Mỹ vừa chính thức chấm dứt sứ mạng tham chiến ở Iraq, nhưng điều này không có nghĩa là chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ ở nước này. Tại Baghdad vẫn bề bộn đổ vỡ và bất ổn, Thủ tướng Maliki nói Iraq đã độc lập, nhưng không giấu được nỗi lo.
“Mỹ đã phải trả một giá đắt”, đó chính là lời thừa nhận của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại phòng Bầu Dục và được phát trên truyền hình vào giờ vàng tối qua (giờ Mỹ), khi long trọng tuyên bố việc Mỹ chính thức triệt thoái các đơn vị chiến đấu ra khỏi Iraq.
Tổng thống đã giải thích cho người dân Mỹ các thành tích mà Mỹ đã đạt được tại Iraq kể từ năm 2003, nhấn mạnh đến cam kết liên tục đối với sự ổn định của Iraq, và tuyên dương các hy sinh của các thành viên quân đội Mỹ. Sau khi ca ngợi sứ mạng chiến đấu của quân Mỹ ở Iraq, Tổng thống Mỹ cho rằng “nhiệm vụ khẩn cấp nhất” của người dân Mỹ giờ đây là “khôi phục nền kinh tế” Mỹ. Ông khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ chính phủ và nhân dân Iraq.
Trong khi tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama đọc diễn văn được truyền hình về vấn đề Iraq với công chúng, đứng tại thủ đô Baghdad, Thủ tướng Iraq nói nước ông nay đã độc lập khi Mỹ chính thức chấm dứt các hoạt động tác chiến.
''Iraq ngày hôm nay tòan vẹn lãnh thổ và độc lập," ông Maliki nói với người dân Iraq trong một bài diễn văn trên truyền hình. Thủ tướng Nouri Maliki nói các lực lượng an ninh của Iraq nay sẽ đối phó với tất cả mọi đe dọa, bất kể đến từ đâu. “Các lực lượng an ninh của chúng ta sẽ dẫn đầu trong việc bảo đảm an ninh và bảo vệ đất nước, và diệt trừ mọi mối đe dọa mà chúng ta phải đương đầu, từ bên ngoài, hoặc từ trong nước”.
Vào hôm nay, quân đội Mỹ sẽ tổ chức buổi lễ do Phó tổng thống Joe Biden chủ trì, nhằm đánh dấu một giai đoạn mới của sự hiện diện quân sự Mỹ tại Iraq. Đó là chiến dịch “Tân rạng đông”, với 50.000 quân Mỹ ở lại đây để làm nhiệm vụ huấn luyện cho lực lượng an ninh địa phương.
Tổng thống Obama đã ấn định thời biểu là cuối năm 2011 cho việc triệt thoái toàn bộ lực lượng Mỹ ra khỏi Iraq. Cho đến thời điểm đó, các binh sĩ Mỹ còn lại sẽ cố vấn và trợ giúp cho lực lượng Iraq, xúc tiến các cuộc hành quân chống khủng bố và bảo vệ nhân viên dân sự và các nhà ngoại giao của Mỹ. Hiện nay con số lính Mỹ tại đây là 49.700 người, so với trước đây có lúc lên đến 170.000 quân.
… và sự thật bề bộn
Trong bài phát biểu mang tính lịch sử hôm qua, Tổng thống Mỹ nói về cái giá lớn mà đất nước và người dân Mỹ phải trả cho cuộc chiến này “để trao tương lai Iraq vào tay người dân nước này”, nhưng tương lai Iraq sẽ ra sao?
Không có cuộc biểu tình nào trên đường phố để ăn mừng sự kiện Mỹ triệt thoái các đơn vị chiến đấu, trái với hồi tháng 6/2009, khi quân Mỹ bắt đầu rút khỏi Iraq. Giới chuyên gia đánh giá, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Iraq đã không mang lại kết quả mong đợi.
Hơn bảy năm sau khi nhà độc tài Saddam Hussein bị lật đổ, Iraq vẫn chưa thành lập được chính phủ sau cuộc bầu cử ngày 7/3, vì các đảng phái vẫn bất đồng với nhau, đa số người dân đang sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Còn về mặt an ninh, trong những tuần lễ gần đây, lại có một loạt các vụ tấn công khủng bố. Tối trước ngày cuối cùng lực lượng tham chiến Mỹ ở Iraq, hai loạt đạn rốc-két đã rơi xuống khu vực ngoại giao và hành chính vốn được bảo vệ chặt chẽ nhất ở thủ đô Baghdad.
Kể từ khi đưa quân vào Iraq, các lực lượng Mỹ đã chịu tổn thất sinh mạng là hơn 4.500 binh sĩ. Trong bảy năm qua, quá 1 triệu người Iraq bị giết hại. Mục tiêu từng được Mỹ tuyên bố là giải thoát nhân dân Iraq khỏi nhà độc tài tàn ác, còn thế giới khỏi các vũ khí hủy diệt hàng loạt đã biến thành sự hỗn loạn kéo dài và những đổ máu. Người Mỹ thành công khá dễ dàng trong việc lật đổ Saddam Hussein và kết tội nhân vật này. Tuy nhiên, nguyên nhân chính của cuộc xâm lược là tìm kiếm và thủ tiêu các vũ khí hủy diệt hàng loạt lại vẫn “lơ lửng” trong không trung. Cộng đồng quốc tế không nhận được bằng chứng thuyết phục nào về sự tồn tại mối đe dọa vũ khí như đã tuyên bố.
