Một quan chức cao cấp của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngày 3-11 tiết lộ nước này có thể hỗ trợ khoản tài chính 100 tỉ USD cho khu vực đồng tiền chung.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (trái) và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (phải) tại ngày khai mạc hội nghị G20 ở Cannes, Pháp - Ảnh: AFP |
"Điều đầu tiên là phải bảo đảm Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) hoạt động hiệu quả trong việc giúp ổn định khủng hoảng nợ ở châu Âu hiện tại - ông Li nói - Không gì tồi tệ hơn đối với Trung Quốc khi đóng góp vào một thứ mà có thể thất bại trong vài tháng tới".
Điều kiện thứ hai là Trung Quốc yêu cầu Liên minh châu Âu phải ban hành nhiều biện pháp bảo đảm trong trường hợp quỹ này thất bại, và các nước trong khu vực có thể hoàn trả khoản vay. Trung Quốc đề xuất cụ thể là Đức và Pháp phải tích cực hỗ trợ quỹ này.
Tiền gây quỹ từ các nhà đầu tư của EFSF đến nay vẫn được các thành viên khu vực đồng euro cam kết bảo đảm, nhưng chưa có chi tiết nào nói về việc các nhà đầu tư sẽ được bảo vệ ra sao nếu quỹ này mở rộng. Nếu những điều kiện này được đáp ứng thì "số tiền 100 tỉ USD sẽ chẳng có vấn đề gì", ông Li nói.
Trung Quốc hiện nắm giữ 550 tỉ USD trái phiếu của châu Âu. Phía Trung Quốc đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu gần như nản lòng khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tuyên bố ngày 1-11 rằng "Cách giải quyết vấn đề nợ của châu Âu hoàn toàn phụ thuộc vào khu vực này" mà không cam kết đóng góp một khoản tiền lớn nào. Châu Âu đang ra sức tăng nguồn lực cho EFSF thêm 440 tỉ euro (khoảng 616 tỉ USD).
Các nền kinh tế mới nổi lớn đặt áp lực lên những quốc gia Liên minh châu Âu tại hội nghị G20, bắt đầu diễn ra từ ngày 3-11 tại thành phố Cannes (Pháp). Cũng như với Trung Quốc, Nga thận trọng trong việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho châu Âu. Tổng thống Nga khẳng định: "Nga là một phần của châu Âu cho nên chúng tôi quan ngại về những vấn đề này. Nga sẽ tham gia chương trình cứu trợ của các nước EU, ít nhất là thông qua Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF".
Lãnh đạo nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) có cuộc họp bên lề hội nghị G20 - Ảnh: AFP |
Tổng thống Dmitry Medvedev còn nhấn mạnh yêu cầu chính phủ châu Âu phải hành động rõ ràng để giải quyết các rắc rối nội khối. "Tôi không muốn làm tổn thương cảm xúc của ai, nhưng quan điểm của tôi là các đối tác cần phải hành động năng động và quyết đoán hơn để lập lại trật tự", ông Medvedev nói.
Brazil trước đó đã tuyên bố không mua trái phiếu của châu Âu nhưng sẽ giúp đỡ thông qua quỹ do IMF quản lý. Trước khi đến Cannes, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nhấn mạnh các nước châu Âu "cần hành động nhiều hơn nữa để khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư với khu vực này".
Thủ tướng Hi Lạp từ bỏ ý định trưng cầu dân ý
Theo Reuters ngày 4-11, Thủ tướng Papandreou cho biết sẽ từ bỏ ý định tổ chức trưng cầu dân ý. Ông cũng sẵn sàng từ chức để dọn đường cho một chính phủ liên minh, nếu các nghị sĩ Đảng Xã hội cầm quyền ủng hộ ông trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sắp diễn ra.
Thủ tướng Hi Lạp George Papandreou phát biểu trong một phiên họp quốc hội về cuộc bỏ phiếu tín nhiệm - Ảnh: AFP |
Quyết định tổ chức trưng cầu dân ý rằng liệu Hi Lạp có chấp nhận gói cứu trợ thứ hai hay không đã khiến các lãnh đạo khu vực đồng tiền chung choáng váng. Nội bộ Chính phủ Hi Lạp cũng chia rẽ xung quanh quyết định này khiến Thủ tướng George Papandreou phải tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào cuối ngày 3-11. Trong số bốn bộ trưởng phản đối kế hoạch trưng cầu có Bộ trưởng tài chính Evangelos Venizelos. Nếu nhận cứu trợ, Hi Lạp sẽ có được số tiền 130 tỉ euro và xóa bỏ một nửa nợ của nước này, nhưng đổi lại sẽ phải áp dụng nhiều biện pháp khắc khổ hơn nữa vốn không được dân chúng ủng hộ.
Reuters cho biết Thủ tướng Papandreou nói với các nhà lập pháp Đảng Xã hội rằng ông đồng ý đàm phán với phe đối lập trung hữu về một chính phủ chuyển tiếp, để thực hiện chương trình cứu trợ mà EU và IMF đã thông qua trong tuần trước, đồng thời mở đường cho bầu cử sớm. Trong cuộc họp bất thường tại Cannes vào đêm 2-11, tổng thống Pháp và thủ tướng Đức đã cảnh báo Athens sẽ không nhận được một xu viện trợ nào cho đến khi đáp ứng các cam kết của nước này với khu vực đồng tiền chung.
Theo WSJ, chứng khoán tăng nhanh chóng tại thị trường Mỹ và châu Âu trước thông tin Hi Lạp sẽ không tổ chức trưng cầu dân ý, cùng với hành động bất ngờ giảm lãi suất chủ chốt từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từ 1,5% còn 1,25%. ECB muốn trấn an các thị trường tài chính toàn cầu trong bối cảnh Hi Lạp có thể vỡ nợ và phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung. Cuối phiên giao dịch ngày 3-11, chỉ số Dow Jones tăng 1,76% lên 12.044,47 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 1,88% lên 1.261,15 điểm, chỉ số Nasdaq tăng 2,2% lên 2.697,97 điểm.
Theo TTO
Công ty Môi giới chứng khoán MF Global Holdings Ltd., do cựu Thống đốc bang New Jersey Jon Corzine điều hành, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản hôm 31-10 và trở thành nạn nhân lớn đầu tiên của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu tại phố Wall.
Ngày 2-11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã bất ngờ đến Libya trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới quốc gia Bắc Phi này kể từ khi xảy ra cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo kỳ cựu Muammar Gaddafi.
Syria hôm 1.11 cho biết đã đạt thỏa thuận với Ủy ban cấp bộ của Liên đoàn Ả Rập (AL) có nhiệm vụ tìm cách chấm dứt 7 tháng bạo lực ở Syria và khởi động cuộc đối thoại giữa Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phe đối lập.
Nga có thể thực thi các biện pháp "mang tính quân sự" nếu những phản đối của Mátxcơva đối với hệ thống phòng thủ tên lửa đã được lên kế hoạch của NATO không được lưu ý - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói trên nhật báo Serbia phát hành ngày 1/11.
Trong lúc nguy nan nhất vì lũ lụt, người dân Thái Lan - “đất nước của những nụ cười” - vẫn biết cách để giữ cho mình và giúp những người xung quanh giữ lại niềm lạc quan và nụ cười vốn có.
Ngày 1/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Mátxcơva sẽ phản đối hành động can thiệp quân sự kiểu như Libya đối với chế độ Syria, quốc gia đang chật vật đối phó trước các cuộc biểu tình dân chủ kéo dài nhiều tháng qua.