Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã có những cuộc thảo luận về vấn đề hai bên cùng quan tâm vào ngày 2/9 tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Hillary Clinton.

 

Cuộc hội đàm hòa bình trực tiếp này giữa Israel-Palestine được thực hiện lần đầu tiên sau 20 tháng rơi vào bế tắc và được tiến hành theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama - người đề xuất lịch trình cho hai nhà lãnh đạo Israel và Palestine trong thời hạn một năm thông qua các cuộc đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp bền vững để chấm dứt sự chiếm đóng của Israel trên vùng lãnh thổ của Palestine từ năm 1967, đồng thời đảm bảo sự tồn tại trong hòa bình của nhà nước dân chủ Palestine bên cạnh Israel.

Trước khi diễn ra cái bắt tay lịch sử trên giữa hai nhà lãnh đạo Israel và Palestine, ông Obama đã đích thân có các cuộc tiếp xúc riêng lẻ với Tổng thống Mahmoud Abbas và Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đồng thời tham khảo ý kiến của Quốc vương Jordan Abdullah II, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak cùng một đại diện của "Nhóm bộ tứ" về Trung Đông - cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Điều đó cho thấy rằng: Người Mỹ đã hết lòng và đây là cơ hội hòa bình hiếm có mà IsraelPalestine phải nắm lấy cho dù phía trước là hàng loạt trở ngại phải vượt qua…

Tuy vậy, dù có những nỗ lực lớn lao của Mỹ cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, nhưng kết quả đầu tiên của cuộc hòa đàm này rất nghèo nàn - hai bên chỉ nhất trí họp trở lại tại khu vực Trung Đông vào ngày 14 và 15/9 và kể từ thời điểm đó, các nhà đàm phán của Israel và Palestine sẽ họp với nhau hai tuần một lần trong vòng một năm nhằm tìm kiếm một nền hòa bình cho Trung Đông - trong khi bạo lực tại Trung Đông lại gióng lên "hồi chuông": không bình đẳng sẽ không có hòa bình thật sự. 

Giới phân tích cho rằng thỏa thuận hòa bình cho Trung Đông là điều bất khả thi và thời hạn để có kết quả trong vòng một năm như Mỹ mong muốn lại là quá tham vọng đối với một quá trình đã thất bại suốt nhiều thập niên qua. Còn trên tờ Media Monitor, tác giả Ghassan Khatib viết: "Những thay đổi mà Israel đang thực hiện ở Đông Jerusalem, bao gồm mở rộng khu định cư Do Thái và cơ sở hạ tầng, đang triệt tiêu khả năng khu vực này trở thành thủ đô của Palestine. Việc này dĩ nhiên sẽ phá hoại cơ hội có được độc lập của Palestine cũng như giải pháp hai nhà nước".

Điều này cho thấy các cuộc đàm phán về hòa bình cho Trung Đông chỉ như lửa gặp rơm - bùng lên rồi tắt ngóm bởi cốt lõi của vấn đề: Người Palestine có quyền xây dựng một Nhà nước Palestine độc lập và bằng quyền với bất cứ quốc gia nào trên thế giới ở khu Bờ Tây và dải Gaza với thủ đô là Đông Jerusalem để cùng tồn tại song song với Nhà nước Israel không được Nhà nước Do Thái chấp nhận chứ đừng nói tới việc thu hồi lại vùng lãnh thổ mà Israel đã chiếm đóng vào năm 1967.

Mỹ - Người bảo trợ khó khăn.

Từ năm 1991, khi Hội nghị Madrid thiết lập chương trình khung cho tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine, cho đến nay đã được 20 năm với bao cột mốc lịch sử như: Thỏa ước Oslo giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ký vào năm 1993; Thỏa thuận về quyền tự trị của người Palestine do Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat ký 1994 tại Cairo, Ai Cập; Tổng thống Mỹ Bill Clinton tổ chức hội đàm với ông Arafat và Thủ tướng Israel Ehud Barak tại trại David vào năm 2000; Tổng thống Mỹ George W. Bush, Thủ tướng Israel Ariel Sharon và Thủ tướng Palestine Mahmud Abbas gặp nhau vào năm 2003 tại Aqaba, Jordan, để thống nhất lộ trình thành lập nhà nước Palestine vào năm 2005…

Rồi những nỗ lực nhiều bên của Liên đoàn các nước Arab, Liên hợp quốc, EU, Nga… nhằm ủng hộ việc thành lập một Nhà nước Palestine ở khu Bờ Tây và dải Gaza cùng tồn tại với Nhà nước Israel và coi đây là cốt lõi của hòa bình và ổn định trong khu vực đều thất bại thảm hại.

Vậy tại sao Mỹ lại tái khởi động chiến dịch "vãn hồi hòa bình" tại Trung Đông vào lúc này? Cuộc bầu cử sắp tới tại nước Mỹ là một cuộc chạy đua "kẻ mất người còn" giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Để ghi điểm và đặc biệt lấy lòng một khối lượng lớn cử tri gốc Do Thái không có gì hay hơn là chơi "con bài Trung Đông", vì lẽ đó giới phân tích tại khu vực cho rằng cuộc hòa đàm trên không khác một chiến dịch quảng bá của ông Obama.

Chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu đã kéo dài sáu thập kỷ qua giữa hai bên là chuyện "không tưởng", không chỉ bởi quan điểm cực kỳ khác biệt của cả hai cựu địch thủ mà chính là do Mỹ không sẵn sàng gây áp lực cần đủ để buộc Israel phải nhượng bộ và cả lần này Tổng thống Mỹ Obama cũng hành sự như vậy.

