Không rời hiện trường để chỉ đạo công tác tìm kiếm nạn nhân
Đến xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tại hiện trường nơi hàng nghìn m3 đất, đá sạt lở vùi lấp 6/8 căn nhà và cướp đi sinh mạng của 18 người xấu số, lực lượng cứu hộ, cứu nạn (CHCN) vẫn tích cực tìm kiếm những thi thể mất tích. Trong hàng trăm CB, CS tham gia công tác tìm kiếm, tôi gặp thiếu tá Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Công an tỉnh. Từ khi tai nạn sạt lở đất xảy ra anh chưa một phút nào rời khỏi hiện trường để chỉ đạo lực lượng cứu hộ tích cực tìm kiếm các thi thể nạn nhân bị chôn vùi trong khối đất đá khổng lồ này. Gương mặt đỏ gay, mồ hôi ướt sũng do phải trèo đồi, núi, anh vẫn lo toan, tất bật chạy hết chỗ này sang chỗ khác để chỉ đạo anh em CB, CS tập trung tìm kiếm những nơi xác định nạn nhân có nhiều khả năng bị vùi lấp nhất. Mải mê với công việc, anh không hề biết chúng tôi đang hướng ống kính máy quay về phía mình. Khi đến gần hơn anh phát hiện ra liền cười nói: "Anh em CB, CS mới vất vả nên các bạn ghi hình ảnh của các đồng chí ấy thôi nhé. Thương anh em lắm, có hôm làm mệt rồi mà đến bữa không ăn nổi hộp cơm vì vừa phải chứng kiến hình ảnh từng nạn nhân chết quá thương tâm. Mình chỉ mong công tác tìm kiếm thi thể các nạn nhân còn lại nhanh chóng hoàn tất” - Nói rồi anh lại quay sang chỉ đạo CB, CS khẩn trương phong tỏa hiện trường ngăn không cho bà con tiếp cận vùng nguy hiểm để đặt mìn phá vỡ những tảng đá lớn nặng hàng tấn đang đè lên thi thể những nạn nhân hiện vẫn nằm trong đống đổ nát.
Lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cứu hộ tìm kiếm thi thể các nạn nhân bị vùi lấp tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc.
Chúng tôi cũng ngay lập tức rời khỏi hiện trường để các anh thực hiện nhiệm vụ của mình nhưng trong lòng không khỏi lo lắng, bất an bởi hình ảnh trước mắt. Phía sát bên kia, trên đỉnh đồi nơi vừa sạt lở gây ra vụ tai nạn thương tâm mấy ngày trước, một thác nước lớn vẫn tuôn trào không biết nguy cơ tiếp tục sạt lở lúc nào.
Lạc đường trong đêm vì mưa to, sương mù dày đặc
Đà Bắc là địa bàn chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất cả về người và tài sản trong đợt mưa lũ vừa qua. Tính đến ngày 16/10, trên địa bàn huyện còn 13 xã vẫn bị cô lập hoàn toàn về đường bộ. Toàn huyện có 6 người chết, 5 người mất tích; nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng, trên 20 nhà sập hoàn toàn và bị lũ cuốn trôi; nhiều công trình thủy lợi, giao thông hư hỏng nặng… Do đó, trong nhiều ngày qua, muốn tiếp cận được vị trí của nhân dân các xã để hỗ trợ thuốc men, lương thực, thức uống, quần áo chống rét, lều, bạt…lực lượng cảnh sát đường thủy thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã phải nỗ lực suốt ngày đêm để vận chuyển hàng hóa đến nhân dân. Hai chiếc tàu thường xuyên trong tư thế sẵn sàng lên đường thực thi nhiệm vụ ứng cứu nhân dân gặp nạn trên các tuyến lòng hồ và các vùng hạ lưu Nhà máy thủy điện Hòa Bình khi nước lũ dâng cao.
Trong câu chuyện của đại úy Bạch Công Thi - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy làm tôi thật sự xúc động: "Có lần một tổ công tác của chúng tôi đi hỗ trợ cho nhân dân vùng lòng hồ, khi chờ hàng cứu trợ đến và đưa hàng lên tàu đã giữa trưa, mất 6 giờ đồng hồ để đi được hàng trăm km đường thủy mới đến được địa bàn. Khi quay trở về chưa đến nửa đường trời đã tối lại mưa to và sương mù dày đặc tàu không phát hiện được phương hướng nên đi lạc hết chỗ này đến chỗ khác. Lần mò mãi theo trí nhớ thường ngày, đến khi trời ngớt mưa, chúng tôi về được đến đơn vị cũng đã hai giờ sáng. Anh em còn lại ở đơn vị thì lo lắng vì điện thoại trên đó không có sóng để liên lạc nhưng cũng không thể tổ chức đi tìm vì lượng sương mù dày đặc không cho phép tàu rời bến. May mắn toàn thể anh em đã bình an trở về”.
Một chút ngập ngừng rồi anh nói tiếp: "Khó khăn, vất vả, nguy hiểm bao nhiêu chúng tôi cũng không ngại chỉ cần bà con các vùng bị nạn không phải chịu đói, chịu rét và không phải chịu cảnh "màn trời, chiếu đất” là chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng”.
Băng rừng, vượt núi qua bão lũ để tìm kiếm những hộ dân "mất tích”
Trước tình hình cấp bách về việc khắc phục thiệt hại tại huyện Đà Bắc, ngày 13/10, tại UBND huyện Đà Bắc, phiên họp khẩn cấp do đồng chí Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì đã chỉ đạo các sở, ban ngành và chính quyền địa phương khẩn trương tổ chức các hoạt động khắc phục thiệt hại do bão, lũ gây ra trên địa bàn huyện. Trong đó đồng chí nhấn mạnh và lo lắng bởi 8 hộ dân thuộc xóm Hà, xã Đồng Chum sau ba ngày mưa lũ vẫn hoàn toàn mất thông tin và chưa thể tiếp cận được vì địa bàn bị cô lập cả đường thủy và đường bộ, sóng thông tin thì tê liệt.
Ngay tại phiên họp, đại tá Phạm Hồng Tuyến - Giám đốc Công an tỉnh đã báo cáo tổ công tác của Công an huyện cử đi tìm kiếm, CHCN đã băng rừng, vượt núi hai ngày liền và đã tìm được thông tin về 8 hộ gia đình trên. Cả hội trường như vỡ òa trong niềm hạnh phúc bởi những người dân trong thôn dù bị cô lập nhưng vẫn đảm bảo an toàn về tính mạng, chỉ có 2 hộ bị thiệt hại về nhà ở.
Công tác CHCN trên địa bàn vẫn tiếp tục được đẩy mạnh với sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng công an, quân đội và dân quân. Theo đó, lực lượng Công an huyện đã triển khai các phương án để tiếp cận và hỗ trợ nhanh nhất đến với người dân tại địa bàn gặp nạn. Lực lượng được chia ra thành các tổ từ 15 - 20 CB, CS thông thạo địa bàn, liên tiếp trong nhiều giờ đồng hồ trèo qua đồi núi để tiếp cận bà con. Một tổ công tác khác, tiếp tục nỗ lực dầm mình trong bùn đất sâu chừng 1 m, chiều dài 3 km để tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích. Mặc cho những cơn mưa thấm ướt rồi lại khô trên đôi vai của mỗi chiến sỹ, màu nước lũ vàng oạch trộn đều trong nền xanh của màu áo các anh đang cháy lên tinh thần, trách nhiệm hết lòng "vì nhân dân phục vụ”.
Nguyễn Phượng Ngô Thủy
(Công an tỉnh)