cái giá phải trả về mặt kinh tế cũng như xã hội và việc tự do hóa các lĩnh vực khác, trong đó có nông nghiệp.
Tại Hội nghị cấp cao nói trên, một chủ đề quan trọng khác được các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản thảo luận là vấn đề ổn định và hòa bình ở khu vực Ðông-Bắc Á. Ba nhà lãnh đạo tuyên bố rằng, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên rất có lợi cho sự trường tồn của nền hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực này. "Vì vậy, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ nỗ lực để đạt được các mục tiêu đề ra trong Tuyên bố chung ngày 19-9-2005 thông qua trong cuộc đàm phán sáu bên". Liên quan vụ chìm tàu chiến Chơ-nan của Hàn Quốc, ba nhà lãnh đạo nhất trí việc giải quyết hợp lý vụ này là quan trọng đối với an ninh Ðông-Bắc Á. Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã kêu gọi giảm căng thẳng tại Ðông-Bắc Á, tránh để xảy ra xung đột giữa hai miền Triều Tiên. Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ tích cực phối hợp các bên liên quan và đưa tình hình hiện nay theo hướng có lợi cho việc thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực, phù hợp nhất với lợi ích chung và dài hạn của các nước trong khu vực.
Trong một động thái khác nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các nước ở khu vực Ðông-Bắc Á, ngay sau Hội nghị cấp cao ba bên nói trên ở đảo Chê-chu (Hàn Quốc), Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã thăm chính thức Nhật Bản. Tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Trung Quốc và Thủ tướng nước chủ nhà, hai bên đã nhất trí thiết lập đường dây nóng giữa Thủ tướng hai nước. Các quan chức ngoại giao của hai nước cho biết, việc thiết lập đường dây nóng nhằm giúp hai bên tránh những sự cố và rủi ro ở các khu vực tranh chấp giữa hai quốc gia, nhất là tại các vùng biển chồng lấn tuyên bố chủ quyền. Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tiến hành đàm phán về việc thực hiện nguyên tắc đồng thuận trong vấn đề biển Hoa Ðông, đẩy nhanh thành lập một cơ chế liên lạc trên biển giữa các cơ quan quốc phòng hai nước, đàm phán và sớm đi tới ký hiệp định về cứu hộ trên biển. Thủ tướng Nhật Bản mong muốn thúc đẩy phát triển hơn nữa mối quan hệ chiến lược cùng có lợi với Trung Quốc. Trong khi đó, Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định, hai nước hoàn toàn có thể xây dựng mối quan hệ chiến lược bền vững bằng việc nâng cao sự tin cậy lẫn nhau thông qua các hành động chung như cùng đối phó cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua.
Theo ND
Theo báo cáo hằng năm của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Xtốc-khôm (SIPRI) của Thụy Ðiển công bố ngày 2-6, năm 2009 tổng chi phí về quân sự trên toàn thế giới tăng lên mức kỷ lục 1,5 nghìn tỷ USD, tăng 5,9% so với năm 2008 và tăng 49% so với năm 2000.
Khoảng cách giàu nghèo chưa bao giờ lại lớn đến như thế! Tân Hoa xã báo động. Cách biệt giữa người giàu và người nghèo tại Trung Quốc đang tiến gần mức nguy hiểm “không thể chịu đựng nổi nữa!”.
Một hố sụt có kích thước khổng lồ đã hình thành tại thủ đô Guatemala sau khi bão Agatha quét qua Trung Mỹ, khiến ít nhất 150 người thiệt mạng.
Đài truyền hình NHK của Nhật vừa đưa tin Thủ tướng Hatoyama đã nói với các lãnh đạo trong đảng của ông rằng ông sẽ từ chức, sau khi ông bị chỉ trích vì không giữ lời hứa di dời một căn cứ thủy quân lục chiến Mỹ ra khỏi đảo Okinawa.
Israel tuyên bố sẽ thả tất cả nhà hoạt động vừa bị bắt và cùng Ai Cập tạm nới lỏng phong tỏa Dải Gaza - sau khi vấp phải sự chỉ trích kịch liệt từ quốc tế về vụ đột kích đẫm máu của lính Israel vào đoàn tàu chở hàng cứu trợ đến Gaza.
Số người chết được dự đoán sẽ vượt qua con số 255 khi Ấn Độ đối mặt với nhiệt độ tăng cao kỷ lục, lên tới 50 độ C vào mùa hè nóng nhất trong lịch sử.