Dân Nhật biểu tình chống Trung Quốc về vấn đề Senkaku.
Cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản đã khép lại với chiến thắng ngoạn mục thuộc về Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Với kết quả này, ông Shinzo Abe gần như chắc chắn được bầu làm thủ tướng mới của Nhật Bản tại phiên họp quốc hội đặc biệt vào ngày 26.12 tới; thành phần chính phủ liên minh với Đảng Công Minh mới (NKP) cũng sẽ sớm công bố.
Ông Shinzo Abe - thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Nhật Bản - khi lên nắm quyền vào năm 2006, từng hứa hẹn một làn gió mới cách tân cho nước Nhật già cỗi. Điều nổi bật nhất trong các chính sách đối nội cũng như đối ngoại của ông Shinzo Abe là chủ nghĩa dân tộc. Tuy nhiên, chỉ một năm sau khi cầm quyền, ông Shinzo Abe đã không thể tiếp tục các cam kết của mình, khi nội các của ông ngập trong khủng hoảng: Chỉ trong vòng 9 tháng đã có 4 bộ trưởng từ chức và một bộ trưởng tự tử do bê bối tài chính. Đây là đòn giáng mạnh vào uy tín của vị thủ tướng trẻ. Năm 2007, ông Shinzo Abe từ chức.
Trở lại chính trường lần này, ông Abe hứa hẹn chỉnh sửa nền kinh tế ảm đạm sau nhiều năm giảm phát. Vị lãnh đạo 58 tuổi này nói ông sẽ cải thiện chi tiêu công, nới lỏng chính sách tiền tệ và cân nhắc tới khả năng sử dụng năng lượng hạt nhân sau sự kiện thảm họa động đất - sóng thần - hạt nhân tại Fukushima năm ngoái. Về đối ngoại, ông Shinzo Abe vẫn đẩy cao tinh thần dân tộc và chủ trương cứng rắn trong các xung đột, đặc biệt là với Trung Quốc (TQ). Ngày 17.12, ngay sau khi LDP chiến thắng, ông Shinzo Abe tuyên bố sẽ không thể có thỏa hiệp về chủ quyền của các hòn đảo đang là trung tâm tranh chấp giữa nước này với TQ. “Quần đảo Senkaku là lãnh thổ lâu nay của Nhật Bản” - ông khẳng định về các hòn đảo mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. “Nhật Bản sở hữu và kiểm soát các hòn đảo này... theo luật quốc tế. Không có chỗ thương lượng về điểm này” - ông Abe - lãnh đạo LDP - trong suốt thời gian tranh cử cũng đã nêu quan điểm cứng rắn về tranh chấp kể trên. LDP đã khẳng định cam kết sẽ “nghiên cứu” đề xuất xây dựng một cảng biển ở Senkaku hoặc đưa nhân viên công quyền ra đó để khẳng định quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với các hòn đảo có ý nghĩa chiến lược nhưng lâu nay không có người ở này.
Ngay sau khi LDP chiến thắng, TQ cũng đã gửi “thông điệp” rất rõ ràng cho người sắp trở thành Thủ tướng Nhật – ông Shinzo Abe. Ngày 17.12, TQ cho biết nước này “vô cùng lo ngại” về hướng đi trong tương lai của Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của LDP, đứng đầu là ông Shinzo Abe - nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hua Chunying nói với các nhà báo tại cuộc họp báo thường kỳ. Bà Hua khẳng định TQ để ngỏ việc cải thiện quan hệ với Nhật, song nhấn mạnh lập trường của Bắc Kinh về quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông mà TQ gọi là Điếu Ngư còn Nhật Bản gọi là Senkaku. “TQ sẵn sàng phối hợp với Nhật để phát triển mối quan hệ ổn định” - bà phát biểu và nói thêm rằng nhiệm vụ hiện nay là xử lý ổn thỏa vấn đề tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra. Bắc Kinh cũng cảnh báo Tokyo về một “nước Nhật nhược về kinh tế và giận giữ trong chính trị không chỉ tự làm hại chính mình, mà còn ảnh hưởng tới cả khu vực và thế giới”. Truyền thông TQ ngày 17.12 cũng bày tỏ quan ngại về “các chính sách gây lo lắng”, xét trên các tuyên bố của ông Abe. Hãng THX trong bài xã luận đã kêu gọi: “Thay vì cố thỏa mãn các quan điểm diều hâu trong nước và chọn cách chiến đấu với các nước láng giềng” lãnh đạo mới của Nhật nên có quan điểm mang tính lý trí hơn trong chính sách đối ngoại”...
Các động thái, sau diễn biến trên chính trường Nhật Bản cho thấy, quan hệ Trung – Nhật sẽ tiếp tục căng thẳng hơn nữa.
Theo Báo Laodong
Nhân kỷ niệm 30 năm Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật biển (UNCLOS), ngày 10-12, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục nỗ lực để đưa tất cả các quốc gia tham gia UNCLOS.
CHDCND Triều Tiên đã phóng một tên lửa tầm xa thứ hai mang theo vệ tinh vào quỹ đạo trong năm 2012 vào sáng nay 12.12, bất chấp cảnh báo của cộng đồng quốc tế.
Hàng ngàn người dân Palestine ở Bờ Tây và dải Gaza đã tràn ra đường phố nhảy múa trong tiếng pháo hoa và ăn mừng sau khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) bỏ phiếu thông qua việc nâng cấp quy chế cho Palestine từ một thực thể quan sát thành một “nhà nước quan sát viên”.
Xung đột ở Syria có thể thay đổi cục diện khi nhiều nguồn tin khẳng định lực lượng nổi dậy sở hữu 40 hệ thống tên lửa đối không.
Chính phủ Indonesia hôm 25-11 phát động một phong trào quy mô cả nước nhằm khuyến khích người dân có quan điểm chống tham nhũng trong suy nghĩ. Phong trào này là một phần của những hoạt động được tiến hành để kỷ niệm ngày Chống tham nhũng quốc tế (9-12).
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết nước này sẽ tăng cường các nỗ lực thu thập thông tin liên quan đến các báo cáo cho rằng Triều Tiên có dấu hiệu chuẩn bị phóng tên lửa. Hàn Quốc trước đó cũng đưa ra cảnh báo tương tự.