Nhiều người Iraq hoan nghênh việc Mỹ rút quân, nhưng cũng có người nói chuyện này xảy ra quá sớm, đất nước chưa đủ khả năng tự quản vấn đề an ninh. Các lãnh đạo chính trị Iraq chưa thành lập được chính phủ sau khi cuộc bầu cử hồi tháng 3 không có kết quả dứt khoát.
"Chưa đến thời điểm," Johaina Mohammed, một nhà giáo 40 tuổi ở Baghdad nói với AP.
"Hiện không có chính phủ, an ninh đang xấu đi, và không có ai tin ai,'' ông nói. Nhưng một người dân ở Baghdad, Ilifat, nói rằng ngày nào lính Mỹ còn có mặt ở Iraq, ông xem ngày đó đất nước vẫn còn bị chiếm đóng.
Ông Fred Kagan, một học giả tại Viện Kinh doanh Mỹ, nói rằng ông Obama nên tránh nhấn mạnh đến bất cứ điều gì nghe như một tuyên bố về một sứ mạng đã hoàn tất. Ông Kagan nói: “Sứ mạng chưa được hoàn tất trong ý nghĩa là thiết lập một quan hệ dài hạn và bền vững với một nước Iraq có thể tự bảo vệ mình và ổn định trong khu vực. Sứ mạng đó chưa được hoàn tất. Đó là một lợi ích an ninh quốc gia cốt lõi của Mỹ.”
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với báo New York Times, tư lệnh Mỹ ở Iraq sắp xuất nhiệm, Tướng lục quân Ray Odierno, nói rằng Mỹ đã vào Iraq năm 2003 “rất ngây thơ” về những vấn đề ở đó, và ông bày tỏ sự quan ngại về chuyện không biết phải mất bao lâu mới giải quyết được tình trạng bế tắc chính trị ở Iraq. Còn theo Tiến sĩ Abbas Kunfud, chuyên gia về Iraq thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế, rất có thể ông Obama sẽ không nhắc gì về tình hình ở Iraq khi quân đội Mỹ rời khỏi nước này.
“Sau khi người Mỹ đặt chân vào Iraq đất nước này không còn có điện, không đủ nước uống, nước phục vụ nông nghiệp. Người Mỹ đã chứng kiến sự cướp phá Bảo tàng quốc gia Iraq, nơi lưu giữ hàng ngàn hiện vật quí, là bộ phận của di sản thế giới. Ông Obama sẽ nói về chiến thắng của người Mỹ tại Iraq, rằng họ đã đạt được mục tiêu của mình. Nhưng đó là những mục đích gì? Không lẽ là giải phóng đất nước? Trên thực tế đấy là sự hủy diệt Iraq. Ông Obama sẽ nói việc rút quân được thực hiện theo kế hoạch. Nhưng không nói rằng, đấy là cuộc rút lui ô nhục”, Tiến sĩ Abbas Kunfud nói.
Có vẻ bài phát biểu tối qua của Tổng thống Obama đã chứng minh lời ông Kunfud nói là đúng. Rõ ràng, hành động rút lui quân sự được quyết định không chỉ bởi một thực tế là người Mỹ chẳng đạt được các mục tiêu đề ra ở Iraq. Bản thân công chúng Mỹ cũng mệt mỏi với cuộc chiến bất tận và những tổn thất không dẫn đến bất cứ điều gì.
Theo Dantri
Theo ông Olli Rehn, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về các vấn đề kinh tế và tiền tệ, ngoài yếu tố châu Á ở trên, thì việc kinh tế Mỹ phục hồi trì trệ cũng như cú sốc trên các thị trường nợ cũng có thể gây ra những lo lắng ở châu Âu.
Thủ tướng và hai bộ trưởng được Tổng thống Lee Myung-bak bổ nhiệm đã tuyên bố rút lui. Ông Kim Tae-ho – người được Tổng thống (TT) Hàn Quốc Lee Myung-bak bổ nhiệm vào chức vụ thủ tướng – và hai người khác được dự kiến đứng đầu Bộ Tri thức kinh tế và Bộ Văn hóa đã rút lui hôm 29-8 sau khi các nghị sĩ đối lập phản đối lựa chọn này, đặt nghi vấn về tham nhũng và trốn thuế.
Hàng nghìn người Indonesia ngày 29.8 đã phải sơ tán và ngủ đêm trong những túp lều tạm sau khi ngọn núi lửa ngừng hoạt động 400 năm bất ngờ phun trào ở đảo Sumatra.
Bộ trưởng kinh tế của 16 nước, bao gồm ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Ấn Độ, đã nhất trí về một kế hoạch trị giá 25.000 tỉ yen (295,5 tỉ USD) để phát triển hạ tầng ở riêng khu vực ASEAN. Báo Yomiuri của Nhật Bản cho biết thỏa thuận sơ bộ đã đạt được vào ngày 28-8.
Hạm đội Bắc Hải thuộc lực lượng hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận bắn đạn thật trên biển Hoàng Hải trong tuần này , Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm qua thông báo.
Sau nhiều biện pháp cải cách kinh tế quan trọng về đội ngũ lao động và doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ Cuba ngày 27-8 tiếp tục công bố các sắc lệnh về cải cách chính sách đất đai và nông phẩm.