Ông Nguyễn Hòa Bình trao đổi thêm với báo chí về vụ án 2 thanh niên bị xử tù vì trộm bánh mỳ ở TP.HCM
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đã thông tin thêm về vụ việc 2 thanh niên bị xử lý hình sự vì tội cướp bánh mỳ.
Vừa qua về vụ việc xét xử 2 thanh niên trộm bánh mỳ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình nhận thấy có nhiều vấn đề bất hợp lý xung quanh việc điều tra, truy tố, xét xử bị cáo Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn phạm tội cướp giật tài sản ở quận Thủ Đức (TP.HCM) khi 2 bị cáo này đều chưa đủ tuổi thành niên khi phạm tội (mới 17 tuổi 1 tháng), cướp túi đồ ăn trị giá 45.000 đồng lúc quá đói, không gây hậu quả nghiêm trọng mà bị xử tù giam.
Bản án do Tòa án Nhân dân quận Thủ Đức (TP.HCM) tuyên ngày 20/7 vừa qua dành cho Tân và Tuấn về tội “cướp tài sản” theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng mức lượng hình áp dụng với 2 người phạm tội chưa đủ tuổi thành niên này là quá nghiêm khắc, cứng nhắc.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 28/7, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho biết bản án sơ thẩm được tuyên đến ngày 28/7 mới được 1 tuần. Vì vậy, chúng ta cần chờ trong vòng 15 ngày từ khi toà sơ thẩm tuyên án. Đây là thời hạn luật định cho hoạt động kháng cáo, kháng nghị. Nếu hết thời hạn 15 ngày mà các bị cáo và gia đình không kháng cáo, phía Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM không kháng nghị nghĩa là bản án có hiệu lực thi hành.
“Khi đó, thẩm quyền xử lý thuộc toà án và tôi đã có chỉ đạo cụ thể với trường hợp này” – Chánh án Nguyễn Hoà Bình nói.
Trước đó, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình chỉ rõ, theo quy định tại Điều 69 Bộ luật Hình sự về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, mục đích chủ yếu của việc này là nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích trong xã hội chứ không phải hướng đến việc trừng trị.
Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Tòa án áp dụng một biện pháp tư pháp khác (ví dụ như buộc công khai xin lỗi, đưa vào trường giáo dưỡng...). Khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù.
Từ những nguyên tắc được chỉ ra, Chánh án Toà Tối cáo cho rằng, việc Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam đối với các bị cáo Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn là không cần thiết.
Theo đó, Chánh án Nguyễn Hoà Bình giao Chánh án Tòa án Nhân dân TP.HCM khẩn trương kiểm tra để xác định, nếu có kháng cáo của các bị cáo, người đại diện hợp pháp của các bị cáo, người bào chữa cho các bị cáo hoặc có kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm của Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đối với bản án sơ thẩm, thì Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố thụ lý vụ án theo thủ tục phúc thẩm.
Khi xét xử phúc thẩm vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm cần nghiên cứu kỹ quy định của Bộ luật Hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội để quyết định áp dụng nguyên tắc, biện pháp xử lý đối với các bị cáo Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.
Bên cạnh đó, Chánh án Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng chia sẻ thêm các vấn đề liên quan đến vụ án ông Trần Văn Vót ở Lý Nhân, Hà Nam bị tù 23 năm có dấu hiệu oan.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay: Tòa án Nhân dân Tối cao đã nhận được đơn của nhiều đại biểu Quốc hội cũng như các luật sư và gia đình bị cáo Vót.
Hiện nay một đoàn công tác liên ngành đã được thành lập, bao gồm cả các cơ quan ở trung ương và địa phương. Sáu tháng qua, vụ án đã được thẩm tra, đánh giá toàn diện. Sẽ còn một cuộc họp nữa để đánh giá.
“Khi có kết luận cuối cùng, TAND Tối cao sẽ chủ động thông tin cho công luận”- Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định.
Vụ án Trần Văn Vót xảy ra cách đây hơn 20 năm, bắt nguồn từ mâu thuẫn đất đai giữa hai làng Thanh Nga và Nhân Phúc (xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, Hà Nam) dẫn tới vụ ném lựu đạn diễn ra ngày 29/11/1992 khiến anh Trần Văn Việt tử vong và 21 người dân khác bị thương.
CQĐT xác định ông Vót là người tàng trữ quả lựu đạn và đưa cho Trần Ngọc Thanh để Thanh ném khiến một người chết, 21 người bị thương.
Sau đó, ông Vót bị truy tố về bốn tội: giết người, tàng trữ trái phép vũ khí, phá hoại việc thực hiện chính sách kinh tế-xã hội và gây rối trật tự công cộng. Còn Trần Ngọc Thanh bị truy tố về hành vi giết người.
Tháng 2/1994, ông Vót bị TAND tỉnh Nam Hà đưa ra xét xử và tuyên phạt tù chung thân vì bốn tội trên, còn ông Thanh bị tuyên 15 năm tù về tội giết người. Hai bị cáo kháng án.
Tháng 8/1994, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã xử phúc thẩm vụ án trên và tuyên y án sơ thẩm.
Cho rằng bị kết án oan, bị cáo và gia đình Trần Văn Vót liên tục kêu oan. Thậm chí chính bố của bị hại Trần Văn Việt là cụ Trần Anh Điền cũng kêu oan cho hai ông Trần Văn Vót và ông Trần Ngọc Thanh./.
Theo VOV
(HBĐT) - Thực hiện kế hoạch của BCĐ cải cách tư pháp (CCTP) tỉnh, sáng 27/7, đồng chí Đinh Quốc Liêm, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó trưởng BCĐ CCTP tỉnh dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện công tác CCTP tại TP Hòa Bình.
(HBĐT) - Ngày 26/7, Ban ATGT huyện Lạc Thủy đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác đảm bảo TTATGT 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2016.
(HBĐT) - Ông Bùi Văn Nhinh (Lạc Sơn) hỏi: Đề nghị cho biết, quy định pháp luật về trợ cấp một lần đối với công an xã nghỉ việc vì lý do chính đáng? Trả lời: Theo công văn số 1670/BCA-V28 ngày 11/7/2016 của Bộ Công an hướng dẫn chi trả trợ cấp 1 lần cho Công an xã theo Nghị định số 73/2009/NĐ-CP, trường hợp công an xã nghỉ việc từ ngày 1/7/2009 được hưởng trợ cấp 1 lần nếu có các lý do chính đáng sau:
(HBĐT) - Ngày 26/7, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2016. Đồng chí Đinh Quốc Liêm, UVTV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
(HBĐT) - Vừa qua, Báo Hòa Bình nhận được đơn của ông Đinh Đức Thiện, xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy.
(HBĐT) - Đại tá Bùi Văn Hùng, Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh cho biết: Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 03 về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với các phong trào thi đua quyết thắng của LLVT đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện gắn với xây dựng các tổ chức Đảng TSVM. Nhờ vậy đã tạo được sự chuyển biến một cách toàn diện trong các mặt công tác của LLVT tỉnh trong những năm qua.