Người dân xã Cao Sơn (Đà Bắc) tự nguyện giao nộp súng tự chế.
Trò chuyện với chúng tôi, thượng tá Đỗ Anh Tuấn - Phó trưởng Công an huyện Đà Bắc chia sẻ: Đối với đồng bào dân tộc, khẩu súng không đơn giản là vật dụng sử dụng để bảo vệ mùa màng, săn bắn và trưng bày kỷ niệm mà sâu thẳm trong tâm thức truyền đời, khẩu súng đã trở thành vật gia bảo, bất ly thân. Có những khẩu súng được truyền từ đời này sang đời khác, được nâng niu cất giữ. Đó là linh hồn, niềm tự hào của cả một gia đình, dòng tộc. Với đồng bào dân tộc Tày, Dao và một số dân tộc sống gần rừng, khẩu súng săn, con dao quắm là những vật bất ly thân từ nhiều đời nay của họ. Họ dùng để bắn báo hiệu, vì nhà nọ với nhà kia cách nhau cả quả đồi… Đây thực sự là khó khăn, thách thức đối với cấp ủy, chính quyền và lực lượng Công an địa phương trong việc thu hồi vũ khí, vật liệu nổ lưu hành trong nhân dân.
Theo kinh nghiệm của mình, trung tá Xa Kỳ Đà - Đội trưởng Đội cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Đà Bắc cho rằng, công tác vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ phải được thực hiện có lộ trình, triệt để, quan trọng hơn phải thức tỉnh lối tư duy cũ kỹ, lạc hậu, coi khẩu súng như "vật bảo” của người dân. Thế nhưng, việc thay đổi nhận thức không chỉ là một sớm, một chiều mà cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân nơi đây. Tuyên truyền lần đầu người dân không nghe, không hiểu thì lần thứ hai, thứ ba và nhiều lần nữa, ắt hẳn người dân sẽ hiểu và chấp hành. "Không chỉ tuyên truyền, chiến sỹ công an phải cầu thị lắng nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, chỉ có "3 cùng” với người dân thì mới được dân tin, dân yêu, dân mới ủng hộ, giúp đỡ” - trung tá Xa Kỳ Đà cho biết thêm.
Thời gian đầu, việc tiếp cận các hộ gia đình gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Không nản chí, các anh kiên trì vận động, sử dụng chính tiếng nói của đồng bào để thuyết phục bằng lý, bằng tình, tác động tới tư tưởng, thay đổi nhận thức của bà con. Các anh tham mưu cho cấp ủy, chính quyền kéo các đoàn thể, quần chúng vào cuộc, tham gia tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức như: thông qua các cuộc họp dân, họp ổ nhà, dòng họ, các hoạt động văn nghệ, thể thao và tuyên truyền trên hệ thống loa phóng thanh của xã. ở hầu khắp các xã trong huyện đều có những già làng đi đầu trong việc vận động giao nộp vũ khí tự chế, ví như: già Bàn Văn Thân ở xóm Dướng, xã Vầy Nưa, già Xa Văn Thế ở xã Đồng Chum, ông Lê Hình ở xã Giáp Đắt, ông Đặng Văn Bình ở xã Toàn Sơn… đã vận động người dân giao nộp hàng trăm loại vũ khí, vật liệu nổ. Các xã làm tốt công tác này phải kể đến xã Cao Sơn, Đoàn Kết, Tân Pheo, Mường Chiềng, Đồng Chum, Hiền Lương.. Trong 6 năm qua, toàn huyện đã thu hồi trên 3.000 khẩu súng các loại…
Thế nhưng, theo thượng tá Đỗ Anh Tuấn - Phó trưởng Công an huyện Đà Bắc, việc thu hồi vũ khí, vật liệu nổ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là một bộ phận người dân tộc còn tập tục săn bắn thú rừng nên quá trình đi rừng họ mang thường mang theo súng săn để phòng vệ. Họ thường cất giấu vũ khí tự chế trên nương rẫy, lén lút sử dụng, khi bị phát hiện thì kiên quyết chống đối, không chịu giao nộp. Một số gia đình vẫn lưu giữ súng như vật báu để trừ tà, thể hiện quyền lực, đẳng cấp… Thế nhưng, đó chỉ là những cá biệt, phần lớn người dân chấp hành các quy định về giao nộp vũ khí vì họ biết rằng, giảm số vũ khí, tức là giảm các mối hiểm họa cho chính bản thân mình.
Như Hùng (TTV)