Mới đây, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã gặp Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) A.Ph.Ra-xmu-xen tại Nhà trắng bàn kế hoạch rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan. Trong bối cảnh Oa-sinh-tơn cũng tuyên bố sẽ rút hoàn toàn quân đội Mỹ khỏi I-rắc vào cuối năm nay, nhiều nhà phân tích cho rằng, sau các kế hoạch rút quân này, Mỹ tìm cách điều chỉnh và tái bố trí lực lượng của mình tại khu vực.
Việc Oa-sinh-tơn đang tìm kiếm mở rộng quan hệ quân sự với các nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) (gồm A-rập Xê-út, Cô-oét, Ba-ren, Ca-ta, Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất và Ô-man) được đánh giá là sự điều chỉnh lực lượng tại vùng Vịnh sau khi Mỹ rút quân khỏi I-rắc. Vừa tiến hành các cuộc đàm phán nhằm duy trì sự hiện diện lớn hơn của các đơn vị chiến đấu bộ binh tại Cô-oét, Mỹ đang xem xét gửi thêm tàu chiến tới khu vực này. Lo ngại những khoảng trống an ninh và sự tăng cường ảnh hưởng từ bên ngoài đối với I-rắc, binh sĩ Mỹ ở Cô-oét được coi là lực lượng tác chiến mới có nhiệm vụ phản ứng nhanh trong trường hợp xảy ra bất ổn an ninh tại I-rắc hoặc có xung đột quân sự với I-ran.
Tại châu Phi, nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và cũng là nơi mạng lưới khủng bố An Kê-đa đang mở rộng chi nhánh, Mỹ cũng có những điều chỉnh lực lượng nhằm bảo vệ các lợi ích tại khu vực này. Mỹ quyết định tăng cường lực lượng tại châu Phi sau khi xảy ra hàng loạt vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào các lợi ích của Mỹ và phương Tây. Vụ đánh bom của nhóm Hồi giáo cực đoan Bô-cô Ha-ram vào Trụ sở LHQ ở Thủ đô A-bu-gia của Ni-giê-ri-a hồi tháng 8 làm 24 người chết. Nhóm Hồi giáo An Sa-báp ở Xô-ma-li-a hồi đầu năm nay đã đánh bom tại Thủ đô Cam-pa-la của U-gan-đa làm 76 người chết. Mỹ lo ngại nhóm An Sa-báp có quan hệ với An Kê-đa ở Xô-ma-li-a đã tuyển hàng chục người Mỹ gốc Xô-ma-li-a tham gia các hoạt động khủng bố. Tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Phi, tướng C.Ham cũng đã thổ lộ, ông luôn tỉnh giấc vào ban đêm với giấc mơ là một người mang quốc tịch Mỹ, được kinh qua các trại huấn luyện ở Xô-ma-li-a, sau đó tìm cách trở lại tiến công nước Mỹ. Mỹ và châu Âu cũng lo ngại một nhánh của An Kê-đa ở Bắc Phi (AQIM) đang bắt tay với nhóm Bô-cô Ha-ram và An Sa-báp để tung hoành ở châu Phi.
Giữa tháng 10 vừa qua, Mỹ đã đưa 100 quân nhân được vũ trang đầy đủ tới U-gan-đa, đồng thời có kế hoạch triển khai thêm lực lượng ở CHDC Công-gô, CH Trung Phi và Nam Xu-đăng. Mục tiêu của chiến dịch này là nhằm giúp các nước trong khu vực đối phó Ðội quân kháng chiến của Chúa (LRA) bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố. Lực lượng của Mỹ sẽ làm cố vấn cho các lực lượng đối tác nhằm loại bỏ thủ lĩnh G.Cô-ni của LRA, một tổ chức chuyên hoạt động bắt cóc hàng nghìn người, trong đó có nhiều trẻ em bị chúng buộc phải cầm súng và làm nô lệ tình dục. Tổng thống Ô-ba-ma đã ký một sắc lệnh về giải giáp vũ khí của nhóm này nhằm khôi phục trật tự ở miền bắc U-gan-đa.
Các lực lượng Mỹ đã cung cấp thông tin tình báo, đào tạo nhằm chống các nhóm vũ trang trên khắp châu Phi, từ Mô-ri-ta-ni ở phía tây, dọc theo bờ Ðại Tây Dương, đến Xô-ma-li-a ở phía đông và dọc theo bờ Ấn Ðộ Dương. Máy bay không người lái của Mỹ đã được tung ra từ quần đảo Xây-xen ở Ấn Ðộ Dương để cung cấp tin tức tình báo. Mỹ đang tiến hành các hoạt động quân sự huấn luyện và cung cấp trang thiết bị chống khủng bố ở các nước như Buốc-ki-na Pha-xô, Sát, Ma-li, Mô-ri-ta-ni, Ma-rốc, Ni-giê, Ni-giê-ri-a, Xê-nê-gan và Tuy-ni-di. Tại Xô-ma-li-a, Mỹ đã giúp 9.000 binh sĩ U-gan-đa và Bu-run-đi tham gia chống lực lượng nổi dậy.
Mỹ đang đóng vai trò ngày càng tăng trong các cuộc xung đột ở châu Phi khi Lầu năm góc đã cử tới lục địa Ðen các cố vấn quân sự đặc biệt, máy bay không người lái và đổ hàng chục triệu USD nhằm trợ giúp quân đội các nước khu vực này đối phó các mối đe dọa an ninh ngày càng tăng, phức tạp và đa chiều. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc triển khai lực lượng Mỹ ở các nước châu Phi là nhằm tăng cường chính sách đối ngoại và lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ tại lục địa giàu tiềm năng này.
Theo NhanDan
Tại cuộc họp diễn ra ở Brussels ngày 1/12, Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với các ngành năng lượng, tài chính, ngân hàng và thương mại của Syria nhằm trừng phạt chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad do cuộc trấn áp nhằm vào những người bất đồng chính kiến.
Nước Anh đã tính đến những tình huống xấu nhất có thể xảy ra với khu vực đồng euro. Bộ Ngoại giao Anh yêu cầu các đại sứ quán Anh ở châu Âu chuẩn bị kế hoạch đối phó và sơ tán công dân nếu khu vực đồng tiền chung euro bị tiêu tan.
Các nguồn tin Libya ngày 30/11 cho biết gần đây đã có 600 chiến binh nổi dậy ở Libya tới Syria để hỗ trợ cho phe đối lập nước này.
Cách đây 30 năm, ca nhiễm HIV/AIDS đầu tiên trên thế giới được phát hiện. Kể từ đó tới nay, mặc dù chưa có thuốc phòng ngừa và điều trị hữu hiệu, song cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ này đã có bước tiến dài và giờ đây, chuyện nhiễm HIV/AIDS không còn bị xem là án tử nữa.
Một quan chức cho biết cựu Tổng thống bị lật đổ của Cote d'Ivoire Laurent Gbagbo ngày 29/11 đã được đưa từ Cote d'Ivoire tới La Hay, nơi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đang điều tra các cáo buộc về những tội ác mà ông này phạm phải trong giai đoạn bạo lực hậu bầu cử tại quốc gia Tây Phi này.
Ba giáo viên nhiễm HIV tại Trung Quốc đã làm đơn kêu cứu lên Thủ tướng Ôn Gia Bảo, đề nghị chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử sau khi bị các cơ quan tuyển dụng từ chối nhận vào làm.