Cán bộ Phòng Thanh tra - Kiểm tra (BHXH tỉnh) khảo sát thu nhập thông tin và số liệu trước khi tiến hành thanh tra các đơn vị trên địa bàn.
Trong bối cảnh đó, thực hiện Nghị định số 21, ngày 31/3/2016 của Chính phủ quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm xã hội (BHTN) của cơ quan BHXH. Kể từ ngày 1/6/2016, ngành BHXH chính thức được giao thêm nhiệm vụ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN. Để triển khai thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và công tác kiểm tra tại các địa phương, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành Quyết định số 1518, ngày 18/ 10/2016 quy định hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN và hoạt động kiểm tra của BHXH Việt Nam. Từ tháng 11/2016, BHXH tỉnh chính thức triển khai thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Đồng chí Nguyễn Tiến Khang, Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra (BHXH tỉnh) cho biết: Phòng Thanh tra - Kiểm tra có chức năng giúp Giám đốc BHXH tỉnh tổ chức thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BHYT, BHTN, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chế độ, chính sách về bảo hiểm và quản lý tài chính trong hệ thống BHXH tỉnh theo quy định của pháp luật và của BHXH Việt Nam. Năm 2017, phòng chủ động tham mưu cho Giám đốc BHXH tỉnh trong công tác xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành, liên ngành, kiểm tra theo định hướng của BHXH Việt Nam và theo kết quả rà soát tránh trùng lặp của Thanh tra tỉnh. Trong 9 tháng năm 2017 đã tiến hành thanh tra chuyên ngành 27 đơn vị. Kết quả đã truy đóng 9 trường hợp chưa tham gia BHXH bắt buộc với số tiền trên 78 triệu đồng; truy giảm 5 trường hợp không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với số tiền trên 66 triệu đồng; thu hồi tiền chi ngắn hạn về quỹ BHXH trên 16 triệu đồng; giảm tỷ lệ nợ đọng đối với các đơn vị tiến hành thanh tra từ trên 1,8 tỷ đồng xuống còn trên 838 triệu đồng.
Theo đồng chí Nguyễn Tiến Khang, kể từ khi triển khai thực hiện thanh tra chuyên ngành đã mang lại hiệu quả cao hơn trước đây. Phần lớn các đơn vị vi phạm hoạt động đóng BHXH, BHYT, BHTN khi đoàn thanh tra chuyên ngành đến làm việc đã chấp hành và thực hiện nghĩa vụ thu nộp theo quy định. Tuy nhiên, do mới thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, chưa có nhiều kinh nghiệm, vừa làm, vừa nghiên cứu, do đó chất lượng và hiệu quả của các cuộc thanh tra chưa cao...
Trong thời gian tới, qua thanh tra, kiểm tra sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đến với chủ sử dụng lao động và người lao động nhằm nâng cao nhận thức của chủ sử dụng lao động cũng như người lao động về chính sách BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ đó sẽ có hiệu quả cao hơn trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện công tác thanh tra theo kế hoạch và tăng cường thanh tra đột xuất đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm việc thực hiện Luật BHXH, BHYT. Tăng cường đôn đốc thực hiện kết luận xử lý sau thanh tra. Đối với những đơn vị đã đôn đốc nhiều lần mà vẫn cố tình không thực hiện ngành bảo hiểm sẽ phối hợp và chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hương Lan