Naji Shurab, Giáo sư chính trị học của Trường Đại học Al-Azhar ở dải Gada, nói: "Tương lai của bất  kỳ cuộc hòa đàm nào cũng sẽ phụ thuộc vào vai trò của Mỹ - nhà bảo trợ lớn và trực tiếp cho các cuộc thương thuyết. Nhưng đáng tiếc là Mỹ không công bằng, chỉ liên tục gây áp lực với phía Palestine". Còn nhà nghiên cứu Al-Masri thì khẳng định chính quyền Mỹ và quốc tế "tỏ ra quan tâm đến hình thức của các cuộc hòa đàm hơn là tinh thần và nội dung của nó".

Trên thực tế, bất cứ Tổng thống nào của Mỹ cũng sẽ "bó tay" trước người đồng minh "cứng đầu", nhưng thân cận số 1 của mình tại Trung Đông - Israel. Bởi giờ đây, sau 6 thập niên xây dựng và phát triển quốc gia, Israel không chỉ mạnh hơn bao giờ hết về tiềm lực quốc phòng và kinh tế ngay trên mảnh đất chiếm đóng mà còn có ảnh hưởng không nhỏ tới chính trường ngay tại nước Mỹ. Vì thế để giải quyết vấn đề Israel-Palestine nói riêng và ván cờ quốc tế Trung Đông nói chung phải do chính các đối tác tại đây thực hiện. Bất cứ sự bảo trợ từ bên ngoài nào chỉ là chất xúc tác mà thôi.

Cho tới nay, một cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy tại Israel vẫn có 52% dân số muốn nối lại hỗ trợ cho việc tiếp tục xây dựng các khu định cư trên đất của người Palestine sau khi hạn của lệnh cấm này kết thúc và chỉ 42% cho rằng lệnh cấm trên nên được kéo dài thêm đã khiến cho 75% người dân Palestine tin rằng các cuộc đàm phán sẽ chẳng mang lại kết quả nào. Tuy vậy, dẫu còn một đốm lửa le lói ở cuối đường hầm hòa bình thì nhân loại cũng phải "bám vào" và nhân nó lên thành cơ hội "chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu này" như lời Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói với hai ông Abbas và Netanyahu.

Trong một thế giới văn minh, sử dụng bạo lực và ưu thế quân sự để áp đặt ý định của nhà nước mình cho trọn cả một dân tộc khác là không thể được vì nó chỉ mang lại bạo lực và đổ máu. Tuy vậy, theo bà Clinton, vẫn còn một con đường khác, con đường dẫn tới an ninh và thịnh vượng cho tất cả mọi người trong khu vực và "Con đường này đòi hỏi tất cả các bên, kể cả Israel, phải đưa ra các lựa chọn hết sức khó khăn nhưng vô cùng cần thiết". Đó là: Tôn trọng quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc của từng cá nhân cho tới việc sống hòa bình hữu nghị và song song tồn tại của các quốc gia khác. Nếu điều này không được thực thi thì ngọn lửa đòi quyền thành lập một nhà nước Palestine độc lập sẽ không bao giờ tắt trong trái tim của người Palestine cuối cùng cho dù năm tháng có là thế kỷ, thiên niên kỷ…

Vào ngày 5/6/1967, Israel đã tấn công phủ đầu đánh vào không lực Ai Cập và mở màn cho cuộc chiến tranh 6 ngày tại khu vực Trung Cận Đông. Khi kết thúc cuộc chiến, Israel giành được quyền kiểm soát Đông Jerusalem, dải Gaza, bán đảo Sinai, Bờ Tây và cao nguyên Golan. Kết quả của cuộc chiến này ảnh hưởng đến địa thế chính trị của khu vực này cho đến tận ngày nay.

 

                                                                                 Theo CAND

Các tin khác


Cộng đồng quốc tế phản ứng về vụ trực thăng chở Tổng thống Iran gặp nạn

Ngày 20/5, thông tin từ nhà chức trách Iran cho biết một chiếc trực thăng chở Tổng thống Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian bị rơi vào ngày 19/5 khi đang bay qua địa hình núi trong sương mù dày đặc khi vừa kết thúc chuyến thăm Azerbaijan.

Ít nhất 47 người thiệt mạng vì mưa lũ ở miền bắc Afghanistan

Ngày 19/5, thông tin từ giới chức Afghanistan cho biết, đã có ít nhất 47 người thiệt mạng vì mưa lớn và lũ lụt ở miền bắc Afghanistan trong những ngày qua.

IEA cảnh báo nguy cơ thiếu hụt khoáng sản

IEA đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khoáng sản thiết yếu cho chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh do đầu tư không đủ mạnh.

Các quốc gia Arab kêu gọi công nhận Nhà nước Palestine

Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) ở thủ đô Manama của Bahrain với sự tham dự của Tổng Thư ký AL Ahmed Aboul-Gheit và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, lãnh đạo các quốc gia Arab kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để thiết lập nền độc lập của người Palestine.

Liên hợp quốc nâng dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024

Ngày 16/5 (giờ New York), Liên hợp quốc (LHQ) đã công bố Báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới, trong đó đưa ra đánh giá lạc quan thận trọng về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2024.

Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ nạn đói ở Dải Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths ngày 16/5 cho biết người dân ở Dải Gaza đang đối diện với nạn đói khi các nguồn lương thực cạn kiệt, đồng thời cho rằng chiến dịch của Israel ở thành phố Rafah gây ra nhiều khó khăn cho việc lập kế hoạch và phân phối hàng cứu trợ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục